Hải Dương: Người dân vươn lên làm giàu từ nghề bánh gai
Về miền quê xứ Đông (Hải Dương) du khách thập phương không quên mua đặc sản “nức tiếng” khắp mọi miền về làm quà, đó là bánh gai Ninh Giang. Nghề làm bánh gai là nghề truyền thống của địa phương đã giúp nhiều hộ gia đình và người dân có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu từ thứ quà quê đặc sắc ấy.
Về huyện Ninh Giang (Hải Dương) chúng tôi được chị Bùi Thị Thanh Thảo, cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ huyện nhiệt tình dẫn đến thăm một số hộ gia đình làm nghề lâu đời, vừa đi chị Thảo vừa cho biết, nghề làm bánh gai có từ hàng trăm năm trước đây, là thứ quà quê được mọi người khắp nơi trên cả nước ưa chuộng. Chính vì vậy, nghề làm bánh gai đang được phát triển và mở rộng, chủ yếu được làm tại thị trấn Ninh Giang và xã Đồng Tâm, với hàng trăm hộ sản xuất và đang được nhân rộng đến nhiều hộ gia đình, để đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay.
Đến cơ sở bánh gai Nga – Tới một địa chỉ làm bánh lâu đời và thương hiệu được mọi người ưa chuộng nhất hiện nay, tại thị trấn Ninh Giang chúng tôi được chị Phạm Thị Thúy, chủ cơ sở cho biết: Bánh gai ở đây làm ra, không những cung cấp cho người dân trong địa bàn tỉnh, mà còn được đưa đi các tỉnh, thành phố theo đơn đặt hàng, như: Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Huế, Nha Trang, Cần Thơ…
Chị Phạm Thị Thúy chia sẻ: Nghề làm bánh gai là nghề gia truyền của gia đình từ các cụ của hàng trăm năm trước đây. Để phục vụ cho khách hàng ngày càng đông, cơ sở đã đầu tư nhiều công đoạn làm bánh bằng thiết bị máy móc, thay cho làm thủ công. Mỗi ngày, cơ sở làm từ 5 nghìn đến 1 vạn chiếc bánh, tạo công ăn việc làm cho 10 lao động địa phương, chủ yếu là người có tuổi từ 60 tuổi trở lên (mỗi tháng lương từ 4 – 6 triệu đồng/người) có việc làm ổn định, đã giúp nhiều hộ dân có cuộc sống khá giả hơn. Cơ sở bánh gia hàng tháng thu lãi được từ 30 – 50 triệu đồng.
Chị Thúy, giới thiệu: Bánh gai Ninh Giang chính hiệu có hương vị, bản sắc riêng từ cách chọn nguyên liệu chế biến đến màu sắc và cách gói bánh độc đáo. Để có được chiếc bánh thơm ngon, khi làm phải lựa chọn gạo, xay gạo, rây kỹ, chọn lá gai, hấp bánh… đặc biệt người thợ phải kỹ lưỡng, công phu trong từng công đoạn. Gạo là loại đặc sản nếp cái Hoa Vàng nổi tiếng cả nước. Mật phải thật ngọt, đun nóng để trộn cho dễ. Lá gai phải là lá gai nếp thì bánh mới dẻo và có mùi thơm. Lá gai được rửa sạch cho vào nồi ninh nhừ. Ninh xong đem rửa sạch rồi muối, ủ bằng đường 2-3 ngày. Khi lá đã được muối ngấu, người thợ mới dùng chày giã nát lá, lọc lấy bột mịn rồi đem trộn với bột nếp. Tỷ lệ bột lá/bột nếp sẽ quyết định chất lượng của lớp áo bánh.
Nhân bánh cũng được chuẩn bị công phu không kém. Mỡ cánh (mỡ cổ lợn) được muối bằng đường thật khéo, sao cho mỡ lợn không còn ngấy, có độ giòn như mứt bí. Hạt sen chế biến sao cho mỗi hạt đều mềm và không nát, còn nguyên hương vị. Bột gạo nếp, bột lá gai, được trộn đều với mật để làm vỏ bánh. Khi trộn bột, càng vắt lâu thì bánh càng dẻo càng mềm mại thơm ngon. Người Ninh Giang không luộc bánh gai mà hấp trong khoảng 2 giờ đến khi bánh dậy mùi thơm ngậy đặc trưng. Khi ăn bánh, ai cũng sẽ phải ngất ngây với vị ngọt mà thanh, vị ngậy mà không ngán, lại dẻo mịn từ vỏ bánh đến mềm xốp của nhân bánh. Chính vì công phu và giữ gìn thương hiệu, nên bánh gai Nga – Tới luôn được khách hàng khắp nơi ưa chuộng và được công nhận đạt tiêu chuẩn thương hiệu ocop 4 sao.
Bánh gai Ninh Giang hiện có hàng trăm cơ sở sản xuất tại làng nghề của thị trấn Ninh Giang, xã Đồng Tâm với nhiều thương hiệu như: Tuyết Nhung, Minh Tân, Nhân Hưng, bà Tới, Trần Bình… Mỗi ngày, trung bình một cơ sở làm bánh gai ở Ninh Giang gói khoảng 500 chiếc bánh, khi có nhiều hợp đồng mua hàng thì con số này lại lên đến hàng nghìn chiếc.
Với giá từ 30-50 nghìn đồng/chục chiếc, bánh gai đã đem lại nguồn thu lớn người dân Ninh Giang – Chủ cơ sở bánh gai, Trần Bình, chia sẻ: Bánh gai là một sản phẩm ẩm thực, du lịch độc đáo của Ninh Giang. Hàng năm tại đây đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan làng nghề, thưởng thức món đặc sản nổi tiếng xứ Đông này. Để phát triển thương hiệu làng nghề bánh gai Ninh Giang, rất cần sự quan tâm của các cấp các ngành, địa phương trong việc quảng bá thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm để giúp người dân xóa đói giảm nghèo.