Hải Dương: Lúa mùa bị thiệt hại nặng, nhiều nơi mất mùa

22/11/2017 00:00

(TN&MT)- Cùng với các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng và ven biển, vụ lúa mùa này, tỉnh Hải Dương bị thiệt hại nặng, nhiều nơi mất mùa. Toàn tỉnh mất trên 40.000 tấn thóc. Một trong những nguyên nhân chính là do thời tiết, khí hậu biến đổi thất thường.

Mất mùa tại trời

Về các vùng nông thôn Hải Dương ở các huyện Thanh Miện, Ninh Giang, Bình Giang, Tứ Kỳ… nhiều hộ dân buồn nản khi đã lâu nay mới bị mất mùa lúa lớn như vậy. Nơi thì bị ngập lụt, nơi bị các loại sâu bệnh hoành hành, trong đó chủ yếu là bệnh bạc lá, bệnh lùn vàng lùn sọc đen. Những khu vực mất mùa nặng, năng suất lúa chỉ còn bằng 30 đến 40% so với vụ trước.

Hàng trăm ha lúa mùa ở huyện Thanh Miện bị bệnh bạc lá.
Hàng trăm ha lúa mùa ở huyện Thanh Miện bị bệnh bạc lá.

Trước diễn biến bất thường của thời tiết, hàng ngàn sào ruộng ở các xã Lê Hồng, Tân Trào, Ngô Quyền… (huyện Thanh Miện) lúa bạc trắng đồng, thu hoạch không nổi 70 kg thóc/1sào. Nếu chi phí đầu vào, công chăm sóc, môi sào lúa khoảng 800.000đồng/sào thì thu hoạch không đủ trang trải mua giống, thuê làm đất, thuê cấy, gặt và phòng trừ sâu bệnh. Nhiều hộ gom ruộng của bà con xóm giềng để cấy lúa bị lỗ nặng. Đất không thể trả bởi đã hợp đồng thuê 5 năm. Mất mùa, nhiều hộ dân điêu đứng. Bà Bùi Thị Cành ở xã Lê Hồng, huyện Thanh Miện cho biết, gia đình con trai bà, anh Dương Phú Yên, cấy 1,7 mẫu lúa, vụ mùa này mỗi sào chỉ thu hoạch được 50 đến 70 kg thóc. Không đủ tiền trả sản phẩm, công thuê làm đất, cấy, gặt, bị lỗ nặng, bây giờ tiến còn vay ngân hàng, giờ biết lấy gì để trả.

Ông Phạm Xuân Luân, Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết, huyện Thanh Miện cho biết: Vụ mùa này chỉ đạt 43 tạ/ha, giảm hơn 12 tạ/ha. Toàn xã có 399 ha đất lúa, vụ mùa này mất gần 500 tấn thóc so với vụ trước. Diện tích lúa mùa xã chủ yếu gieo cấy giống Bắc thơm số 7. Năm nay giống Bắc thơm số 7 thường bị bạc lá nặng. Chúng tôi vận động bà con cấy được hơn 100 ha giống Bắc thơm số 7 kháng bạc lá nên bù lại được các diện tích mất mùa nặng.

Tuy chỉ đạt 43 tạ/ha, song năng xuất lúa của Đoàn Kết vẫn nhỉnh hơn các xã lân cận như trong khu vực như Tân Trào, Ngô Quyền, Lê Hồng…. Đặc biệt xã Tân Trào năng xuất lúa chỉ đạt 38 tạ/1ha. Còn toàn huyện Thanh Miện được ngành thống kê tỉnh đưa ra là 46,02 tạ/ha (thấp hơn khoảng gần 12 tạ/ha so với dự kiến đầu vụ)

Thanh Miện mất mùa do bệnh bạc lá, mưa gió làm đổ lúa, bị chuột gây hại , song năm nay bệnh vàng lá di động chưa bao giờ có trên địa bàn huyện Thanh Miện, nhưng năm nay bắt đầu bùng phát. Riêng tại Thanh Miện, virus gây bệnh xuất hiện ngay từ giai đoạn mạ, góp phần gia tăng mức độ gây hại trên lúa.

Một thực tế khác, tổng diện tích nhiễm vàng lụi, lùn sọc đen trên các trà lúa mùa 2017 trên địa bàn tỉnh trên 1.700 ha, tập trung tại 4 huyện Kinh Môn (488ha), Kim Thành (627ha), Thanh Hà (388ha), Chí Linh (239ha).

Mặc dù không bị nhiễm vàng lùn, lùn sọc đen và chỉ có một diện tích không nhiều nhiễm bạc lá, tuy nhiên mưa úng đã gây thiệt hại nặng cho người trồng lúa huyện Ninh Giang. Do Ninh Giang có nhiều vùng trũng, mưa ngập tới hơn 3.600ha (nhất là các xã Kiến Quốc, Đông Xuyên, Tân Phong...), trong đó đa phần là diện tích lúa sắp chín. Trên địa bàn huyện gần 600ha lúa mất trắng và gần 2.600ha lúa bị thiệt hại giảm năng suất từ 30 – 70% do mưa bão gây ra. Chính vì vậy Ninh giang lại trở thành huyện có năng suất lúa mùa giảm nhất tỉnh. Các huyện Tứ Kỳ, Thanh Miện và Ninh Giang có tổng diện tích lúa bị ngập trên 5.000 ha, vùng lúa bị ngập năng suất chỉ còn 30%.

Bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hải Dương cho biết, vụ mùa năm nay là vụ lúa mất mùa nặng nhất trong nhiều chục năm qua. Năng suất lúa mùa toàn tỉnh chỉ còn hơn 48 tạ/ha, giảm 8 tạ/ha so với vụ mùa trước. Do thời tiết, khí hậu biến đổi bất thường, do dịch bệnh đã lấy mất trên 40.000 tấn lúa của nông dân tỉnh Hải Dương.

Trong suốt vòng đời của cây lúa mùa, năm nay mưa rất nhiều, mưa liên tục từ đầu tháng 7 đến hết tháng 10. Từ tháng 6 đến hết tháng 10/2017, tổng lượng mưa đo được ở cống Neo khoảng 1.600mm, trong khi bình quân hàng năm chỉ khoảng 1.000mm. Do đó, công tác tiêu úng, phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh gặp khó khăn. Mưa kéo dài đúng dịp lúa làm đòng, trỗ bong, vào hạt khiến việc thụ phấn hoa không tốt, tỷ lệ hạt lép cao.

Mưa nhiều cũng khiến cây lúa phát triển chiều cao nhanh hơn, lá xanh non hơn. Bà con thấy thế không chăm bón cân đối dinh dưỡng cho cây. Khi xảy ra bão gió và mưa, thân, rồi lá lúa rất dễ bị dập, gẫy đổ. Đây là điều kiện tốt để vi khuẩn gây bệnh bạc lá phát tán, gây hại.

Có yếu tố con người

Trong xây dựng cơ cấu giống, giống lúa Bắc thơm số 7 (nhiễm nặng bệnh bạc lá) toàn tỉnh cơ cấu tới 25% diện tích gieo cấy. Có huyện cơ cấu tới 70% diện tích gieo cấy nên 500ha trong số đó bị nhiễm nặng bạc lá.

Thôn Quốc Tuấn, xã Lê Hồng, nhiều thửa ruộng chỉ cho thu hoạch 60 đến 70 kg thóc/sào.
Thôn Quốc Tuấn, xã Lê Hồng, nhiều thửa ruộng chỉ cho thu hoạch 60 đến 70 kg thóc/sào.

Nói về việc ảnh hưởng tới năng suất lúa, Ông Phạm Xuân Luân, Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết chia sẻ: Một thực tế ở nông thôn là người làm nông nghiệp chủ yếu là người già, sức khoẻ yếu và trình độ thâm canh không năng động, nên việc chăm sóc cây lúa hạn chế. Chẳng hạn như HTX nông nghiệp đã vận động nhưng nhiều hộ dân không mạnh dạn đầu tư giống lúa kháng bạc lá (bởi giống này đắt hơn giống lúa phổ biến đang cấy), khi dịch bệnh xảy ra, chuyện mất mùa là không tránh khỏi. Bên cạnh đó, nhiều thửa ruộng cấy xong còn buông bỏ, thiếu chăm sóc thường xuyên. Nhiều thửa ruộng người dân bỏ cấy, xã phải vận động đoàn thể gieo cấy để phủ kín đất lúa.

Ở các xã thuần nông, kinh tế khó khăn, những thanh niên đang ở tuổi sung sức đi lao động nước ngoài, làm trong các doanh nghiệp, những người trung niên làm nghề phụ tiểu thủ công nghiệp, bởi thu nhập của họ gấp nhiều chục lần cấy lúa, trồng mầu. Vì vậy lao động ở nông thôn làm nông nghiệp đang bị mất cân đối, thiếu người trẻ năng động, dám đầu tư, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật. Đây là vấn đề đáng lo ngại sau thiên nhiên và dịch bệnh đối với sản xuất nông nghiệp.

Sau một vụ mất mùa nặng, ngành nông nghiệp Hải Dương đã đúc rút nhiều bài học sâu sắc. Trong đó là việc chọn giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, thời tiết. Với vụ mùa sử dụng giống kháng bạc lá, hạn chế bệnh vàng lụi, lùn sọc đen. Tăng lượng ka li cho lúa cứng cây, chống chọi tốt hơn với sâu bệnh. Xây dựng cơ cấu giống, lịch thời vụ tập trung cho lúa trỗ bông vào thời điểm ánh sáng tốt nhất cho cả hai vụ chiêm mùa. Tiếp tục đầu tư thuỷ lợi, chống úng cho vùng trũng của các huyện Ninh Giang, Tứ Kỳ, Kim Thành, Thanh Miện… Hải Dương luôn xác định là một trong tỉnh vựa lúa của đồng bằng Bắc bộ.

                                                                                    Trần Tuấn

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Dương: Lúa mùa bị thiệt hại nặng, nhiều nơi mất mùa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO