Xã hội

Làng nghề miến gạo Thăng Long nhộn nhịp ngày cận Tết

Thanh Tâm 15/01/2025 - 09:08

Những ngày giáp tết, làng nghề truyền thống sản xuất miến gạo Thăng Long nhộn nhịp, mọi người đều phải dậy thật sớm, làm việc tới tận khuya để đáp ứng nhu cầu thị trường Tết.

Làng nghề truyền thống sản xuất miến gạo thuộc thôn Tân Giao, xã Thăng Long, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Từ lâu đời, người dân ở đây đã có truyền thống làm miến gạo. Trước đây chủ yếu phục vụ nhu cầu tại địa phương. Những năm trở lại đây, nhờ mạng xã hội cũng như chất lượng được người tiêu dùng tin tưởng, thị trường mở rộng khắp cả nước.

Miến gạo Thăng Long được sản xuất hoàn toàn thủ công, từ những hạt gạo Khang Dân chọn lọc tại địa phương. Qua nhiều công đoạn tỉ mỉ của những người thợ lành nghề, để cho ra những sợi miến trắng trong. Miến gạo Thăng Long không có chất tẩy trắng, không chất bảo quản, khi nấu lên vẫn thơm mùi gạo, không bị nhũn nát.

Những ngày cuối năm tất bật, chị Lại Thị Hồng tay thoăn thoắt đóng miến, bên cạnh chồng chị đang đứng máy ra sợi. Xưởng của chị Hồng đang hoạt động hết công suất vẫn không đủ hàng cung ứng trong những ngày cuối năm.

c-hong.jpg
Cơ sở sản xuất miến gạo Toàn Hồng của gia đình chị Lại Thị Hồng sản xuất không đủ bán ra thị trường những ngày cuối năm.

Gia đình chị Hồng đã gắn bó với nghề làm miến từ năm 2007. Mỗi năm, họ sản xuất gần 170 tấn miến và thu mua hơn 200 tấn từ các hộ dân trong thôn. Sau khi trừ chi phí, nghề này mang lại lợi nhuận gần nửa tỷ đồng mỗi năm cho gia đình chị.

Từ nghề làm miến, cả gia đình chị có thu nhập ổn định, không phải bươn chải đi làm ăn xa quê. Bên cạnh đó còn tạo việc làm cho 4 lao động với mức lương 6-7 triệu đồng/người/tháng.

Từ cuối tháng 11 âm lịch, 5 thành viên trong gia đình chị Hồng phải thức dậy lúc 2h để làm hàng. Bình quân, mỗi ngày xưởng sản xuất ra hơn 5 tạ miến, có hôm cao điểm một tấn nhưng vẫn không đủ bán.

Với gần 20 năm kinh nghiệm, chị Hồng cho biết, yếu tố quyết định đến độ ngon của miến là nguyên liệu. Gia đình chị sử dụng gạo Khang Dân 18 và Kim Cương 90.

Quy trình sản xuất miến đòi hỏi nhiều công đoạn tỉ mỉ. Gạo được vo sạch, ngâm 2-4 tiếng, sau đó nghiền thành bột và ép khô. Tiếp theo, bột được đưa vào máy để tạo sợi, sau đó ủ trong 10 tiếng, rũ trong nước lạnh và phơi khô. Phơi khô bằng ánh nắng tự nhiên cho ra sợi miến dai, vẫn giữ được mùi thơm đặc tưng của gạo mới.

ba-thuy.jpg
Bà Lê Thị Thủy đã có kinh nghiệm làm miến gạo hơn 20 năm.

Bà Lê Thị Thủy cũng là một người sản xuất miến lâu năm tại thôn Tân Giao, chia sẻ: "Miến ở đây có sợi dai, vị thơm, ngọt mang đặc trưng của gạo. Sản phẩm được xuất bán khắp cả nước với giá 25.000 đồng/kg. Từ khi sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao rất nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích đặt hàng. Thị trường của miến gạo Thăng Long mở rộng ra nhiều tỉnh thành của cả nước".

Với bà Thủy công việc làm miến không chỉ là công việc mưu sinh, mà đó còn là đam mê với nghề. Hơn 20 năm gắn bó với nghề, từng công đoạn làm miến với bà giờ nhắm mắt cũng có thể làm thành thạo.

a12(1).jpg
"Miến gạo Thăng Long" đã đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao vào năm 2024.

Tay vẫn đang thoăn thoắt đóng từng túi miến vào bao bì đạt chứng nhận OCOP 4 sao, bà Thủy nói, nghề làm miến gạo đã có từ lâu đời tại địa phương, nhờ thế người dân trong thôn có công việc ổn định, có tiền xây nhà, nuôi con ăn học. Vào thôn Tân Giao thấy đường bê tông rộng đẹp, nhà cửa đều rất khang trang chủ yếu nhờ vào nghề làm miến gạo.

a13.jpg
Ông Trương Hữu Hoa cho biết nghề làm miến đã tạo việc làm ổn định cho hơn 200 lao động địa phương.

Ông Trương Hữu Hoa, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ miến gạo Thăng Long, cho biết nghề làm miến gạo ở thôn Tân Giao đã có từ năm 1990 của thế kỷ trước. Hiện nay, thôn có 37 hộ sản xuất miến, với tổng sản lượng hơn 1.100 tấn và doanh thu khoảng 10 tỷ đồng trong năm 2024.

Nghề miến đã giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động tại địa phương. Nghề làm miến cho thu nhập cao gấp 2 lần so với trồng lúa, hoa màu, mỗi lao động khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, người làm miến vẫn tranh thủ có thời gian làm việc nhà, đưa đón con đi học.

z6223792293156_a85b0fc398818a15f90f0826f1ad3bfa.jpg
Nhiều lao động đã cao tuổi cũng có việc làm và thu nhập ổn định.

Ông Hoa cũng cho biết, năm 2016, làng miến gạo Thăng Long được công nhận là làng nghề truyền thống, và sản phẩm "Miến gạo Thăng Long" đã đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao (chương trình mỗi xã một sản phẩm) vào năm 2024.

“Miến gạo Thăng Long giờ được người tiêu dùng cả nước biết tới, được bán ở nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. Trong tương lai, định hướng sẽ xây dựng cụm làng nghề, để quy hoạch tập trung các hộ, có như thế mới mở rộng sản xuất và tăng năng suất được” - ông Hoa chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng nghề miến gạo Thăng Long nhộn nhịp ngày cận Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO