Qua kiểm tra của cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương vừa qua, cho thấy: Hiện trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 42 dự án trong nước và nước ngoài đầu tư ngoài Khu công nghiệp không triển khai xây dựng, chậm tiến độ, sai phạm…
Điển hình như các dự án: Trung tâm chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng và dạy nghề cho trẻ em tàn tật tỉnh Hải Dương, đã được UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận đầu tư năm và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2011, nhưng đến nay chưa triển khai xây dựng. Cơ quan đăng ký đầu tư không liên lạc được với nhà đầu tư, hoặc đại diện hợp pháp của nhà đầu tư. Dự án Nhà nghỉ, nhà hàng ăn uống của Công ty TNHH Một thành viên đầu tư và phát triển Bảo Khánh, được UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận đầu tư và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2012, đã được UBND tỉnh Hải Dương gia hạn thời gian hoạt động Dự án đến ngày 30/6/2015. Nhưng đến nay, nhà đầu tư vẫn chưa triển khai xây dựng.
Đặc biệt có nhiều dự án, qua kiểm tra của cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương hiện đang vi phạm nghiêm trọng Luật đầu tư, xây dựng… cho đơn vị khác thuê lại hoạt động, như: Dự án cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng của Công ty Cổ phần Thành Tâm được UBND tỉnh chấp thuận, cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2011, do vướng mắc trong việc thu hồi và bàn giao đất, nên chủ đầu tư chưa triển khai thực hiện dự án theo tiến độ và đã được UBND tỉnh Hải Dương gia hạn đến hết ngày 30/6/2015. Kể từ đó đến nay, nhà đầu tư vẫn không triển khai các thủ tục, đầu tư xây dựng và đưa dự án vào hoạt động. Dự án bãi tập kết, chế biến và kinh doanh vật liệu xây dựng của Công ty TNHH Thương mại Thành Phát, Nhà đầu tư từ khi được chấp thuận đến nay không triển khai các thủ tục, đầu tư xây dựng và đưa dự án vào hoạt động. Dự án cơ sở sản xuất, kinh doanh cơ khí và vật liệu xây dựng của Công ty TNHH MTV Đông Sơn từ khi được chấp thuận đầu tư, đến nay vẫn “án binh bất động”. Dự án Cơ sở dịch vụ ăn uống giải khát của Công ty Cổ phần Tam Thanh 27 - 7. Tuy nhiên, các dự án này vị trí mặt bằng hiện đang được đơn vị khác sử dụng, làm bãi phơi đất sét.
Còn có trường hợp, Nhà máy sản xuất bột giấy và sản xuất giấy của Công ty TNHH Thương mại Thành Phát. Dự án đang ngừng hoạt động, nhưng đang cho doanh nghiệp khác hoạt động thu gom phế liệu và tái chế nhựa.
Trong đó có nhiều dự án xây dựng không đúng quy hoạch, hoạt động không đúng mục tiêu, như: Dự án cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, máy nông nghiệp của Công ty TNHH Nam Huy, nhà đầu tư đã đầu tư xây dựng 1 nhà xưởng, để hoạt động theo mục tiêu được phê duyệt, nhưng chưa đúng theo quy hoạch xây dựng được duyệt. Dự án chợ đô thị phía Đông TP. Hải Dương của Công ty TNHH Việt Đức. Nhà đầu tư đã đầu tư xây dựng và đưa dự án vào hoạt động. Song, quy mô xây dựng chưa đúng với quy hoạch được phê duyệt và đơn vị này đang cho doanh nghiệp khác hoạt động dịch vụ thương mại, tại phạm vi đất thuộc dự án, không đúng mục tiêu của dự án. Dự án Trung tâm dịch vụ kỹ thuật và đại lý, mua bán ô tô, máy công trình của Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Hải Nam. Nhà đầu tư đã đầu tư xây dựng, nhưng cũng đang cho một số doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi dự án, không đúng mục tiêu dự án được chấp nhận. Dự án cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng xe ô tô và dịch vụ ăn uống, giải khát của Công ty TNHH Cao Cường được UBND tỉnh Hải Dương bàn giao đất đã lâu, nhà đầu tư không triển khai xây dựng. Dự án Nhà máy chế biến - tổng kho bảo quản rau, củ, quả và mô hình giới thiệu quy trình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp của Công ty CP Vinamit (Dự án Vinamit). Dự án đã 10 năm “bỏ hoang” cho cỏ dại, trở thành nơi “lý tưởng” cho nhiều cá nhân, tổ chức đến đổ trộm rác thải. Dự án này sử dụng diện tích lớn (gần 35ha) đất “vàng” của thành phố Hải Dương. Dự án Nhà máy sản xuất TURBINE Việt Nam của Công ty TNHH MTV Đầu tư hạ tầng - kinh doanh đô thị. Nhà đầu tư có thông báo tạm ngừng hoạt động của dự án và sắp hết hạn 12 tháng.
Đặc biệt có những dự án còn bị “biến tướng” như: Dự án Cơ sở kinh doanh nông sản thực phẩm của gia đình ông Nguyễn Văn Đắc. Dự án này không triển khai, mà cho doanh nghiệp thực hiện việc kinh doanh dịch vụ sửa chữa ô tô.
Để thực hiện nghiêm Luật đầu tư, tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất và không để doanh nghiệp xin dự án “một đường, thực hiện một nẻo”, các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương cần kiên quyết và thực hiện nghiêm. Đối với những trường hợp, nhà đầu tư không phối hợp, hợp tác các cơ quan chính quyền địa phương để triển khai thực hiện, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn… dẫn đến dự án chưa đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động theo tiến độ quy định thì đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, hoặc văn bản chấp thuận đầu tư đã được cấp. Các doanh nghiệp tuy đã triển khai xây dựng, nhưng cho đơn vị khác hoạt động cần phải xử lý, xử phạt nghiêm và có giải pháp cụ thể.