Hải Dương: Có “hô biến” đất nông nghiệp thành đất bãi bồi?

15/06/2018 08:14

(TN&MT) - Người dân khẳng định đất nông nghiệp chứ không phải đất bãi bồi, chính quyền xã Tứ Xuyên, không đồng tình là đất bãi bồi, đó là những quan điểm trái...

(TN&MT) - Người dân khẳng định đất nông nghiệp chứ không phải đất bãi bồi, chính quyền xã Tứ Xuyên, không đồng tình là đất bãi bồi, đó là những quan điểm trái chiều liên quan tới Quyết định số 1431/QĐ-UBND ngày 11/5/2018 về việc điều chỉnh, bổ sung diện tích đất trong danh mục công trình, dự án vào kế hoạch sử dụng đất năm 2018 của huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.
A1 (2)
Người dân bức xúc chỉ về cánh đồng lúa mà UBND tỉnh Hải Dương coi là bãi bồi sông Thái Bình

Cần minh bạch

Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được đơn thư của người dân xã Tứ Xuyên, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương phản ánh về việc chính quyền tỉnh Hải Dương đánh tráo khái niệm đất nông nghiệp thành đất bãi bồi sông Thái Bình để giao cho Công ty Cổ phần Minh Đăng HD triển khai Dự án khai thác lộ thiên cát, đất.

Nhiều người dân thôn Trại Vực và Làng Vực cho biết: Bản chất đây là đất nông nghiệp, được giao theo Nghị quyết 03, chứ không phải đất bãi bồi như UBND tỉnh đưa vào Quyết định số 1431/QĐ-UBND ngày 11/5/2018. Chúng tôi cần minh bạch và đổi tên đất bãi bồi thành đất nông nghiệp.

Được biết, bao đời nay, người dân vẫn canh tác nông nghiệp bình thường, ngoài ra, còn nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả, khai thác rươi… thu nhập hàng năm có hộ lên tới cả tỷ đồng.
 
A2 (2)

Ông Nguyễn Hữu Tuy bức xúc: Tỉnh Hải Dương “đánh lận” con chữ đất nông nghiệp thành đất bãi bồi để né tránh việc xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Mục a, Khoản 1, Điều 58 Luật Đất đai quy định: Đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và các mục đích khác mà không thuộc trường hợp Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đât, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có một trong các văn bản sau: Văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10ha đất trồng lúa trở lên; từ 20ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên. Tức là, nếu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp từ 10ha trở lên, UBND tỉnh Hải Dương phải có Văn bản chấp thuận của Thủ tướng. Để “lách luật”, UBND tỉnh Hải Dương đã đánh lận đất nông nghiệp thành đất bãi bồi để giao cho doanh nghiệp làm dự án khai thác đất, cát.
A3

Xã không đồng tình

Quyết định số 1431/QĐ-UBND ngày 11/5/2018 về việc điều chỉnh, bổ sung diện tích đất trong danh mục công trình, dự án vào kế hoạch sử dụng đất năm 2018 của huyện Tứ Kỳ, tại Điều 1 có ghi: Điều chỉnh, bổ sung diện tích đất thực hiện dự án khai thác lộ thiên mỏ đất, cát bãi bồi sông Thái Bình, xã Tứ Xuyên của Công ty Cổ phần Minh Đăng HD vào kế hoạch sử dụng đất năm 2018 của huyện Tứ Kỳ thành 77,1ha, 279 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, đất trồng lúa 67,27ha, cây hàng năm khác 2,62ha, nuôi trồng thủy sản 1,84ha và đất giao thông - nuôi trồng thủy sản 5,37ha. Nhiều lãnh đạo xã Tứ Xuyên đã không đồng tình cụm từ “bãi bồi” mà UBND tỉnh Hải Dương đưa vào Quyết định trên, theo họ phải dùng từ “đất nông nghiệp” mới chuẩn và hợp lòng dân.

Theo lý giải của UBND xã Tứ Xuyên, trước năm 1973, người dân đã sinh sống, sản xuất nông nghiệp ổn định tại khu đất này, sau này, do thiên tai nên Nhà nước có chủ trương di dân vào trong đê để ở. Còn đất canh tác người dân vẫn sử dụng bình thường từ đó đến nay. Hơn nữa, đây là đất giao theo Nghị quyết 03 chứ không phải đất phần trăm hay đất bãi bồi giao khoán hàng năm do xã quản lý.

Ông Nguyễn Thế Đậu, Chủ tịch UBND xã Tứ Xuyên cho biết: Năm 2011, đã xuất hiện cái tên “bãi bồi”. Tức từ khi Công ty Đồng Anh được tỉnh Hải Dương phê duyệt 10ha đất khu vực này làm dự án khai thác cát, đất (Dự án này Công ty Đồng Anh đang xin chủ trương để chuyển đổi và tiến hành họp bàn thống nhất giá với người dân để bồi thường - PV). Ông Đậu khẳng định: Doanh nghiệp và người dân phải đồng thuận, Dự án mới được triển khai, không thì dừng và sẽ không áp dụng cưỡng chế.

Ông Nguyễn Ngọc Sẫm, Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ cho biết: Tỉnh đã quyết thì huyện phải theo! Ông Sẫm khẳng định thêm: Đất khu vực Trại Vực, Làng Vực, xã Tứ Xuyên được giao khoán theo Nghị quyết 03. Phóng viên đặt câu hỏi: Vậy đây là đất nông nghiệp, huyện có ra Công văn đề nghị tỉnh Hải Dương công nhận đây là đất nông nghiệp chứ không phải đất bãi bồi? Ông Sẫm cho biết: Đến nay, huyện chưa có Công văn về việc trên, nhưng tỉnh đã quyết rồi thì phải theo.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Hà, Giám đốc Công ty Cổ phần Minh Đăng HD cho biết: Tỉnh quyết sao doanh nghiệp làm vậy, việc đất bãi bồi hay đất nông nghiệp thuộc thẩm quyền xác minh của chính quyền. Doanh nghiệp làm dự án sẽ tự thỏa thuận với người dân. Đất khai thác rươi sẽ bồi thường theo khai thác rươi, đất lúa bồi thường theo đất lúa…

Sự việc đã rõ mười mươi, đất ở Trại Vực, Làng Vực thuộc xã Tứ Xuyên là đất nông nghiệp, việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án của Công ty Cổ phần Minh Đăng HD trên diện tích 77,1ha tại Trại Vực của UBND tỉnh Hải Dương phải xin sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ theo Điều 58, Luật Đất đai quy định.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Dương: Có “hô biến” đất nông nghiệp thành đất bãi bồi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO