Hà Tĩnh: Phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Đức Cảnh - Nguyễn Hoàn| 06/09/2022 17:23

(TN&MT) - Nhờ hưởng lợi từ Dự án Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris tại Hà Tĩnh, nhiều hộ gia đình tại các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Can Lộc, Vũ Quang… khi tham gia mô hình nông lâm kết hợp thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) đã có bước phát triển kinh tế cao từ 2 - 5 lần.

Dự án hỗ trợ trồng 2,6ha cỏ chịu hạn tại những vùng đất bạc màu, dinh dưỡng thấp để làm thức ăn thô xanh phục vụ chăn nuôi. Giống cỏ được trồng là cỏ Ghine Mombasa. Thời gian khai thác dài từ 5 - 6 năm mới phải trồng lại.

Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ 5 hộ triển khai trồng cây lạc dại. Được biết, cây lạc dại có khả năng cộng sinh với vi khuẩn cố định đạm từ nitơ có trong không khí, chúng phát triển sinh khối nhanh, giữ ẩm và làm giàu mùn cho đất. Mặt khác, khi trồng cây lạc dại này còn tạo được nguồn thức ăn chăn nuôi rất tốt.

7.1.jpg

Mô hình nuôi tôm luân canh cá nước ngọt mang lại hiệu quả kinh tế, thích ứng với BĐKH

Ông Phạm Văn Đăng (thôn Vực Rồng, xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn) là hộ dân tham gia dự án cho hay: “Trồng cây lạc dại không tốn chi phí nhưng mang lại nhiều hiệu quả. Cây lạc dại sinh trưởng nhanh, giúp giữ ẩm, chống rửa trôi và xói mòn đất, tạo dinh dưỡng và hạn chế dịch hại cho diện tích cây ăn quả. Nhờ có lạc dại trồng xung quanh gốc, giúp giữ ẩm nên vườn cam của gia đình luôn phát triển tốt, cho quả đều, mẫu mã chất lượng đảm bảo”.

“Cây lạc dại là cây họ đậu nên gia đình còn có thể tận dụng để làm thức ăn cho đàn hươu và đàn dê gần 20 con. Qua đó, nâng cao được hiệu quả kinh tế cho gia đình so với trước kia. Từ thực tiễn cho thấy, loại cây này phù hợp trồng xen trong vườn cây ăn quả nói chung và trên đất dốc trồng cam nói riêng”, ông Phan Văn Đăng nói.

Ông Nguyễn Kiều Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết: “Sơn Hồng và Sơn Tiến 2 là xã khó khăn nhất của huyện Hương Sơn đã may mắn được tham gia chương trình dự án SIPA. Đây cũng là 2 xã nằm trong vùng địa bàn thường xuyên xảy ra thiên tai nên người dân gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống sản xuất nông nghiệp”.

Theo ông Nguyễn Kiều Hưng, tham gia dự án đã giúp người dân có bước phát triển kinh tế cao hơn: Hiệu quả mang lại từ các mô hình rất rõ rệt và có triển vọng lớn để các hộ dân nhân ra diện rộng trong thời gian tới.

Được biết, Dự án Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris tại Hà Tĩnh (gọi tắt là SIPA) do Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu liên bang Đức tài trợ, trong khuôn khổ hỗ trợ của Quỹ Sáng kiến Khí hậu Quốc tế. Dự án đã thí điểm cách tiếp cận thích ứng dựa vào hệ sinh thái thông qua các giải pháp nông nghiệp thông minh ứng phó với BĐKH và quản lý rủi ro khí hậu cho các hộ nghèo ở các huyện dễ bị tổn thương.

Từ năm 2020 đến tháng 6/2022, dự án đã triển khai 5 mô hình nông lâm kết hợp, bao gồm: Phát triển hệ sinh thái vườn đồi tổng hợp; nuôi ong dựa vào hệ sinh thái vườn rừng và rừng trồng; trồng hành tăm thích ứng với BĐKH theo hướng hữu cơ; nuôi tôm càng xanh luân canh cá nước ngọt kết hợp phát triển hệ sinh thái vườn hồ; trồng cỏ chịu hạn phục vụ chăn nuôi.

Kết quả, hơn 3.560 hộ gia đình với tổng số 14.000 người tại các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh, Can Lộc và Vũ Quang đã tham gia dự án có hiệu quả. Quan trọng hơn, từ việc tham gia thực hiện dự án, bà con còn biết cách chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng thích ứng an toàn bền vững với BĐKH.

7.2.jpg
Các dự án đã góp phần thực hiện chương trình Nông thôn mới

Mặt khác, dự án SIPA Hà Tĩnh cũng lồng ghép kết quả và phương pháp tiếp cận của dự án vào một số chương trình khác. Điển hình là chương trình “Cải tạo vườn tạp” do Hội Nông dân tỉnh triển khai, góp phần thực hiện chương trình “Nông thôn mới”; Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2022 - 2025”, chương trình “Kết nối tiêu thụ sản phẩm” và chương trình “Chuyển đổi số trong nông nghiệp” phối hợp với Hội Nông dân và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng tại Hà Tĩnh, việc triển khai các mô hình nông nghiệp thích ứng với BĐKH đã cải thiện rõ rệt khả năng thích ứng và sinh kế của các hộ gia đình. Thu nhập của mô hình sau khi tham gia dự án tăng gấp 2 - 5 lần so với trước.

Một số mô hình nổi bật như nuôi tôm càng xanh luân canh cá nước ngọt thu được hơn 200 triệu đồng/ha/năm; Mô hình hành tăm luân canh cây họ đậu mang về 80 triệu đồng/ha/năm; Mô hình nuôi ong lấy mật cũng giúp bà con tăng thêm thu nhập từ 35 - 40 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, 1 ha cỏ chịu hạn có thể cung cấp thức ăn cho khoảng 8 con bò mỗi năm, góp phần giảm chi phí thức ăn chăn nuôi cho bà con.

Anh Nguyễn Duy Toán ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), một trong các hộ dân triển khai mô hình nuôi ong lấy mật cho biết: “Được dự án hỗ trợ 10 thùng ong giống, với sự hướng dẫn kỹ thuật sản xuất từ mô hình nông lâm kết hợp đó là trồng cây dứa, lạc dại, trồng cây ăn quả và các biện phát bảo vệ hệ sinh thái vườn rừng, thu nhập của gia đình anh đã tăng thêm so với trước kia từ 35 - 40 triệu đồng, các sản phẩm tạo ra còn đảm bảo chất lượng và bán được giá hơn”.

Với những kết quả đạt được, Hà Tĩnh đang triển khai các giải pháp nhân rộng tại nhiều địa phương trong toàn tỉnh. Đây chính là những cơ hội mới sẽ tiếp tục được thực hiện với hi vọng giúp nông dân Hà Tĩnh phát triển sản xuất theo hướng thích ứng an toàn bền vững với BĐKH.

image.png

Ông Đặng Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh

Xác định vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành kế hoạch Cơ cấu lại ngành nông nghiệp Hà Tĩnh những năm tiếp theo. Theo đó, tiếp tục rà soát, chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với BĐKH từng vùng, miền”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Tĩnh: Phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO