Hà Tĩnh: Nông dân bám ruộng đồng vật lộn với nắng hạn

25/07/2019 22:23

(TN&MT) -Gần như 100% diện tích đất lúa không thể canh tác do hạn hán kéo dài khiến cuộc sống của người dân xã Thạch Đỉnh, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) vốn đã khốn khó tìm cái ăn, nước uống giờ đây đang phải oằn mình trước cơn đại hạn.

Ruộng bỏ hoang, đất hoa màu trồng lúa

Về xã Thạch Đỉnh- Một trong những xã nằm trong vùng mỏ sắt Thạch Khê(Hà Tĩnh) mới thấy nỗi cơ cực của người dân nơi đây. Nông nghiệp được gọi là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó, trồng lúa là nguồn mang lại thu nhập chính nhưng cứ nhìn những cánh đồng bỏ không, thỉnh thoảng mới bắt gặp một vài thửa lúa sống lay lắt thực sự cảm thấu.
 

Toàn bộ diện tích 120 héc ta ruộng lúa của người dân xã Thạch Đỉnh bỏ hoang vì nắng hạn
Toàn bộ diện tích 120 héc ta ruộng lúa của người dân xã Thạch Đỉnh bỏ hoang vì nắng hạn

Bà Hoàng Thị Thúy(59 tuổi), ở thôn Trường Xuân, xã Thạch Đỉnh, huyện Thạch Hà cho biết: Không có nước nên hơn năm sào ruộng của gia đình mùa này đều bỏ hoang. Để có việc làm, lo cho năm miệng ăn bà đã chuyển toàn bộ đất sản xuất hoa màu sang trồng cây lúa, nếu thời tiết thuận lợi thì đến tháng mười sẽ cho thu hoạch”.

Bà Thúy giải thích cho phương án lạ này, hạn từ nhiều tháng nay khiến đất ruộng giờ cứng không khác gì đá, muốn cải tạo cũng rất khó khăn, phải tiêu tốn nhiều công sức. Đất hoa màu dễ cải tạo hơn nhưng với thời tiết này cho lạc, đậu, rau xuống thì chết ngay, thay vào đó bà cũng như nhiều nông dân đã gieo lúa thay thế, với hy vọng vào sức chịu đựng của loại cây này có thể trụ được đến mùa mưa.
 

Người dân vật lộn với nắng hạn, chuyển đổi đất sản xuất hoa màu sang trồng lúa
Người dân vật lộn với nắng hạn, chuyển đổi đất sản xuất hoa màu sang trồng lúa

“Làm ra hạt lúa rất vất vả nhưng ở độ tuổi như chúng tôi giờ muốn đi xin việc làm khác cũng rất khó, nên phải bám ruộng đồng. Cũng vì thế mà những năm gần đây rất đông con em là lao động trẻ theo nhau rời quê tìm việc làm,  tham gia sản xuất lúa ở địa phương giờ chỉ có phụ nữ và người già”, bà Thúy tâm sự.

Thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài đối với nhiều nơi còn có hồ đập lưu chứa để giải cứu nguồn nước. Những qua tìm hiểu, ở với khu vực như xã Thạch Đỉnh, huyện Thạch Hà vốn dĩ là nơi chịu nhiều tác động của thời tiết, đặc biệt là hạn hạn nhưng lại không có bất kỳ hệ thống hồ đập nào phục vụ cho việc chống hạn.
 

Cây lúa sống lay lắt giữa nền nhiệt trung bình 40 0 C, không có nước tưới
Cây lúa sống lay lắt giữa nền nhiệt trung bình 40 0 C, không có nước tưới

Theo Bà Trần Thị Hà ở thôn Vĩnh Hòa, thì đây là lời giải cho nguyên nhân diện tích đất trồng lúa không phải ít nhưng người dân sản xuất không đủ ăn: “Một phần cũng do công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp còn rất hạn chế, không đáp ứng đủ nguồn nước cho cây trồng nên năng suất mùa vụ thấp(1tạ/sào).  Nếu vụ mùa mà không gặp mưa thì cũng coi như mất trắng”.

Chờ đợi những cơn mưa                      

Mang tiếng là vùng bãi ngang, gần biển nhưng ở khu vực này nhiệt độ luôn ở mức cao so với nền nhiệt độ trung bình ở Hà Tĩnh. Tiếp chúng tôi trong căn phòng làm việc, ngoài trời nắng rừng rực như bắt đầu đổ lửa, Chủ tịch UBND xã Thạch Đỉnh Nguyễn Văn Hồng liền chia sẽ: Đây chưa phải là cao điểm, có thời điểm nắng nóng khiến cây cối ở đây không còn màu xanh”.
 

Mương dẫn nước khô cạn
Mương dẫn nước khô cạn

Theo lời Chủ tịch Nguyễn Văn Hồng thì địa phương đang phấn đấu đẩy nhanh tiến độ đê về đích NTM trong năm 2019 theo kế hoạch chỉ đạo của huyện, chính quyền cùng người dân sẽ nỗ lực hết sức. Mặc dù vậy, việc xây dựng NTM đối với địa phương vào giai đoạn này rất khó khăn, nhất là các tiêu chí về môi trường, nước sạch, thu nhập....

Báo cáo của UBND xã Thạch Đỉnh cũng cho biết, địa phương có hơn 3.500 nhân khẩu thuộc hơn 952 hộ thì  ¾ trong số đó thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nước giếng khoan bị ô nhiễm không thể sử dụng, để có nước dùng qua ngày phần lớn người dân tự vận động như đi mua về dùng, những hộ gia đình có điều kiện hơn thì mua máy về lọc nước mưa nhưng cũng phải sử dụng hết sức chắt bóp. Tuy nhiên, lời giải này lại trở nên nan giải cho hơn 7,6% hộ nghèo trên địa bàn hiện nay.
 

Người dân dùng can mua nước từ nơi khác về sinh hoạt
Người dân dùng can mua nước từ nơi khác về sinh hoạt

Nỗi lo cái uống còn dai dẵng thì cái ăn cũng đang là gánh nặng với chính quyền, người dân xã Thạch Đỉnh. Được biết, nguồn thu nhập chính là sản xuất nông nghiệp, với hơn 99% hộ dân tham gia sản xuất lúa nhưng vụ hè thu năm nay thì toàn bộ diện tích120 héc ta ruộng lúa của người dân không thể sản xuất do hạn hán.

Chủ tịch Nguyễn Văn Hồng cho biết: “Không thể tìm ra giải pháp để chống hạn cho cây lúa. Các cơ quan, ban ngành cũng đã quan tâm nhưng trên địa bàn chưa thể chạm tới nguồn nước từ những công trình phục vụ tưới tiêu, sản xuất, trong khi nguồn nước mương, nước tích tụ thì đã khô cạn. Giờ chỉ biết chờ trời thương(PV-trời mưa)”...
 

Chủ tịch UBND xã Thạch Đỉnh Nguyễn Văn Hồng
Chủ tịch UBND xã Thạch Đỉnh  Nguyễn Văn Hồng

Mặc dù không có nước sản xuất nhưng người dân xã Thạch Đỉnh vẫn quyết tâm không rời bỏ ruộng đồng, nhiều hộ dân đã chuyển đất sản xuất hoa màu sang trồng lúa. Bằng hình thức vại vùi, cây lúa vẫn mọc, và có khả năng chịu hạn trên đất sản xuất hoa màu. Tuy nhiên, đây  không phải là lời giải cho bài toán lương thực, vì tất cả còn phụ thuộc vào thời tiết, nỗi lo cái ăn của người dân nơi đây vì thế cũng đang dần hiện hữu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Tĩnh: Nông dân bám ruộng đồng vật lộn với nắng hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO