Hà Tĩnh: Lò đốt rác sinh hoạt làm nóng nghị trường…?

17/07/2018 17:31

(TN&MT) - Mặc dù chi phí đầu tư xây dựng các lò đốt rác sinh hoạt khá lớn nhưng hoạt động đã thực sự đạt được hiệu quả ? Đó là một trong rất nhiều vấn đề được đại biểu chất vấn gay gắt đối với ngành Tài nguyên và Môi trường, tại nghị trường kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Hà Tĩnh, diễn ra vào sáng ngày 17/7.

Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Hà Tĩnh, diễn ra vào sáng ngày 17/7, Giám đốc Sở TN&MT - Ông Hồ Huy Thành đã “đăng đàn” trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri, đại biểu về thực trạng và giải pháp xử lý các dự án được giao đất, thuê đất vi phạm pháp luật, chậm đưa vào sử dụng, sử dụng không hiệu quả; công tác xây dựng, quản lý hồ sơ địa chính; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; kết quả xử lý việc cấp đất trái thẩm quyền; việc giao đất, cho thuê đất SX-KD một số vị trí dọc tuyến đường tránh thành phố Hà Tĩnh; giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải tại các địa phương.

Toàn cảnh kỳ họp thư 7 HĐND tỉnh Hà Tĩnh
Toàn cảnh kỳ họp thư 7 HĐND tỉnh Hà Tĩnh

Liên quan đến vấn đề khắc phục ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải tại các địa phương. Đại biểu Đỗ Khoa Văn - Tổ đại biểu huyện Thạch Hà chất vấn: Trong thời gian qua, với chi phí khá lớn trong việc đầu tư xây dựng hàng chục lò đốt rác sinh hoạt nhưng hoạt động chưa thực sự đạt được hiệu quả. Vấn đề là có nên xem xét đầu tư để duy trì hoạt động các lò đốt rác nữa hay không; cơ sở tính toán tài chính, lượng rác thải như thế nào để đảm bảo cho quá trình hoạt động? Chúng ta đang khó khăn kêu gọi đầu tư xã hội hóa các nhà máy xử lý rác thải vì phải đảm bảo tối thiểu đạt 100 tấn rác/ngày, trong khi đó ngân sách vẫn bỏ ra hàng tỷ đồng để xây dựng các lò đốt rác để xử lý liệu có khiến cho nhà đầu tư băn khoăn…?.

Trả lời về vấn đề này, ông Hồ Huy Thành - Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh thừa nhận, sử dụng các lò đốt rác sinh hoạt nhỏ đã lỗi thời. Lâu nay, tỉnh đã có quy hoạch cho từng vùng để kêu gọi đầu tư xã hội hóa xây dựng các nhà máy xử lý rác thải mang tính công nghệ. Trong đó, chú trọng khảo sát xây dựng nhà máy rác thải tập trung ở Hương Khê và Đức Thọ. Mặc dù vậy, các nhà đầu tư chỉ xem xét xây dựng nhà máy phải đảm bảo có 100 tấn rác cung cấp cho nhà máy mỗi ngày.

Thẳng thắn chỉ ra những vấn đề cần phải nói rõ, đại biểu Đỗ Khoa Văn tiếp tục chất vấn: Trong báo cáo của Sở TN&MT cho rằng để khắc phục ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải tại các địa phương cần tiếp tục hỗ trợ lò đốt rác cho từng xã, trong khi trả lời đại biểu là kiên quyết dừng xây dựng lò đốt cho từng xã?. Mặt khác, chúng ta đang ra sức kêu gọi đầu tư xã hội hóa các nhà máy xử lý rác nhưng khó khăn là số lượng rác thải không đáp ứng, trong khi đó lại tiếp tục cấp cho các xã đẫn đến cạnh tranh rác ?.

Lý giải về vấn đề này, ông Thành thừa nhận việc sử dụng lò đốt rác chỉ là giải pháp trước mắt. Tuy nhiên, do việc xây dựng những nhà máy xử lý rác có tính chất công nghệ đang được nghiên cứu, xây dựng nên chưa thể dừng lò đốt rác nhỏ lẻ tại các xã mà cần phải có thời gian giải quyết. Thừa nhận trách nhiệm ông Thành đã tiếp thu ý kiến và tiếp tục nghiên cứu ý kiến của đại biểu.

Quan tâm đến vấn đề xử lý rác thải, Các đại biểu Đặng Quốc Cương (tổ đại biểu Cẩm Xuyên), Nguyễn Văn Hổ (tổ đại biểu thị xã Hồng Lĩnh) cùng tham gia chất vấn về thực trạng xử lý rác thải còn nhiều bất cập hiện nay. Theo đó, việc xử lý rác sinh hoạt, tình trạng ô nhiễm tại các khu du lịch, cụm công nghiệp; ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt… đã được đại biểu nêu và yêu cầu ngành chuyên môn có giải pháp xử lý.

“Những khó khăn trong việc xử lý rác thải ở Hà Tĩnh chịu sự chi phối của 2 yếu tố, khối lượng rác phát sinh lớn nhưng kinh phí bố trí ngân sách thực hiện xử lý rác thải còn hạn chế. Vì vậy, giải pháp đầu tiên đó là HĐND tỉnh quan tâm bố trí kinh phí để thực hiện. Bên cạnh đó, ngành chuyên môn đang triển khai việc phân loại rác để giảm chi phí đầu tư cho việc xử lý rác thải”- Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh Hồ Huy Thành phân tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Tĩnh: Lò đốt rác sinh hoạt làm nóng nghị trường…?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO