Hà Tĩnh: Gỡ vướng về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư

Đức Cảnh| 21/04/2022 09:19

(TN&MT) - Góp ý vào sửa đổi, điều chỉnh các quy định pháp luật về đất đai, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, cần thiết xem xét nghiên cứu quy định bổ sung về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để phù hợp hơn với thực tiễn, phát huy hiệu quả quản lý.

Những “nút thắt”

Thực hiện theo Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 75/2014/QĐ-UBND ngày 3/11/2014 quy định bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn được đầy đủ, đảm bảo công khai, minh bạch về quyền lợi của người có đất bị thu hồi. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng chính sách giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề cho người có đất bị thu hồi rất khó thực hiện, như lựa chọn việc làm, lựa chọn hướng chuyển đổi nghề nghiệp. Trên thực tế, nhiều hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất sản xuất không thực hiện được việc chuyển đổi ngành nghề, lúng túng trong việc xác định, lựa chọn ngành nghề để chuyển đổi.

thumbnail_anh-1.-dat-tai-dinh-cu.jpg

Người dân ở bản Rào Tre về nơi ở mới.

Trong khi các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn còn rất hạn chế trong việc tiếp nhận, tuyển dụng số lao động của địa phương, nhất là các đối tượng bị thu hồi đất để thực hiện dự án khi dự án đi vào hoạt động. Mặt khác, số người trong độ tuổi lao động bị thu hồi đất phần lớn là lao động phổ thông, trình độ kỹ thuật thấp không đáp ứng được nhu cầu lao động trong môi trường công nghiệp hoặc lao động kỹ thuật cao.

Ngoài ra, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Nhà nước những năm qua có nhiều lần thay đổi nên việc áp dụng tại các địa phương thiếu nhất quán, rất khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện, chính sách mới chỉ dừng ở việc bồi thường giá trị sử dụng đất và các tài sản bị thiệt hại trực tiếp. Các thiệt hại gián tiếp và vô hình khác, về thu nhập, về kinh tế như lợi thế từ vị trí kinh doanh, đánh bắt cá, từ sản phẩm rừng… chưa được tính đến.

Cần giải pháp dễ áp dụng thực tiễn

Trên thực tế, khi thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vẫn đang gặp những vướng mắc, khó thực hiện. Sau khi lấy ý kiến của các đơn vị tại địa phương, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra ý kiến đề xuất xem xét một số quy định cụ thể đối với Khoản 3 Điều 68 Luật Đất đai năm 2013 về hoạt động của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, quản lý đất đã thu hồi.

“Quy định của Luật Đất đai năm 2013 về việc định giá đất cụ thể để tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất được xác định trên cơ sở “giá đất phổ biến trên thị trường”. Tuy nhiên, để xác định một cách đầy đủ giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường là việc rất khó khăn khi trên địa bàn tỉnh, hoạt động của thị trường bất động sản chưa thực sự công khai minh bạch. Đối với đất nông nghiệp, những giao dịch về chuyển quyền sử dụng giữa những người sản xuất nông nghiệp với nhau rất ít, không phổ biến, nên việc xác định giá đất cụ thể để áp dụng trong bồi thường là rất khó khăn”.

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh

Theo đó, cần nghiên cứu, bổ sung nội dung theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP về xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại đối với phần giá trị mà người sử dụng đất đã đầu tư làm tăng độ màu mỡ của đất nhưng không có hóa đơn chứng từ chứng minh và việc này thực hiện trong nhiều năm đối với loại đất nông nghiệp.

Tiếp đó, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Khoản 5, Khoản 6, Điều 4 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính Phủ theo hướng tiếp cận đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng tại địa phương đối với quy định đối tượng được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất: Là hộ gia đình, cá nhân mà tại thời điểm Nhà nước thu hồi đất trực tiếp sản xuất nông nghiệp có nguồn thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp; Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà bị ngưng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất thì được hỗ trợ ổn định sản xuất. Quy định về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

“Từ ngày 1/7/2014 đến ngày 31/2/2020, Hà Tĩnh đã thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh 17 dự án (61,16 ha); thu hồi để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đối với 1131 dự án (4.850, 93ha). Qua đó, tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt với tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ trên 3.000 tỷ đồng và tiến hành bố trí tái định cư cho 623 hộ gia đình, cá nhân”.

Theo ý kiến của lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh, đề nghị xem xét rà soát các nội dung còn mâu thuẫn, chưa thống nhất giữa Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 14/02/2014 của Chính phủ về an toàn lưới điện và Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Cụ thể: Tại Điều 18 Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 14/02/2014 của Chính phủ có đề cập mức bồi thường, hỗ trợ đối với nhà ở, công trình được tồn tại trong hành lang an toàn đường dây dẫn điện cao áp trên không, Nhà nước không thu hồi đất, không chuyển mục đích sử dụng thì được xem xét hỗ trợ không quá 70% giá trị bồi thường theo quy định. Tuy nhiên, tại Điều 10 Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ đề cập không rõ nội dung này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Tĩnh: Gỡ vướng về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO