Hà Tĩnh đổi mới tư duy, tạo cơ chế thu hút đầu tư

Đức Cảnh (thực hiện)| 24/02/2022 08:52

(TN&MT) - Với hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, là cơ sở để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai, những năm qua, Hà Tĩnh đã mạnh dạn đổi mới tư duy, tạo cơ chế thu hút đầu tư…

Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Võ Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh về kết quả đạt được trong thực hiện đổi mới trong lãnh đạo thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý đất đai, đặc biệt là đối với các dự án đầu tư lớn trên địa bàn tỉnh.

PV: Xin ông cho biết kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 19 về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai tại tỉnh Hà Tĩnh?

Ông Võ Trọng Hải:

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, có thời điểm phải thực hiện giãn cách xã hội nhưng với sự nỗ lực cả hệ thống chính trị, nhất là sự vào cuộc quyết liệt của ngành Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành khá tốt các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra. Trong đó, nhiều nhiệm vụ trên các lĩnh vực với những đóng góp được lãnh đạo tỉnh, Bộ TN&MT ghi nhận và đánh giá cao.

Ở lĩnh vực đất đai, sau hơn 7 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai ở Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả quan trọng, với hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, những tồn đọng đang dần được tháo gỡ. Nhìn chung, công tác triển khai Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được kết quả quan trọng, góp phần phát triển KT-XH địa phương.

vo-trong-hai-chu-tich-ha-tinh-2540-4893-1618568052.jpg
ông Võ Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế kịp thời tháo gỡ, đặc biệt ở một số dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng không thực hiện được công tác giao đất, cho thuê đất do vướng quy định của Nghị định 148/2020/NĐ-CP; Một số dự án kéo dài nhưng không hoàn thiện được phương án hồ sơ, thủ tục để đấu giá; việc xác định giá đất đang từng bước đáp ứng nhiệm vụ nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc; Công tác phát triển quỹ đất chưa thực hiện được nhiều, hiệu quả chưa cao, một số dự án kéo dài nhưng không hoàn thiện được phương án hồ sơ, thủ tục để đấu giá...

Công tác quản lý đất đai vẫn còn xảy ra tình trạng lấn chiếm đất, tự ý chuyển mục đích khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép và việc cấp đất chồng chéo, trái thẩm quyền vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vẫn còn bộc lộ một số tồn tại; vẫn còn nhiều khe hở pháp lý cho “cò đất” lũng đoạn thị trường bất động sản gây sốt đất, làm xáo trộn trong đời sống kinh tế - xã hội...

Nhận thức về pháp luật đất đai và các quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của một số cán bộ chuyên môn, cán bộ lãnh đạo, quản lý còn hạn chế, dẫn đến thực hiện còn lúng túng, không dám giải quyết hoặc giải quyết không đúng quy định, kéo dài thời gian thực hiện thủ tục. Cán bộ làm công tác tài nguyên và môi trường tại các cấp còn thiếu, thường xuyên thay đổi công tác, nhất là cán bộ địa chính cấp xã.

PV: Xin ông cho biết, điểm nhấn đáng chú ý từ việc đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai đã được địa phương cụ thể hóa như thế nào?

Ông Võ Trọng Hải:

Chính sách pháp luật về đất đai có tác động trực tiếp tới hầu hết mọi hoạt động kinh tế - xã hội, văn hóa, môi trường của đất nước, trong đó có Hà Tĩnh. Việc sửa đổi Luật đất đai 2013 đã tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, khả thi cho việc khai thác và sử dụng có hiệu quả đất đai. Đặc biệt là việc khai thác nguồn lực đất đai cho việc phát triển kinh tế - xã hội, trong đó điểm nhấn đáng chú ý là tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc thu hút đầu tư.

Thời gian qua Hà Tĩnh yêu cầu những người làm công tác TN&MT cần phải đổi mới tư duy, mạnh mẽ hơn, khoa học hơn. Bên cạnh, giao trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh đúng, trúng và hiệu quả các   nội dung công việc về lĩnh vực mà ngành phụ trách.

Quyết liệt trong triển khai thực hiện, nhiều khó khăn, vướng mắc về đất đai trên địa bàn Hà Tĩnh được tháo gỡ, kịp thời bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư triển khai dự án, như dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2 ở thị xã Kỳ Anh. Theo kế hoạch, trong năm 2022, Hà Tĩnh sẽ đón nhiều dự án đầu tư lớn trên địa bàn. Xác định đây là cơ hội nhưng đồng thời cũng là thách thức cho Ngành TN&MT cần phải cố gắng hơn, nỗ lực hơn cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

PV: Hà Tĩnh có đề xuất gì để nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai 2013 tại địa phương, thưa ông?

Ông Võ Trọng Hải:

Tất cả chỉ là mới bước đầu, để Luật Đất đai 2013 đạt được hiệu quả, sớm đi vào cuộc sống, cần phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn, hiện đại; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng đất. Đồng thời, tập trung nguồn lực xây dựng hoàn thiện và vận hành có hiệu quả hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai…

anh-3.-vin.jpeg

Nhà máy sản xuất xe ô tô VINFAST của Tập đoàn Vingroup

Mặt khác, chúng tôi nhận thấy tại các luật, trong đó có Luật Đất đai chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý tình trạng bỏ cọc đấu giá đất. Một trong những vấn đề không chỉ là trăn trở của những người trong cuộc mà còn nhận được quan tâm của dư luận xã hội trong thời gian qua.

Cụ thể, đất không đủ điều kiện tham gia đấu giá sẽ được đấu thầu. Nếu như đấu giá là quy trình, nhằm giúp tối đa hoá lợi nhuận, càng nhiều người tham gia càng tốt, giá càng cao càng tốt thì đấu thầu lại là quy trình ngược lại, Nhà nước lựa chọn doanh nghiệp triển khai dự án với giá rẻ nhất với chất lượng tốt nhất.

Do đó, nhiều dự án lẽ ra phải được đưa ra đấu giá thì có thể bị "biến tướng" để chuyển sang hình thức đấu thầu. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp đã bắt tay với cơ quan quản lý để "dìm giá", đưa ra mức khởi điểm thấp, sử dụng “quân xanh”; “quân đỏ” để trục lợi, gây thất thoát rất lớn cho ngân sách Nhà nước.

Mặt khác, ngay cả đối với các dự án được đưa ra đấu giá cũng không hiếm những doanh nghiệp bỏ cọc. Đặc biệt, đối với đội ngũ môi giới, họ chỉ mua dự án với mục đích mua để chuyển nhượng lại, khi mục đích không đạt được, họ sẽ bỏ cọc... Đó là những điều cần khắc phục trong quá trình sửa đổi Luật đất đai 2013.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Tĩnh đổi mới tư duy, tạo cơ chế thu hút đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO