Hà Tĩnh: CCHC gắn phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường bền vững

Đức Cảnh| 28/12/2020 14:32

(TN&MT) - Hà Tĩnh xác định cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế, đồng thời tạo môi trường thông thoáng thu hút đầu tư. Việc xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước theo hướng hiện đại, minh bạch đã và đang góp phần thúc đẩy kinh tế Hà Tĩnh có những bước phát triển, bên cạnh bảo đảm về môi trường.

Nhờ thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính(CCHC) mà Hà Tĩnh đã có chuyển biến tích cực; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên. Các cấp chính quyền trong tỉnh quan tâm chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Hà Tĩnh đẩy mạnh CCHC tạo môi trương thông thoáng để thu hút đầu tư

Báo cáo công tác hoạt động trong năm 2020 cho thấy, riêng Ngành Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận 16.639 văn bản và trực tiếp xây dựng, ban hành 6.173 văn bản để chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn…Tham mưu trình UBND tỉnh ban hành bốn văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh để thực hiện trên địa bàn tỉnh, gồm: Lĩnh vục khí tượng thủy văn, đất đai, khoáng sản…

Ông Hồ Huy Thành- Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh cho biết: Với việc đưa cải cách hành chính trở thành một trong 13 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025, Sở TN&MT Hà Tĩnh đã triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 27 thủ tục hành chính và mức độ 4 đối với 11 thủ tục hành chính. Tính đến ngày 15/12, đơn vị tiếp nhận 88.252 hồ sơ và đã giải quyết đúng hạn, đạt 100%, không có hồ sơ xử lý chậm hạn.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT Hà Tĩnh đã hoàn thành xây dựng Đề án tinh gọn tổ chức bộ máy đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cụ thể: tham mưu UBND tỉnh thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất và Kỹ thuật địa chính; Văn phòng đăng ký đã được sắp xếp lại từ 12 chi nhánh xuống còn 7 chi nhánh và 4 phòng chuyên môn trực thuộc; Hoàn thành việc rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ trưởng, phó phòng và tương đương giai đoạn 2020-2025...

Formosa Hà Tĩnh thông báo lần đầu tiên có lãi sau khi hoàn thành khắc phục các vi phạm

Kết quả trên khẳng định việc làm tốt công tác CCHC đã góp phần giúp ngành hoàn thành khá tốt các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý, đặc biệt công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét. Nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường bước đầu được khống chế, ngăn chặn và đạt kết quả khả quan. Nổi bật là Dự án Formosa, Đoàn công tác của Bộ TN&MT kiểm tra, giám sát, xác nhận hoàn thành các hạng mục công trình, xử lý những vấn đề liên quan đến nay đã được Hội đồng liên ngành cấp TW đánh giá hoàn thành khắc phục vi phạm, chuyển sang giám sát định kỳ.

Theo kế hoạch, năm 2021, Sở TN&MT sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính của ngành từ Sở đến cấp huyện, xã; rà soát thủ tục hành chính trình UBND tỉnh ban hành, nhất là thủ tục hành chính (TTHC) về thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai một cấp; Công bố kịp thời và công khai TTHC theo quy định, giải quyết hồ sơ đảm bảo thời gian; Duy trì đường dây nóng tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh về hoạt động của cán bộ ngành từ tỉnh đến cơ sở.

Ông Đặng Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư

Đánh giá về hiệu quả hoạt động CCHC của Ngành TN&MT, ông Đặng Ngọc Sơn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng : “Cùng với các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện cải cách TTHC góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Sở TN&MT Hà Tĩnh đã triển khai nhiều giải pháp có hiệu quả. Theo đó, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp và người dân thông qua các dịch vụ công hành chính”.

Hiện nay, Hà Tĩnh đang mở rộng chuyển giao một số nhiệm vụ hành chính công qua dịch vụ bưu chính. Trên cơ sở nội dung kế hoạch, thời gian qua, Ban chỉ đạo (BCĐ) đề án đã lựa chọn Sở TT&TT, Sở VH-TT&DL, Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ, Sở Ngoại vụ, Sở KH&CN và các địa phương: thị xã Hồng Lĩnh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Kỳ Anh tổ chức triển khai thí điểm.

Theo đề án, Bưu điện tỉnh cử các nhân viên tham gia thí điểm trực, hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC của các sở và trung tâm HCC các địa phương. Qua 1 năm thực hiện thí điểm chuyển giao tại 6 đơn vị cấp sở với tổng số 328 thủ tục hành chính, đã có 246 thủ tục phát sinh hồ sơ (chiếm 75%). Tổng số hồ sơ đã tiếp nhận là 2.018, đã trả kết quả 1.704 hồ sơ trong đó có 475 hồ sơ được trả qua dịch vụ BCCI.

Được biết, qua thời gian thí điểm đã giải quyết được vấn đề lãng phí thời gian của công chức trực tại các trung tâm khi các nhân viên bưu điện sẽ thực hiện nhiệm vụ trực, tiếp nhận TTHC của các đơn vị, địa phương thực hiện thí điểm. Các công chức được rút về đơn vị để bố trí thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng lao động và hiệu quả công việc.

Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, thí điểm đề án trả kết quả qua bưu chính

Những hiệu quả nhìn từ thực tiễn, chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng đã cho phép tiếp tục mở rộng đề án trên địa bàn tỉnh, đồng thời yêu cầu Ban chỉ đạo cần nghiên cứu, tham mưu phù hợp về phạm vi mở rộng. Các ngành chuyên môn rà soát lại các quy định về việc thực hiện trả kết quả qua bưu chính công ích; nghiên cứu cụ thể hướng triển khai đề án khi thực hiện việc tiếp nhận xử lý hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.

         

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Tĩnh: CCHC gắn phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO