Nằm ở trung tâm xã, điều kiện giao thông thuận lợi nên chợ Cầu xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) luôn thu hút một lượng lớn các tiểu thương và người dân vùng lân cận về tham gia mua, bán. Kéo theo đó, lượng rác thải phát sinh tại chợ phát sinh hàng ngày khá lớn.
Được biết, mỗi ngày Ban Quản lý chợ Cầu phải thu gom trên 200 kg rác thải các loại. Trước đây, rác thải được tập kết rồi đưa đến bãi rác tập trung của thôn để xử lý. Quy trình này vừa tốn kém chi phí vận chuyển, lại vừa gây ô nhiễm môi trường.
Chị Nguyễn Thị Nhi, Chi hội Phụ nữ thôn Nam Phong, xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cho hay: “Từ khi áp dụng mô hình ủ phân vi sinh, các loại rác thải hữu cơ dễ phân hủy đã được thu gom riêng, do đó lượng rác đưa đi xử lý giảm khá nhiều. Tiểu thương dần ý thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác thải. Vệ sinh môi trường tại chợ do đó đã được cải thiện đáng kể.
Nếu như trước đây, sau mỗi phiên chợ, Ban quản lý phải thu gom, vận chuyển hàng trăm kg rác về bãi tập kết thì hiện nay khối lượng rác đã giảm hẳn. Tất cả loại rác hữu cơ như rau, củ, vỏ trái cây… đều được Ban quản lý chợ phối hợp Hội Phụ nữ gom về hố xử lý bố trí ngay sau chợ.
Chia sẻ của Hội Phụ nữ xã Cẩm Lộc cho hay: Chỉ với khoảng mười lăm triệu đồng từ nguồn đầu tư của UBND xã, nguồn xã hội hóa và sự hỗ trợ ngày công của các tổ chức, thời gian qua, Hội phụ nữ xã Cẩm Lộc đã tiến hành xây dựng hai hố ủ phân với tổng diện tích 15 m2. Mặc dù mới triển khai nhưng đã có những thành công bước đầu, được sự ủng hộ tích cực của nhân dân và tiểu thương.
Bà Nguyễn Thị Sinh, Ban Quản lý chợ Cầu, xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Mô hình này có nhiều ưu điểm, đó là chi phí đầu tư thấp, dễ phân loại, xử lý rác, tận dụng được nguồn nhân lực tại chỗ. Qua một thời gian triển khai cho thấy mô hình đã góp phần giảm được chi phí vận chuyển, xử lý rác thải tại địa phương, hạn chế lượng rác tồn đọng gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí từ việc bán phân vi sinh còn góp phần gây quỹ, phục vụ cho các hoạt động an sinh xã hội”.
Từ thành công của mô hình ủ phân vi sinh tại chợ Cầu xã Cẩm Lộc, hội liên hiệp phụ nữ huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã nhân rộng ra nhiều chợ trên địa bàn các xã Cẩm Trung, Cẩm Lạc, Cẩm Thịnh, Cẩm Vịnh… Việc phân loại rác thải kết hợp ủ phân vi sinh vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa phục vụ trồng trọt cho gia đình hội viên.
Từ nguồn hỗ trợ hơn ba mươi triệu đồng của chính quyền, trong tháng bảy vừa qua hội phụ nữ xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên đã triển khai xây dựng ba hố ủ phân có diện tích khá lớn. Việc làm này không chỉ phục vụ cho chợ mà còn trở thành điểm tập kết rác của các hộ gia đình lân cận sau khi phân loại.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên cho biết: “ Năm 2022 xã Cẩm Vịnh là một trong những địa phương phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tiêu chí môi trường được xã lựa chọn là một trong những tiêu chí điển hình, phải được tập trung cao. Do đó, việc Hội Phụ nữ xã tổ chức thành công mô hình ủ phân vi sinh tại chợ xép là sáng kiến được cấp ủy, chính quyền địa phương hết sức ghi nhận”.
Tại huyện Đức Thọ, việc ủ phân xử lý rác tại chợ dân sinh cũng được Hội Phụ nữ triển khai tích cực, trong đó mô hình tại chợ Hôm, xã Thanh Bình Thịnh là một ví dụ. Được biết, mô hình đi vào hoạt động từ tháng 8/2021 đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, giảm lượng rác thải ra môi trường cũng như tạo ra hơn năm tấn phân bón cho cây trồng mỗi tháng.
Với tổng mức đầu tư hơn ba mươi lăm triệu đồng, mô hình được xây dựng bốn hố trên diện tích 16 m2, trong đó có ba hố dùng để ủ rác hữu cơ và một hố để bỏ rác khó phân huỷ. Theo đó, lượng rác xử lý hằng ngày tại các hố trung bình khoảng 800-1.500 kg.
Bà Võ Thị Minh. HTX Dịch vụ chợ Hôm, xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ cho biết: “Lượng rác được ủ trong ba hố để tạo thành phân bón vi sinh. Ngoài giảm chi phí xử lý rác, thì nguồn phân bón hữu cơ này đã được nhiều người dân sử dụng để bón cho các loại cây trồng trong vườn, vừa an toàn, vừa tiết kiệm. Từ việc phát miễn phí cho người dân giờ đây phân vi sinh này đã được ban quản lý bán để tạo nguồn quỹ tái đầu tư mua các chế phẩm sinh học xử lý rác”.
Hiện nay, mô hình cũng đã được xã Bùi La Nhân học tập triển khai tại chợ Trổ. Được biết, trước đây lượng rác từ chợ Trổ thải ra môi trường hàng ngày khá lớn, phương pháp xử lý chủ yếu là đốt tại chỗ nên gây ra rất nhiều ô nhiễm.
Chị Đoàn Thị Hương Giang, Chủ tịch Hội LHPN xã Bùi La Nhân, huyện Đức Thọ cho biết: “Bằng chính sách của huyện, xã và nguồn lực xã hội hóa, mô hình đã được hội phụ nữ xã Bùi La Nhân triển khai xong phần thô và sẽ đưa vào hoạt động trong một vài tuần tới với hi vọng góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm”
Với sự tham mưu của Hội phụ nữ, Hội đồng Nhân dân huyện Đức Thọ đã ban hành cơ chế hỗ trợ xây dựng các hố xử lý rác thải tại các chợ dân sinh trên địa bàn. Theo đó mỗi điểm xử lý rác thải tập trung tại chợ như thế này sẽ được hỗ trợ mười lăm triệu đồng.
Có thể thấy mô hình biến rác thải chợ thành phân vi sinh là một trong những lời giải cho bài toán ô nhiễm môi trường tại các chợ dân sinh hiện nay. Sau thành công bước đầu tại các chợ trên địa bàn Cẩm Xuyên, Đức Thọ, hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh đang khuyến khích nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn tỉnh.
Chị Nguyễn Thị Quyên, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: “Mô hình xử lý rác tại chợ dân sinh được áp dụng rộng rãi sẽ góp phần giảm khối lượng lớn rác thải ra môi trường. Cách làm này cũng góp phần từng bước thay đổi nhận thức, giúp người dân hiểu và ý thức được lợi ích của việc phân loại và xử lý rác thải hữu cơ, tạo môi trường kinh doanh trong lành, sạch sẽ, góp phần quan trọng để Hà Tĩnh củng cố, nâng cao tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM”.