Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: Viết Thành |
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương, theo đề nghị của UBND thành phố và được sự đồng ý của Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND thành phố tổ chức kỳ họp thứ mười ba - kỳ họp không thường kỳ để xem xét và quyết định về việc sáp nhập, đặt tên và đổi tên thôn, tổ dân phố thuộc 11 quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đây là nội dung quan trọng nhằm thực hiện nghị quyết của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh, thành phố hoạt động hiệu lực, hiệu quả; là nội dung khi triển khai liên quan đến các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền ở từng cơ sở và từng người dân.
Sau phần thảo luận của các đại biểu, HĐND thành phố Hà Nội đã thống nhất quyết nghị thực hiện việc sáp nhập, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố của 11 quận, huyện, gồm: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Tây Hồ, Cầu Giấy, Long Biên và Ứng Hòa.
Theo đó, có 1.407 thôn, tổ dân phố mới được sáp nhập, gồm 4 thôn, 1.403 tổ dân phố. Số lượng thôn, tổ dân phố giảm sau khi sáp nhập là 2.519 thôn, tổ dân phố (4 thôn, 2.515 tổ dân phố). Như vậy, tổng số thôn, tổ dân phố trên toàn thành phố Hà Nội sau khi sáp nhập là 5.260 (2.366 thôn, 2.894 tổ dân phố).
HĐND thành phố cũng đồng ý đổi tên 226 tổ dân phố, để thuận lợi trong công tác quản lý sau khi thực hiện việc sáp nhập. Trong đó, quận Ba Đình đổi tên 46 tổ dân phố, quận Đống Đa đổi tên 26 tổ dân phố, quận Cầu Giấy đổi tên 37 tổ dân phố, quận Hai Bà Trưng đổi tên 17 tổ dân phố, quận Tây Hồ đổi tên 11 tổ dân phố, quận Hoàng Mai đổi tên 89 tổ dân phố.
Đợt này, 7 quận, huyện đề nghị không thực hiện việc sáp nhập thôn, tổ dân phố gồm: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Đan Phượng, Mỹ Đức, Đông Anh. Nguyên nhân là do qua khảo sát của các địa phương, các thôn trong diện phải sắp xếp nhưng chưa thể thực hiện được vì có vị trí biệt lập; thôn có nhiều đồng bào dân tộc ít người sinh sống, đặc điểm văn hóa, tôn giáo, tập quán khác nhau; các thôn, tổ dân phố thuộc quận, huyện đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, đang chuẩn bị triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Với những địa phương không thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố đợt này, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát và thực hiện vào thời điểm thích hợp.
Toàn cảnh kỳ họp thứ mười ba, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV. Ảnh: Viết Thành |
Trước đó, ngày 26-12-2019, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 31/NQ-HĐND về việc sáp nhập, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố thuộc 12 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Trong đó, số thôn, tổ dân phố mới được thành lập sau khi thực hiện phương án sáp nhập là 159 thôn, tổ dân phố (123 thôn, 36 tổ dân phố). Số thôn, tổ dân phố trên toàn thành phố giảm sau khi sáp nhập là 189 thôn, tổ dân phố (140 thôn, 49 tổ dân phố). Ngoài ra, 53 thôn, tổ dân phố cũng được xem xét đổi tên để thuận lợi trong công tác quản lý.
Tại kỳ họp này, HĐND thành phố Hà Nội đã tiến hành xem xét, thảo luận và thông qua nghị quyết với tỷ lệ thống nhất cao.
HĐND thành phố đã quyết định thông qua việc sáp nhập đối với 3.918 tổ dân phố, 8 thôn để thành lập mới 1.403 tổ dân phố, 4 thôn; thực hiện đổi tên 226 tổ dân phố trên địa bàn 7 quận. Như vậy, qua 2 kỳ họp (kỳ họp thứ mười hai và kỳ họp thứ mười ba), HĐND thành phố đã thông qua việc sáp nhập đối với 4.274 thôn, tổ dân phố để thành lập 1.566 thôn, tổ dân phố mới; đổi tên 279 thôn, tổ dân phố.
Sau 2 nghị quyết của HĐND, toàn thành phố hiện có 5.260 thôn, tổ dân phố (giảm 2.708 thôn, tổ dân phố so với trước khi sáp nhập, giảm 34%). Kết quả này thể hiện sự quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền thành phố và sự đồng thuận của người dân trong việc triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.