Lò gạch gần 20 năm chưa được cấp phép vẫn ngang nhiên tổ chức hoạt động sản xuất tại xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội |
Cụ thể, ngày 27/9/2021 UBND huyện Quốc Oai chỉ đạo Phòng Kinh tế thông tin công khai, minh bạch về hoạt động sản xuất gạch của Công ty Đầu tư và Xây dựng Mỹ Hoa (Công ty Mỹ Hoa) đến Báo Tài nguyên và Môi trường. Tại buổi làm việc ông Nguyễn Quang Thắm - Trưởng phòng Kinh tế cho biết: Vấn đề sản xuất gạch nung được Chính phủ, các Bộ ngành và UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo rõ ràng thông qua các văn bản, hướng dẫn.
Trong đó, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu UBND các huyện trên còn tồn đọng lò gạch cải tiến, lò úp vung, lò vòng… phải tập trung lực lượng xử lý dứt điểm không để tình trạng các lò gạch không đảm bảo điều kiện về môi trường hoạt động, thời hạn là trước ngày 31/12/2018.
Thực hiện yêu cầu trên UBND huyện Quốc Oai đã chỉ đạo UBND xã Cộng Hòa tổ chức thanh lý hợp đồng cho thuê đất sản xuất gạch đối với Công ty Mỹ Hoa. Tuy nhiên, chính quyền xã Cộng Hòa lại chậm triển khai việc chấm dứt Hợp đồng thuê đất đối với đơn vị này. Theo đó, đến tháng 4/2021 UBND xã Cộng Hoà mới chính thức cắt hợp đồng với Công ty Đầu tư và Xây dựng Mỹ Hoa.
Theo ông Thắm - Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai do chưa được các cơ quan chức năng cấp phép, vì vậy việc cho phép kéo dài thời gian sản xuất đến năm 2020 là không có trong thực tế |
Thế nhưng, không hiểu vì lý do dù đã thanh lý hợp đồng cho thuê đất nhưng lò gạch công nghệ nhiên liệu hóa thạch của Công ty Mỹ Hoa cho đến tháng 7/2021 vẫn ngày đêm “đỏ lửa”. Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Thắm cho rằng, trách nhiệm trả lời thuộc về UBND xã Cộng Hòa.
Trước đó theo bà Đức Thị Hòa, nguyên Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa (Từ 15/7 bà Hoà chính thức nhận Quyết định điều chuyển công tác làm Chủ tịch Hội chữ thập đỏ huyện Quốc Oai) cho biết: Ngày 27/12/2018, UBND huyện Quốc Oai ban hành Quyết định số 5759/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chung xây dựng xã Cộng Hòa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thì khu vực sông Quán là khu vực đất thương mại dịch vụ.
Cũng theo bà Hoà việc quy hoạch khu vực Sông Quán là đất thương mại dịch phù hợp cho sự phát triển của địa phương, đồng thời việc quy hoạch này còn phục vụ tốt cho hoạt động du lịch của khu di tích quốc gia đặc biệt Đình So và quảng bá sản phẩm truyền thống của làng nghề…
Dự luận đặt câu hỏi gần 20 năm qua các phòng ban UBND huyện Quốc Oai đã làm gì để cho Công ty Mỹ Hoa được tự do hoạt động, sản xuất, tự ý chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch |
Tuy nhiên, ông Thắm lại cho đó là quy hoạch của UBND xã Cộng Hoà để xây dựng nông thôn mới. Không dừng lại ở đó khi phóng viên đặt câu hỏi vì sao một cơ sở sản xuất gạch nằm gần khu dân cư, công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường vẫn được UBND huyện Quốc Oai tham mưu cho các Sở ngành và UBND thành phố Hà Nội cho phép Công ty Mỹ Hoa được ra hạn sản xuất từ sau ngày 31/12/2018 đến hết năm 2020. Khi đó, ông Thắm mới thừa nhận những vi phạm nghiêm trọng của đơn vị này bởi gần 20 năm qua Công ty Mỹ Hoa chưa được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động. Cũng theo ông Nguyễn Quang Thắm không có bất cứ văn bản nào của cơ quan Nhà nước cho phép hoặc gia hạn thời gian sản xuất gạch theo công nghệ lò vòng sử dụng nhiên liệu hoá thạch của Công ty Mỹ Hoa.
Đến đây một vấn đề đặt ra là trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai, môi trường của Phòng Tài nguyên và Môi trường, Quản lý đô thị, Kinh tế… trực thuộc UBND huyện Quốc Oai ở đâu trong vấn đề này (!?) gần 20 năm qua các phòng ban chuyên môn này đã làm gì để cho Công ty Mỹ Hoa được tự do hoạt động, từ do sản xuất, tự ý chuyển đổi các công nghệ sản xuất từ lò thủ công, lò úp vung cho tới công nghệ sản xuất lò vòng.
Dư luận hoài nghi đặt câu hỏi ai là người đứng đằng sau “bao kê” cho hoạt động sản xuất gạch của Công ty Đầu tư và Xây dựng Mỹ Hoa. Có hay không việc UBND huyện Quốc Oai “bật đèn xanh” cho lò gạch tại đây hoạt động nhiều năm qua bất chấp sự chỉ đạo quyết liệt từ phía Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội?