Hà Nội: Tăng khung giá đất, giá nhà đất liệu có "leo thang"?

Thùy Linh| 26/12/2019 21:28

(TN&MT) - Sau rất nhiều chờ đợi của cộng động doanh nghiệp bất động sản, Chính phủ đã ban hành Nghị định 96 về khung giá đất áp dụng cho giai đoạn 2020-2024, với mức tăng chung 20%.

Theo đó, khung giá đất chung vẫn quy định giá tối thiểu, tối đa cho các vùng. Cụ thể khung giá áp tối thiểu 40.000 - 120.000 đồng/m2 và tối đa 48 - 162 triệu đồng/m2. Khung giá đất của Chính phủ ban hành sẽ là căn cứ để các tỉnh, thành phố xây dựng, điều chỉnh giá đất ở địa phương.

Ngay trong sáng 26/12, HĐND TP Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết về giá các loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2024.

Bảng giá đất trên địa bàn thành phố Hà Nội áp sẽ tăng bình quân 15% so với giai đoạn 2014-2019. Trong đó, mức giá đất nông nghiệp tới đây vẫn sẽ giữ nguyên như quy định tại Quyết định số 96/2014/QĐ-UBND ngày 29-12-2014 của UBND TP Hà Nội.

Khung giá đất Hà Nội tăng 15%.

Mặc dù khung giá đất là cơ sở chính là để tính thuế nhưng nhiều ý kiến lo ngại khung giá đất tăng sẽ có tác động nhất định tới giá thành bất động sản. Tuy nhiên, một luồng ý kiến khác lại cho rằng giá bất động sản chưa chắc đã bị ảnh hưởng.

Cụ thể như, việc tăng khung giá không ảnh hưởng đến thị trường. Vì trên thực tế, nhiều chủ đầu tư đang bán giá nhà cao hơn rất nhiều so với mức khung giá đất mà Nhà nước ban hành. Số tiền nộp thuế phí theo khung giá đất chỉ chiếm phần rất nhỏ trong số tiền bán nhà.

Khung giá đất do Nhà nước ban hành chủ yếu được áp dụng để tính thuế, phí cho doanh nghiệp sử dụng đất. Đối với các trường hợp không sử dụng đất, bỏ hoang nhiều năm, số tiền phải nộp thuế, phí càng lớn. Đây sẽ trở thành "gánh nặng" cho các doanh nghiệp cố tình bỏ hoang đất.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng khung giá sẽ tạo tình trạng "té nước theo mưa" để tăng giá bán.

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Chí Thanh – Phó tổng giám đốc công ty CP bất động sản Thanh Bình cho rằng, một dự án bất động sản có vốn đầu tư 100 tỷ đồng. Khi tăng khung giá đất 10-20%, doanh nghiệp sẽ mất thêm 10-20 tỷ đồng. Còn những dự án có quy mô 1.000 tỷ đồng thì lúc đó mức tăng sẽ là 100 tỷ đồng.

“Khung giá đất là mức giá để cho các tỉnh tham khảo để từ đó xây dựng mức giá cho tỉnh của mình. Mức giá do tỉnh ban hành ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản ở khu vực đó” – ông Thanh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quốc Huy – Phó Tổng giám đốc Hải phát Land cho rằng, mức tăng 20%, thì giá bất động sản trong tương lai sẽ tăng tương ứng hoặc tăng nhiều hơn. Đó là chưa kể tình trạng “tát nước theo mưa”, mượn cớ tăng khung giá đất để tăng giá bất động sản trong tương lai.

“Đối với doanh nghiệp làm ăn tốt thì sẽ phải trả nhiều tiền để được sử dụng đất. Điều này này sẽ khiến các doanh nghiệp phải tính toán làm sao phải sử dụng hiệu quả đất. Vì vậy, không có lý do gì để nghĩ rằng, tăng khung giá đất sẽ cản trở doanh nghiệp. Tăng khung giá đất sẽ góp phần lựa chọn đúng doanh nghiệp mà tỉnh, Thành phố đang cần khuyến khích” – ông Huy nói.

Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, khi nghĩa vụ tài chính tăng lên thì sẽ giảm đầu cơ đất đai. Các chủ đầu tư dự án muốn giữ đất sẽ phải chấp nhận nộp tăng nghĩa vụ tài chính. Vì vậy, họ sẽ không giữ được đất. Nếu đúng quy luật của thị trường, giá bất động sản sẽ có xu hướng giảm cùng với xu hướng khung giá đất tăng lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Tăng khung giá đất, giá nhà đất liệu có "leo thang"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO