Hà Nội: Tái diễn hành vi tiểu bậy vì nhà vệ sinh không đáp ứng đủ

01/03/2018 08:01

(TN&MT) – Nghị định 155/2016/NĐ-CP chính thức có hiệu lực đã hơn một năm, trong đó quy định tăng mức phạt từ 1-3 triệu đồng với hành vi vệ sinh cá nhân không...

(TN&MT) – Nghị định 155/2016/NĐ-CP chính thức có hiệu lực đã hơn một năm, trong đó quy định tăng mức phạt từ 1-3 triệu đồng với hành vi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định. Tuy nhiên, để Nghị định đi vào thực tế còn nhiều băn khoăn, trở ngại. Đơn cử như Hà Nội hiện nay đang rất thiếu nhà vệ sinh công cộng, cũng như chất lượng vệ sinh môi trường của các nhà vệ sinh này. 
 
Tại Hà Nội có nhiều nhà vệ sinh công cộng bị bỏ hoang cỏ mọc ùm tùm
Tại Hà Nội có nhiều nhà vệ sinh công cộng bị bỏ hoang cỏ dại mọc ùm tùm
Mỏi mắt tìm nhà vệ sinh

Theo thống kê hiện nay dân số Hà Nội có khoảng 9 triệu người, cộng với số lượng lớn học sinh, sinh viên, người lao động ngoại tỉnh và khách du lịch đến thăm quan thành phố. Nên có thể nói nhu cầu hết sức tế nhị là đi vệ sinh cá nhân của người dân, du khách rất cao, nhất là tại các khu vui chơi, giải trí tập trung như hồ Gươm, hồ Tây, công viên Thống Nhất; các bến xe liên tỉnh Mỹ Đình, Giáp Bát...

Những bất cập của việc thiếu hệ thống nhà vệ sinh công cộng được thể hiện rất rõ vào những ngày lễ lớn của đất nước như Ngày 30/4, Quốc khách 2/9, chào năm mới hay những ngày cuối tuần tổ chức phố đi bộ... cảnh từng đoàn người xếp hàng chỉ với một lý do là đi vệ sinh cá nhân. Tại hồ Gươm chính quyền thành phố đã bố trí 3 khu nhà vệ sinh công cộng và thực tế thì ba khu nhà này thường xuyên bị quá tải, cũng như chỉ như muối bỏ bể trong những ngày nhân dân tập trung đông về đây. 

Khu vực trung tâm đã vậy, các địa điểm khác trên địa bàn thành phố việc thiếu nhà vệ sinh công cộng còn nghiêm trọng hơn. Điều này dẫn tới những tình huống dở khóc, dở cười của không ít người dân, khách du lịch. Để xử lý tình huống khó nói này, không ít người đã buộc phải tìm đến những bốt điện, gốc cây hay những nơi khuất nẻo để giải tỏa sự bí bách.

Ông Đỗ Huy Dương – Lái xe ôm tại bến xe Mỹ Đình cho biết, tại Hà Nội khi chở khách xong nhiều thời điểm tìm mỏi mắt cũng không tìm thấy một nhà vệ sinh công cộng nào, điển hình như tại các tuyến đường Lạc Long Quân, Âu Cơ, Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi… và đối với những người chạy xe ôm hay taxi như chúng tôi khi không tìm thấy nhà vệ sinh và không thể “nhịn” được nữa thì buộc phải giải quyết “nỗi buồn” ở gốc cây hay bụi rậm. 
 
Nhiều lái xe bus, ôm, taxi do bí quá phải giải quyết nỗi buồn ở gốc cây hoặc bụi rậm
Nhiều lái xe bus, ôm, taxi do bí quá phải giải quyết nỗi buồn ở gốc cây hoặc nơi bụi rậm
Chị Nguyễn Huyền Trang – quận Thanh Xuân chia sẻ, đối với phụ nữ việc đi vệ sinh tế nhị hơn nam giới. Thế nhưng, khi tìm đến một số nhà vệ sinh công cộng, đặc biệt là các nhà vệ sinh cũ thấy rất bẩn, mất vệ sinh, cộng thêm mùi khai bốc lên khó chịu, thậm chí nhiều nhà vệ sinh còn không có cả giấy vệ sinh, mất nước, các thiết bị bên trong cũ kỹ, xuống cấp và hỏng rất nhiều...

Chưa hiệu quả

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay, tổng số nhà vệ sinh trên địa bàn thành phố là 371 nhà. Trong đó, các nhà vệ sinh công cộng cố định phân bố chủ yếu ở các ngõ, phục vụ người dân trong các khu dân cư, khu tập thể. Số còn lại được lắp ghép bằng thép bố trí tại các địa điểm công cộng như điểm chờ xe buýt, công viên, vườn hoa, các khu vui chơi, giải trí khác...

Cùng với đó, để cải thiện tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng, UBND thành phố Hà Nội đã có chủ trương đầu tư, lắp đặt và đưa vào vận hành 1.000 nhà vệ sinh theo hình thức xã hội hóa. Dự án này vẫn đang được Công ty CP Thương mại và truyền thông Vinasing thực hiện. Đến cuối năm 2017, Công ty này đã sản xuất được 165 chiếc, bàn giao được 98 chiếc cho thành phố.

Tuy vậy, theo phản ánh của người dân, nhiều nhà vệ sinh mới đưa vào sử dụng đã bị lỗi, trang thiết bị hư hỏng. Thậm chí nhiều cái mới làm xong đã khóa cửa, bỏ hoang vì chưa kết nối được điện nước...

Qua tìm hiểu, được biết hiện nay, hệ thống nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn Hà Nội đang được giao cho nhiều đơn vị quản lý, vận hành. Số nhà bằng gạch tại 4 quận nội thành chủ yếu do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) quản lý trông coi và dọn vệ sinh tổng là 171 nhà. Số nhà vệ sinh bằng thép Urenco quản lý 9 nhà, còn lại do các đơn vị vệ sinh môi trường hoặc các đơn vị quản lý vườn hoa, công viên nơi có đặt các nhà vệ sinh công cộng quản lý. 

Như vậy có thể thấy thời gian qua chính quyền Hà Nội đã có nhiều động thái tích cực trong việc kêu gọi các nguồn xã hội hóa xây dựng các nhà vệ sinh công cộng đáp ứng nhu cầu của người dân và khách du lịch. Song thực tế việc triển khai giải pháp xây mới 1000 nhà vệ sinh đến nay vẫn chưa phát huy hiểu quả như mong đợi, bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, có việc chậm tiến độ xây dựng do đơn vị được thành phố giao là công ty Vinasing chưa thống nhất được vị trí lắp đặt với chính quyền địa phương; bên cạnh đó, là việc có quá nhiều đơn vị quản lý nhà vệ sinh công cộng dẫn tới hiệu quả không cao khi tổ chức vận hành các nhà vệ sinh này...
 
Hiện Hà Nội đang có quá nhiều đơn vị đảm nhiệm quản lý nhà vệ sinh công cộng dẫn tới hiệu quả sử dụng chưa cao
Hiện nay Hà Nội đang có nhiều đơn vị quản lý nhà vệ sinh công cộng dẫn tới hiệu quả sử dụng các nhà vệ sinh này chưa cao
Việc xử phạt hành vi đi vệ sinh không đúng nơi quy định, được dư luận rất đồng tình. Tuy nhiên, người dân cũng có không ít băn khoăn khi hiện nay số lượng và chất lượng của các nhà vệ sinh công cộng hiện nay vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Do đó, câu hỏi làm thế nào để các nhà vệ sinh công cộng được thân thiện, được sử dụng và phát huy hiểu quả vẫn đang chờ các cơ quan chức năng tìm hướng giải quyết.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Tái diễn hành vi tiểu bậy vì nhà vệ sinh không đáp ứng đủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO