Hà Nội: Nhức nhối nạn tập kết rác thải cồng kềnh

25/10/2018 15:25

(TN&MT) - Hiện nay, tại Hà Nội tình trạng các loại rác thải cồng kềnh như bàn ghế giường, tủ, thạch cao, gỗ, nhựa… thường xuyên được tập kết vô tội vạ trên vỉa...

(TN&MT) - Hiện nay, tình trạng các loại rác thải cồng kềnh như bàn ghế giường, tủ, thạch cao, gỗ, nhựa… tập kết vô tội vạ trên vỉa hè, gốc cây, cột điện tạo diễn ra thường xuyên trên địa bàn TP.Hà Nội. Điều này tạo nên những chướng ngại vật, ảnh hưởng đến giao thông, gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị và khó khăn cho công tác vệ sinh môi trường.

Hiện nay, hầu hết các loại rác thải cồng kềnh như: giường, tủ, bàn ghế, hay các tấm thạch cao, gỗ, nhựa…vẫn được những người dân thiếu ý thức bỏ lẫn lộn với rác thải sinh hoạt tại các điểm tập kết, các thùng rác công cộng mà công ty môi trường đặt cố định trên các tuyến đường, hè phố, khu dân cư của thủ đô. 

Không những thế, nhiều người do tâm lý ngại việc vận chuyển đến các điểm chân rác, mà để các đồ vật đã qua sử dụng là bàn, ghế, sofa đệm mút…ngay trên vỉa hè, trước cửa nhà dân mà không cần biết các loại rác thải này có được công ty vệ sinh môi trường vận chuyển, xử lý hay không.

Rác thải cồng kềnh vô tư được xả bừa bãi tại một gốc cây trên đường Trân Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Câu Giấy, thành phố Hà Nội
Rác thải cồng kềnh vô tư được xả bừa bãi tại một gốc cây trên đường Trân Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Câu Giấy, thành phố Hà Nội

Bà Trần Phương Dung – Phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy cho biết: các gốc cây, cột đèn cao áp trên đường Trần Duy Hưng thường xuyên là điểm tập kết thường xuyên, bừa bãi của các loại rác thải, đồ vật cồng kềnh. Để tránh bị xử phạt về hành vi xả rác không đúng nơi quy định, nhiều cá nhân, hộ gia đình khi có nhu cầu liền thuê nhân công (thường là những lao động từ nông thôn lên hoặc các những người lái xe ôm, xe xích lô) tranh thủ lúc vắng người đổ trộm ra đây.

"Hành động trên không chỉ tạo nên những chướng ngại vật nguy hiểm cho người dân khi đi lại trên đường, mà còn gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị. Tuy vậy, không hiểu vì sao cho đến nay hành vi gây tổn hại đến môi trường này rất ít khi thấy cơ quan chức năng hay chính quyền địa phương đứng ra xứ lý, ngăn chặn. Bởi thế mà hàng ngày, hàng giờ trên khắp các ngõ phố của Thủ đô đâu đâu cũng xuất hiện hình ảnh vô cùng nhếch nhác, khó coi này" - bà Dung nói.

Vỉa hè hay các thùng rác công cộng luôn là điểm đến lý tưởng của các đối tượng đổ trộm rác thải công kềnh
Vỉa hè hay các thùng rác công cộng luôn là điểm đến lý tưởng của các đối tượng đổ trộm các loại rác thải công kềnh

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường về vấn đề thu gom, vận chuyển và xử lý các loại rác thải cồng kềnh, ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Phòng Tổ chức lao động, Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội cho biết: Theo các nội dung có trong hình thức đấu thầu thu gom rác thực hiện trên địa bàn Hà Nội, số rác thải cồng kềnh là bàn, ghế, giường tủ, đệm mút không nằm trong danh mục thu gom, vận chuyển rác thải thông thường (rác thải sinh hoạt) của Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội.

Phần lớn rác cồng kềnh này vừa khó chất xếp lên xe vận chuyển thủ công, xe tải nhỏ; vừa khó cuốn ép, cũng như mang đi chôn lấp. Bên cạnh đó, rác cồng kềnh còn có nhiều chất liệu đa dạng, từ gỗ, nhựa, thạch cao, sắt, thép… nên gần như không thể đem đi chôn lấp tất cả mà cần phải được phân loại để xử lý cho phù hợp.

những người lao động từ nông thôn lên, hoặc là các lái xe ôm, xe xích lô tranh thủ lúc vắng người vứt trộm ra đây
Những lao động từ nông thôn lên, hoặc là các lái xe ôm, xe xích lô thường xuyên được nhờ chở thuê đổ trộm rác thải cồng kềnh

Tại các nước phát triển trên thế giới đã có các quy định hết sức chặt chẽ về việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải cồng kềnh; tiêu biểu như tại đất nước Hàn Quốc, việc xử lý các vật dụng lớn như giường, tủ, đệm, sofa, bảng, biển, bình nóng lạnh, tủ lạnh… sẽ phải trả phí từ 2.000 - 15.000 won (tương đương 40.000 - 300.000 đồng) cho mỗi món đồ tùy vào kích thước lớn nhỏ và độ phức tạp khi xử lý.

Tuy nhiên, giới hạn trên địa bàn các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội hiện nay, các Sở ngành, cùng các cơ chức năng của Thủ đô vẫn chưa có quy định cụ thể nào về việc tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải công kềnh riêng rẽ với thu gom rác thải sinh hoạt.  

Vì vậy, để có thể giải quyết dứt điểm tình trạng đổ tùy tiện chất thải rắn cồng kềnh bàn, ghế, giường tủ ra vỉa hè, lòng đường, sông, hồ, ao… như hiện nay, chính quyền thành phố cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, trước hết cần tích cực tuyên truyền, vận động để người dân bỏ chất thải rắn cồng kềnh đúng nơi, đúng thời gian quy định, tổ chức hướng dẫn để nhân dân hiểu đặc điểm và tác hại của rác thải cồng kềnh; nâng cao ý thức của người dân về việc phân loại rác. 

Đối với chất thải rắn cồng kềnh, nhân dân cần chủ động lưu giữ gọn gàng, sau đó liên hệ đơn vị cung cấp dịch vụ vệ sinh môi trường để thu gom, vận chuyển, xử lý; tuyệt đối không để bừa bãi ra nơi công cộng hay lẫn lộn vào rác thải sinh hoạt thông thường. Ngoài ra, các cơ quan chức năng thành phố cũng cần tăng cường hơn nữa việc tuần tra, kiểm soát kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp đổ bừa bãi rác thải cồng kềnh theo Nghị định 155/2016/NĐ – CP của Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Nhức nhối nạn tập kết rác thải cồng kềnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO