Hà Nội: Nhiều dự án vốn ngoài ngân sách bỏ hoang do đâu?

Phạm Thiệu| 08/02/2023 17:19

(TN&MT) - Ngoài những nguyên nhân khách quan như: điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô; giải phóng mặt bằng gặp khó khăn do chính sách thay đổi; đại dịch Covid – 19 … UBND TP. Hà Nội còn chỉ ra những nguyên nhân chủ quan như: chủ đầu tư cố ý chây ì không thực hiện dự án; công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan hữu quan còn chậm …

Muôn vàn lý do dự án bỏ hoang

UBND TP Hà Nội mới đây đã ban hành hàng loạt văn bản (gần nhất là văn bản số 4210/UBND-TNMT ngày 15/12/2022) nhằm thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn. Thành phố cho rằng nguyên nhân dẫn đến việc hàng loạt dự án chậm tiến độ, chậm triển khai có cả khách quan, chủ quan và từ chính các nhà đầu tư.

Về nguyên nhân khách quan, sau khi thực hiện điều chỉnh địa giới Thủ đô, một số dự án không phù hợp với quy hoạch phải tạm dừng để khớp nối với quy hoạch phân khu, quy hoạch chung; một số dự án gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng do chính sách thay đổi qua nhiều thời kỳ; dự án đầu tư phải chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật mà nhiều nội dung chưa thống nhất; đại dịch Covid-19 kéo dài có tác động kéo dài, sâu rộng đến việc triển khai các dự án.

du-an-bo-hoang-1.jpg
Hà Nội vẫn còn 44 dự án với tổng diện tích hàng nghìn ha đất "đắp chiếu" nhiều năm qua (ảnh minh họa)

Về nguyên nhân chủ quan, công tác giải quyết thủ tục hành chính liên quan tới các dự án có vốn ngoài ngân sách sử dụng đất còn chậm; việc phối hợp giữa các sở, ngành, UBND cấp huyện đã được tăng cường song chỉ mang tính thời điểm, chưa thường xuyên; chưa quy định trách nhiệm cụ thể của từng ngành, từng cấp trong việc phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành của nhà đầu tư; việc hướng dẫn, đôn đốc chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch đối với các dự án phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết để phù hợp quy hoạch phân khu của một số dự án còn chậm, chưa trả lời rõ; công tác chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của một số dự án cũ chưa được UBND cấp huyện quan tâm đúng mức…

Đối với chủ đầu tư, việc phối hợp với nhà đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng tại địa phương còn chưa đạt yêu cầu; một số chủ đầu tư cố ý chây ì không làm thủ tục, chậm phối hợp giải phóng mặt bằng đưa đất vào sử dụng; có trường hợp đối tượng không có khả năng nộp nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Ngày 08/6/2022, UBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch số 160/KH-UBND nhằm chỉ đạo phân loại các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, dự án có vi phạm theo nhóm trên địa bàn. Theo đó, Hà Nội hiện có 44 dự án chậm tiến độ, chậm triển khai với tổng diện tích 2.607 ha đất và thành phố đang xem xét thu hồi. Tuy nhiên đến hết năm 2022, Hà Nội đã ban hành quyết định thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt đầu tư đối với 27 dự án.

Cần mạnh tay thu hồi dự án để bỏ hoang kéo dài

Hà Nội hiện có 404 dự án đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, trong số đó, 44 dự án với tổng diện tích 2.607 ha đất “đắp chiếu” và thành phố đang xem xét thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt dự án.

du-an-bo-hoang-2.jpg
Dự án chợ Xuân La (phường Xuân La, quận Tây Hồ) "đắp chiếu" hơn 10 năm qua nhưng vẫn chưa triển khai

Ngoài ra, 109 dự án với tổng diện tích 326 ha đất đã được chủ đầu tư chủ động khắc phục các vi phạm nên được đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai; 85 dự án với tổng diện tích 132 ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng nhưng được Thành phố quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp thêm cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn (UBND thành phố đã xác định số tiền tương ứng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với thời gian gia hạn 24 tháng là khoảng 498 tỷ đồng).

Riêng 152 dự án với tổng diện tích 3476,93 ha đất được tiếp tục đề xuất các biện pháp xử lý cụ thể đối với từng dự án tại từng kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm; 14 dự án với tổng diện tích 296,4 ha đất dừng thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm việc thực hiện do trùng các đoàn thanh tra, kiểm tra khác.

Thời gian tới, Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, có vi phạm theo các nhóm phân loại đã phân công thực hiện tại Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 08/6/2022.

Để làm được điều đó, thiết nghĩ, Hà Nội cần quyết liệt xử lý các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.

Đặc biệt, Hà Nội cần tập trung xử lý nghiêm, triệt để đối với các dự án chưa được nhà nước giao đất, cho thuê đất đến nay đã quá tiến độ thực hiện dự án; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư để hợp thức hóa việc gia hạn tiến độ thực hiện các dự án chậm triển khai; kiên quyết xử lý, lập hồ sơ chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, thu hồi đất theo quy định của pháp luật đối với các dự án chậm triển khai đã thanh tra, kiểm tra kết luận, UBND thành phố đã chỉ đạo xử lý, khắc phục nhưng chủ đầu tư không khắc phục, chưa đưa đất vào sử dụng theo dự án đầu tư được phê duyệt hoặc các tổ chức cá nhân vi phạm nhưng chây ì, không chấp hành quyết định xử lý.

Căn cứ tình hình thực tế nêu trên, được biết trong năm 2023, UBND TP Hà Nội sẽ tập trung xử lý từng bước, dứt điểm các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn. Hà Nội yêu cầu: Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, ban hành kế hoạch, khung tiêu chí xử lý đối với các dự án chưa được nhà nước giao đất, cho thuê đất trong tháng 12/2022, tổ chức thực hiện dứt điểm xong trước ngày 31/5/2023, định kỳ báo cáo hàng tháng; Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị có liên quan theo dõi, đôn đốc đối với các dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng đã được thành phố quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng cũng như tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát, đôn đốc chủ đầu tư các dự án có sử dụng đất khẩn trương thực hiện dự án, đưa đất vào sử dụng đúng theo tiến độ được phê duyệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Nhiều dự án vốn ngoài ngân sách bỏ hoang do đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO