Hà Nội: Ngang nhiên đổ phế thải, thuê bến bãi, tiền về túi ai?

Huy An| 19/05/2020 08:11

(TN&MT) - Nhiều năm qua hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp phục vụ Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội trên địa bàn xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội ngang nhiên bị san lấp bằng phế thải, sử dụng làm bến bãi cho thuê, kinh doanh trái phép. Việc làm này thường xuyên diễn ra, gây bức xúc trong dư luận. Thế nhưng, cho đến nay vẫn không được cơ quan chức năng địa phương xử lý dứt điểm ?

Ngang nhiên đổ phế thải, cho thuê bến bãi kinh doanh tại Tổ hợp ga Ngọc Hồi ?

Năm 2012 thực hiện nhiệm vụ do UBND thành phố Hà Nội giao, UBND huyện Thanh Trì đã triển khai công tác giải phóng mặt bằng khu đất xây dựng với hạng mục chính là Tổ hợp ga Ngọc Hồi (giai đoạn 1), các tuyến đường bộ kết nối và các cầu đường bộ vượt đường sắt thuộc Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, trên địa bàn huyện Thanh Trì. Dự án có tổng diện tích là khoảng 1.709.890.8 m2.

Tuy nhiên, điều đáng nói là sau khi thực hiện xong công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho các hộ dân, nơi đây nhanh chóng chở thành điểm đến để nhiều cá nhân, tổ chức thi nhau đổ phế thải, đất thải, vật liệu xây dựng san lấp mặt bằng một cách trái phép.

Để có thể phản ánh rõ nét nhất những vấn đề nhức nhối diễn ra tại đây, ngày 12/3/2020 phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã trực tiếp về tận nơi để mục sở thị. Theo đó, đập vào mắt chúng tôi là hàng nghìn m2 tại các khu vực đất thuộc Dự án xây dựng Tổ hợp ga Ngọc Hồi bị san phẳng bởi các loại đất đá, phế thải, vật liệu xây dựng.

Qua tìm hiểu, được biết tình trạng đổ rác thải, phế thải xây dựng tại khu vực nói trên diễn ra khoảng bốn năm trở lại đây, và cho đến giờ số lượng phế thải nhiều tới mức gần như lấp kín toàn bộ số ao đầm nằm trong phần đất của Dự án. Vật liệu được các đối tượng sử dụng trong san lấp là các loại rác thải xây dựng như gạch vỡ, bê tông, lẫn với bùn thải...

Đất thải, phế thải, vật liệu xây dựng tồn đọng trên bãi đất đường sắt Thanh Trì

Người dân nơi đây cho biết, nguồn gốc đất trước khi được các cơ quan chức năng huyện Thanh Trì tiến hành các bước thu hồi là đất nông nghiệp, cùng với đó là nhiều ao, hồ, đầm phục vụ người dân địa phương nuôi thả cá. Sau này khi cụm công nghiệp Ngọc Hồi mở ra và Nhà nước có chủ chương xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội trên địa bàn huyện Thanh Trì. Vì vậy, tổng diện tích khoảng 1.709.890.8 m2 đất nông nghiệp xung quanh buộc phải thu hồi để thực hiện Dự án.

Một thời gian sau thu hồi nhiều ô tô, xe tải mang theo đất thải, phế thải xây dựng ầm ầm kéo vào, khiến khu vực này chẳng khác nào một công trường xây dựng. Thế nhưng, sự việc không chỉ dừng lại ở đó một số cá nhân, tổ chức lợi dụng diện tích đất đã được Nhà nước bỏ tiền ra đền bù giải phóng mặt bằng, tự ý chiếm dụng, chuyển sang kinh doanh máy móc, ô tô, xây dựng nhiều nhà xưởng, đặt thùng container, làm bến bãi, bãi đậu xe cho các xe tải, xe công tại cụm công nghiệp Ngọc Hồi...

Trước tình trạng diện tích ao hồ, mặt nước bị thu hẹp, môi trường sinh thái mất cân bằng. Ao hồ thành hố rác, điểm chôn lấp phế thải, vật liệu xây dựng bức tử môi trường, cũng như là vi phạm nghiêm trọng pháp luật bảo vệ môi trường, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã tìm đến trụ sở UBND xã Ngọc Hồi để tìm hiểu, làm rõ thông tin.

Tại đây ông Nguyễn Việt Hưng – Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì cho biết: Toàn bộ diện tích trước khi thu hồi là đất nông nghiệp giao cho các hộ dân theo Nghị định 64, ông Hưng cũng thừa nhận tình trạng nhức nhối về vấn nạn đổ đất thải, phế thải, vật liệu xây dựng san lấp mặt bằng trái phép diễn ra tại khu vực này.

Diện tích hàng nghìn m2 bị san phảng bởi phế xây dựng

Đề cập đến trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc ngăn chặn, xử lý hiện tượng nói trên ông Nguyễn Việt Hưng biện minh, do vi phạm chủ yếu diễn ra vào đêm khuya nên chính quyền địa phương rất khó phát hiện.

Đặc biệt nói về vấn đề sau khi tổ chức san lấp mặt bằng có nhiều cá nhân, tổ chức trục lợi xây dựng nhiều nhà xưởng trái phép, kinh doanh máy móc, phương tiện, cho thuê nhiều ô tô, xe tải làm bến đậu ngay trên phần đất đã được Nhà nước bỏ kinh phí thu hồi, ông Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Hồi né tránh và nói chính quyền xã sẽ cho lực lượng kiểm tra và thông tin sau.

Ở đây có thể thấy rõ ràng là việc đổ phế thải san lấp mặt bằng, cho thuê bến bãi không phải mới diễn ra mà đã tồn tại nhiều năm. Vậy nhưng khi đặt câu hỏi về vi phạm trên, một trong những lãnh đạo xã Ngọc Hồi lại không hề biết việc này ?

Nghiêm trọng hơn dự luận đặt câu hỏi với ngần ấy năm trời tiền cho thuê mặt bằng kinh doanh nhà xưởng, bến bãi đã vào túi ai ? Câu hỏi xin nhường cho các cơ quan chức năng huyện Thanh Trì.

Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Ngang nhiên đổ phế thải, thuê bến bãi, tiền về túi ai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO