Xã hội

Hà Nội: Mở rộng nhiều tuyến đường để giảm thiểu ùn tắc

Cao Sơn 18/08/2024 - 08:43

(TN&MT) – Để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trong khung giờ cao điểm tại 7 tuyến đường, Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội vừa trình UBND TP Hà Nội thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo hạ tầng, tổ chức giao thông cấp bách một số nút giao, tuyến đường để giảm thiểu ùn tắc giao thông.

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa trình UBND TP Hà Nội thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo hạ tầng, tổ chức giao thông cấp bách một số nút giao trên 7 tuyến đường: Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Tố Hữu, Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Minh Giám, Khuất Duy Tiến. Đây đều là những tuyến đường có mật độ phương tiên giao thông đặc biệt cao, thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến gần 225 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư công - ngân sách UBND TP Hà Nội. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 188 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án năm 2024-2027. Chủ đầu tư là Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội.

Theo đó, sẽ điều chỉnh kích thước vỉa hè, dải phân cách, tổ chức giao thông tại một số nút giao trên 7 tuyến đường: Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Tố Hữu, Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Minh Giám, Khuất Duy Tiến. Sở GTVT TP Hà Nội nhận đình đây đều là những tuyến đường có mật độ phương tiên giao thông đặc biệt cao, thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.

1.jpeg
Đường Lê Văn Lương sẽ được mở rộng để giảm thiểu ùn tắc trong giờ cao điểm.

Đặc biệt các tuyến đường Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Tố Hữu nằm trên trục tuyến buýt nhanh BRT, là trục giao thông xuyên tâm, do tập trung các phương tiện ra, vào khu vực trung tâm, lưu lượng các phương tiện tăng cao, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm gây ra tình trạng ùn ứ giao thông.

Việc đầu tư xây dựng dự án, cải tạo hạ tầng, tổ chức giao thông cấp bách một số nút giao, tuyến đường để giảm thiểu ùn tắc giao thông (giai đoạn 1) sẽ góp phần nâng cao khả năng thông hành, giảm ùn tắc giao thông, tạo cho người dân có ý thức khi sử dụng vận tải hành khách công cộng; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực có tuyến đi qua.

Bên cạnh đó còn phát huy tối đa hiệu quả của tuyến xe buýt nhanh BRT, từ đó tạo được hình ảnh mới về vận tải hành khách công cộng theo hướng văn minh, hiện đại.

Theo chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung, cải thiện hạ tầng là giải pháp hữu hiệu để giải quyết ùn tắc giao thông.

“Với một tuyến đường xuyên tâm nhưng chỉ có 2 làn xe hỗn hợp không thể đáp ứng được nhu cầu đi lại ngày một tăng của người dân. Trên tuyến đường có vỉa hè còn rất rộng như Lê Văn Lương, Tố Hữu, Khuất Duy Tiến,.. Vỉa hè có chỗ lên tới 7m đang được sử dụng với nhiều mục đích như trông xe, bày bán hàng hóa... rất lãng phí. Hoàn toàn có thể nghiên cứu, xén vỉa hè, mở rộng thêm 1 làn đường hỗn hợp để phương tiện lưu thông thuận lợi hơn” - chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung chia sẻ.

Trên thực tế, tại nhiều tuyến đường ở Hà Nội đã thiết kế làn đường rẽ phải liên tục cho phương tiện. Việc xén hè mở làn rẽ phải liên tục trên đường Lê Văn Lương sang những tuyến đường khác sẽ tạo điều kiện cho phương tiện muốn rẽ lưu thông mà không bị phương tiện đi thẳng lấn làn hay phải dừng đèn đỏ. Như vậy, giao thông tại các nút giao sẽ được diễn ra liên tục, thuận lợi, giảm thiểu tình trạng ùn ứ.

Sở GTVT TP Hà Nội nhận định, việc cải tạo hạ tầng, tổ chức giao thông cấp bách một số nút giao, tuyến đường sẽ nâng cao năng lực thông hành của tuyến đường, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Tiết kiệm thời gian, kinh phí cho người cho người và phương tiện khi tham gia giao thông cũng như góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Từ đó, tạo nên diện mạo đô thị văn minh hiện đại với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Mở rộng nhiều tuyến đường để giảm thiểu ùn tắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO