Hà Nội kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Xuân Hợp| 28/05/2021 10:56

(TN&MT) - Thủ đô Hà Nội đã và đang thực hiện “nhiệm vụ kép”, trong đó, nhiệm vụ trọng tâm đột xuất hàng đầu là phòng, chống dịch COVID-19, đi đôi với việc ngăn chặn suy giảm kinh tế và thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Thành phố đặt ra trong năm 2021.

Tại Hội nghị giao ban thường kỳ tháng 5 năm 2021 ngày 27/5, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh nêu rõ, Hà Nội đang "đúng" và "trúng" trong các biện pháp phòng chống, kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và đặc biệt lưu ý việc thúc đẩy phát triển kinh tế phải thực hiện quyết liệt như chống dịch...

Gương mẫu đi đầu, chống dịch

Dịch bệnh COVID-19 xuất hiện diện rộng trên nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có thành phố Hà Nội. Thống kê từ ngày 29/4/2021 đến nay, thành phố đã ghi nhận 149 ca mắc tại 20 quận, huyện; chùm ca bệnh tại số 2 Phạm Sư Mạnh, quận Hoàn Kiếm và tòa Park 11 khu đô thị Times City diễn biến phức tạp, có nhiều ca mắc liên quan các địa điểm gây khó khăn trong quá trình điều tra truy vết, xử lý ổ dịch.

Trước diễn biến đó, thành phố Hà Nội đã huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia chống dịch với tinh thần “Gương mẫu đi đầu, chống giặc COVID”, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong công tác phòng, chống dịch; kiên định phương châm phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm nhanh, mở rộng xét nghiệm, thần tốc dập tắt các ổ dịch trong thời gian sớm nhất.

 Thành phố đã chủ động dự báo và đi trước tình hình; kiểm soát chặt chẽ di biến động của đối tượng tạm trú tại các địa bàn để kịp thời sàng lọc các nguy cơ. Chủ tịch UBND Thành phố đã ban hành 9 Công điện, 2 Chỉ thị và nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời, hiệu quả phù hợp với tình hình, diễn biến của dịch bệnh.

Thành phố vừa căng mình chống dịch, vừa hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Đến nay, ngoài 2 chùm ca bệnh đang tập trung xử lý, các chùm ca bệnh, ổ dịch khác trên địa bàn cơ bản đã được kiểm soát, chỉ ghi nhận ca mắc đã cách ly tập trung.

Song song với công tác quyết liệt thực hiện nhiệm vụ kép, phòng chống dịch COVID-19 và tổ chức hoạt động bầu cử, Thành phố đã tập trung triển khai các giải pháp, nhiệm vụ nhằm phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên phát triển các lĩnh vực trọng yếu, có tính bứt phá của Thành phố. Kết quả, các hoạt động sản xuất - kinh doanh của Thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng khá, nổi bật như:

Kinh tế tăng trưởng khá, đảm bảo an sinh xã hội

Thành phố kịp thời đối thoại với doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến để tìm cách hỗ trợ khôi phục sản xuất, kinh doanh

Mặc dù, gặp nhiều khó khăn, đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song với sự nỗ lực, quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Thành phố tới cơ sở, Thủ đô Hà Nội đã hoàn thành "mục tiêu kép”: Vừa phòng, chống đại dịch hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội... Ðây là nền tảng quan trọng để Thành phố đạt mục tiêu cao hơn trong năm 2021.

Nhìn vào biểu đồ tăng trưởng 5 tháng đầu năm 2021, có thể thấy được sức bật của kinh tế Thủ đô sau ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 5 tháng đầu năm là 110.606 tỷ đồng, đạt 47% dự toán Trung ương giao (đạt 44% dự toán Thành phố giao), bằng 106,5% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương 5 tháng đầu năm 2021 là 23.711 tỷ đồng, đạt 21,8% dự toán, bằng 97,3% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, trong 5 tháng đầu năm 2021, TP. Hà Nội đã giải quyết việc làm cho hơn 78 nghìn lao động, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2020; trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 21 nghìn người với số tiền 600 tỷ đồng. Chi trả trợ cấp cho hơn 88 nghìn người có công và thân nhân với số tiền 950 tỷ đồng. Thu hút đầu tư phát triển 5 tháng đầu năm, đầu tư nước ngoài đạt 591,7 triệu USD; đầu tư vốn ngoài ngân sách 35 dự án với tổng số vốn 4.780 tỷ đồng.

CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2021 tăng 0,97% so với bình quân cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ tăng 4%). Sản xuất nông nghiệp thuận lợi. Cây trồng phát triển tốt. Đàn trâu, bò, lợn và gia cầm đều tăng; lợn có 1,32 triệu con, tăng 15,9%; đàn gia cầm 39,2 triệu con, tăng 3,2%.

Đạt được những kết quả tích cực trên là do lãnh đạo thành phố Hà Nội đã luôn chủ động đánh giá tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế, đồng thời, xây đựng các kịch bản chi tiết đối với từng khu vực. Bên cạnh đó, thành phố kịp thời đối thoại với doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến để tìm cách hỗ trợ khôi phục sản xuất, kinh doanh bằng các giải pháp quyết liệt, hiệu quả.

Tăng 70% mức hỗ trợ lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch

Hỗ trợ cho các lực lượng tuyến đầu làm công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố thêm 70%

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa biểu quyết 100% thống nhất đối với đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội về việc sử dụng ngân sách địa phương để tăng hỗ trợ cho các lực lượng tuyến đầu làm công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố thêm 70% so với mức hiện nay do Chính phủ và HĐND TP quy định. Thời điểm áp dụng từ ngày 1/5/2021.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo UBND TP trình Thường trực HĐND TP xem xét thông qua để tổ chức triển khai thực hiện ngay việc hỗ trợ đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ, đúng mức, đúng đối tượng, tránh tiêu cực, thất thoát, lãng phí và báo cáo lại HĐND TP tại kỳ họp gần nhất của HĐND TP.

Cùng với đó, yêu cầu cần thần tốc truy vết, cách ly, khoanh vùng, tăng cường mở rộng xét nghiệm sàng lọc sớm, kịp thời phát hiện ca bệnh mới phát sinh, tăng tần suất xét nghiệm đối với các trường hợp F1 (so với quy định của Bộ Y tế) để sớm phát hiện ca dương tính, tránh lây nhiêm chéo trong khu cách ly tập trung. Thực hiện tốt công tác chữa trị, hạn chế thấp nhất ca tử vong do COVID-19; Chú trọng bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, nhân viên y tế, nhất là lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch, không để lây nhiễm COVID-19.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, đơn vị quản lý. Đảm bảo cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm, hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt, khan hiếm hàng hóa, có phương án dự trữ sẵn sàng cung ứng trong mọi tình huống.

Bên cạnh đó, các cơ quan đơn vị cần siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và ngoài công lập, trong các khu công nghiệp, khu chung cư, trụ sở các tập đoàn, tổng công ty, khu văn phòng cho thuê, ký túc xá, nhà trọ, khu nhà ở công nhân... có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh.

Các quận, huyện, thị xã rà soát các kịch bản, tổ chức tập huấn, diễn tập phương án phòng, chống dịch theo các cấp độ; Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, chủ đầu tư quản lý cán bộ, nhân viên, người lao động, tích cực phổi họp với các cấp ủy, chính quyền địa phương trong phòng, chống dịch.

Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố báo cáo, đề xuất Chính phủ, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 thành phố đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương phân luồng các chuyến bay quốc tể về các sân bay khác trong nước nhằm giảm tải cho sân bay Nội Bài và giảm tải cho các khu cách ly tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Những con số phát triển kinh tế - xã hội trong tháng 5/2021

- Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5, tăng 1,8% so với tháng 4 và tăng 5,1% so với tháng 5/2020 (cùng kỳ tăng 1,5%). Lũy kế 5 tháng đầu năm tăng 9,4% (cùng kỳ tăng 2,6%).

- Kim ngạch xuất khẩu tháng 5 đạt 1.252 triệu USD, giảm 0,2% so với tháng 4 và tăng 2,5% so với tháng 5/2020 (cùng kỳ giảm 13,7%); lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 5.890 triệu USD, tăng 8,1% (cùng kỳ giảm 8,5%).

- Kim ngạch nhập khẩu tháng 5 đạt 3.023 triệu USD, tăng 4,7% so với tháng 4 và tăng 26,2% so với tháng 5/2020 (cùng kỳ giảm 18,4%); lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 13.636 triệu USD, tăng 20,7% (cùng kỳ giảm 13,5%).

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 đạt 46,61 nghìn tỷ đồng, giảm 6,9% so với tháng 4 và giảm 5,7% so với tháng 5/2020 (cùng kỳ tăng 2,9%). Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021 đạt 243,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% (cùng kỳ giảm 4,4%). CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2021 tăng 0,97% so với bình quân cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ tăng 4%).

- Sản xuất nông nghiệp thuận lợi. Cây trồng phát triển tốt. Đàn trâu, bò, lợn và gia cầm đều tăng; lợn có 1,32 triệu con, tăng 15,9%; đàn gia cầm 39,2 triệu con, tăng 3,2%.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO