Hà Nội còn 4 trọng điểm, 12 điểm xung yếu công trình đê điều trước mùa mưa, lũ 2020

Khải Minh| 07/05/2020 11:12

(TN&MT) - Báo cáo hiện trạng công trình đê điều trước lũ năm 2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đã xác định 4 trọng điểm, 12 điểm xung yếu trên toàn địa bàn thành phố.

Trong đó, 4 trọng điểm gồm: Đê, kè, cống Xuân Canh - Long Tửu, thuộc khu vực đê tả Đuống, huyện Đông Anh; công trình cống Liên Mạc, thuộc khu vực đê hữu Hồng, quận Bắc Từ Liêm; công trình cống Cẩm Đình, thuộc khu vực đê Vân Cốc, huyện Phúc Thọ; khu vực đê, kè, cống nằm trên địa bàn xã Tân Hưng, xã Bắc Phú thuộc khu vực đê hữu Cầu, huyện Sóc Sơn.

Hà Nội tập trung bảo vệ trọng điểm đê, kè, cống xung yếu trước mùa mưa, lũ. Ảnh minh họa

Các vị trí xung yếu như: Khu vực kè Khê Thượng, huyện Ba Vì; khu vực đê Sen Chiểu, huyện Phúc Thọ; khu vực kè Liên Trì, huyện Đan Phượng; cụm công trình cống qua đê Yên Sở, quận Hoàng Mai; khu vực kè An Cảnh, huyện Thường Tín; cống trạm bơm Thụy Phú, huyện Phú Xuyên; khu vực đê kè Gia Thượng, Thanh Am, Tình Quang, đê hữu Đuống, quận Long Biên; khu vực thượng, hạ lưu cầu Đuống thuộc thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm...

Trước tình hình hiện trạng công trình đê điều trên địa bàn, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành và chính quyền địa phương liên quan tiếp tục kiểm tra chặt chẽ hiện trạng các khu vực xung yếu; khẩn trương rà soát các vật tư, trang thiết bị, nguồn lực... để chủ động phòng, chống thiên tai, lũ lụt trong mọi tình huống; đồng thời quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả Luật phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố.

Cùng với đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội yêu cầu các địa phương, đơn vị tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản, nhất là các công trình trọng điểm phòng, chống thiên tai năm 2020; tiếp tục triển khai Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng năm 2020.

Các sở, ngành và chính quyền địa phương tăng cường truyền thông, phổ biến pháp luật về đê điều, thủy lợi, phòng, chống thiên tai; nội dung, chương trình, kế hoạch, đặc biệt là kỹ năng ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa, tình huống cháy nổ; tăng cường phổ biến kiến thức về các loại hình thiên tai, kinh nghiệm phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; vận động nhân dân chủ động chuẩn bị, sẵn sàng phòng, chống cho gia đình mình và tích cực tham gia cùng cộng đồng phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai.

Ngoài ra, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai; nâng cao năng lực ứng phó, xử lý khi xảy ra thiên tai. Chế độ trực ban 24/24 giờ ở các cấp được duy trì nghiêm túc để theo dõi, tổng hợp và tham mưu kịp thời các biện pháp phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội còn 4 trọng điểm, 12 điểm xung yếu công trình đê điều trước mùa mưa, lũ 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO