Giá bán lập đỉnh
Dữ liệu của trang Batdongsan ghi nhận, trong 8 tháng đầu năm, giá rao bán trung bình của chung cư tăng 15% so với mặt bằng cả năm 2021. Trên thị trường, căn hộ trung cấp (30 - 50 triệu đồng/m2) có giá rao bán tăng cao nhất (15,5%). Đây là phân khúc thu hút lượng quan tâm lớn nhất và tăng mạnh nhất (10%), lượng tin đăng cũng tăng 11%.
Khảo sát thực tế tại nhiều dự án chung cư mới tại Hà Nội như Rubic 360 Xuân Thủy, The Nine, The Park Home (quận Cầu Giấy), Trinity Tower (quận Thanh Xuân), Feliz Homes (quận Hoàng Mai) hay BID Residence (quận Hà Đông), giá bán đều trên mức 40 triệu đồng/m2. Các chung cư nằm khu vực nội đô như chung cư T&T Capella Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) giá hơn 60 triệu đồng/m2…
Nhìn nhận về thực trạng tăng giá của bất động sản (BĐS) Hà Nội, bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội cho biết, có 2 nguyên nhân chính của hiện tượng này. Nguyên nhân thứ nhất là BĐS vẫn luôn là kênh đầu tư sinh lời được ưa chuộng, đặc biệt khi các kênh đầu tư hấp dẫn vẫn còn hạn chế thì BĐS được đánh giá là một phương án đầu tư hợp lý và tương đối an toàn. Bối cảnh hiện tại khiến nhu cầu trú ẩn dòng tiền tại BĐS gia tăng, nhờ vào lượng tiền nhàn rỗi lớn, đặc biệt từ thị trường chứng khoán. Nguyên nhân thứ hai là các đơn vị đầu tư, phát triển dự án BĐS ngày càng đề cao yếu tố chất lượng. Chất lượng trở thành ưu tiên hàng đầu khi xây dựng, phát triển các dự án căn hộ mới. Các dự án đều được chú trọng về vị trí, điều kiện bàn giao thuận lợi và được đầu tư bài bản về tiện ích dịch vụ. Những điểm cộng này thu hút người mua ở và sự quan tâm của giới đầu tư. Chính bởi vậy, tỷ lệ bán hàng của các dòng căn hộ mới này cũng gia tăng.
Cũng theo chuyên gia Savills, các giao dịch thời gian qua hướng tới nhu cầu để ở. Hành vi người tiêu dùng có nhiều thay đổi. Họ thường chú trọng, ưu tiên các tiêu chí về môi trường sống trong việc lựa chọn những sản phẩm nhà ở. Dù giá liên tục tăng nhưng các dự án được đầu tư bài bản và chuyên nghiệp bởi chủ đầu tư giàu kinh nghiệm vẫn ghi nhận thanh khoản trên thị trường.
Giới đầu cơ không xuống tiền
Từ lâu, phân khúc chung cư chỉ đáp ứng cho những người có nhu cầu để ở thực sự. Còn đối với nhà đầu tư, phân khúc này ít mang lại lợi nhuận nên không tạo được sức hút trên thị trường.
Ông Phạm Đức Toản - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) cho hay, đối với phân khúc chung cư, dù tăng giá mạnh nhưng nếu có nhu cầu ở thì mới nên mua, còn đầu tư thì cần nghiên cứu kỹ.
“Đầu tư chung cư hay đất nền đều có cơ hội, chỉ là tùy từng địa điểm. Chung cư ở những khu vực có khả năng cho thuê tốt, tiện ích tốt, chủ đầu tư tốt và giai đoạn này, chủ đầu tư đưa ra nhiều khuyến mại với mức giá mềm cũng là một cơ hội. Giá chung cư tăng là do nguồn cung hạn chế, trong khi nguồn cầu mạnh. Nếu đầu tư vào phân khúc chung cư giai đoạn này sẽ không phù hợp, hiệu quả đầu tư thấp vì giá bị đẩy cao.”- ông Toản nhấn mạnh.
Một số chuyên gia BĐS khác cho rằng, lựa chọn chung cư hay đất nền tùy thuộc vào nguồn tài chính, kinh nghiệm và thời điểm. Hiện tại, giá chung cư đã tăng quá mạnh, biên độ lợi nhuận có thể sụt giảm dù dự báo cho rằng giá còn lên cao nữa. Nhưng đối với nhà đầu tư thích an toàn, dễ thanh khoản thì chung cư lại là sự lựa chọn hợp lý.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận sức mua nhà ở khó đạt được thanh khoản tốt như trước. Bởi lẽ, thu nhập bình quân của người dân chưa bắt kịp với mức độ tăng giá của BĐS. Trong khi các nhà đầu tư có nguồn tiền nhàn rỗi khá bình thản trong các vụ đầu tư thì nhóm đối tượng sử dụng đòn bẩy tài chính đang gặp nhiều khó khăn hơn. Tín dụng đang được kiểm soát, đặc biệt đối với các khoản vay trong lĩnh vực BĐS khiến nhiều nhà đầu tư bị “giữ chân” trong việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng hay vay thế chấp.
Theo quy luật, BĐS vẫn sẽ là kênh trú ẩn an toàn cho một bộ phận người giàu trong xã hội. Tuy nhiên, khi giá BĐS tăng sẽ làm giảm cơ hội mua nhà của người lao động có thu nhập thấp và trung bình. Dự kiến, sang năm 2023, xu hướng giá BĐS có thể tiếp tục tăng ở mức cao vì nguồn cung yếu do thủ tục đầu tư vẫn chưa được tháo gỡ triệt để và lực cầu đang được duy trì, thậm chí có thể mạnh hơn.