Ngay giữa trung tâm các đô thị lớn, nhiều cao ốc được xây dựng dày đặc trên các tuyến đường "đắt nhất hành tinh", "đẹp nhất thành phố",... dẫn đến những hệ quả khiến hạ tầng quá tải, cây cối bị chặt hạ, mảng xanh bị cắt xén.
Diện tích đất cây xanh chưa được quan tâm
Diện tích đất cây xanh chưa được quan tâm
Cây xanh, thảm cỏ và mặt nước có vai trò rất lớn để "giảm nhiệt đô thị". Trong đó, cây xanh đường phố có vị trí hàng đầu vì diện tích mặt đường chiếm tỷ lệ không nhỏ trên bề mặt đô thị. Tuy nhiên, vào tháng 7/2017, khi Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia 2016 được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, dư luận không khỏi giật mình với thông tin tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, tỷ lệ diện tích cây xanh chỉ đạt khoảng 2m2/người, bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới... Có quan điểm cho rằng, diện tích này cũng đang bị xén dần do mật độ xây dựng quá cao.
Nhìn lại chục năm trước, TP. Hà Nội không thiếu khoảng không, diện tích thành phố cũng không nhỏ, nhưng hiện nay, người dân ở trung tâm thành phố ngày càng "khó thở". Những mảng xanh, cây xanh ở thành phố bị thu hẹp hoặc bị cắt tỉa, chết... do bê tông hóa các con đường, vỉa hè.
Tại Hội thảo khoa học giải pháp bảo vệ, phục hồi và phát triển hệ thống cây xanh - mặt nước mới đây, ông Trần Ngọc Chính Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cũng cho hay, diện tích cây xanh đô thị của Hà Nội, trong đó, bao gồm chỉ tiêu đất cây xanh, tổng diện tích đất cây xanh cho toàn đô thị, từng khu vực đô thị, diện tích đất để phát triển công viên - vườn hoa chưa được quan tâm và đầu tư thích đáng. Tỷ lệ đất cây xanh, công viên so với quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện đạt rất thấp. Các khu đô thị mới thiếu vắng các không gian công cộng như quảng trường, vườn dạo, vườn hoa, công viên, cây xanh…, đã làm cho chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị suy giảm.
Về mặt nước, Hà Nội đứng đầu trong cả nước về số lượng sông hồ như: hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, hồ Trúc Bạch, hồ Thiền Quang, hồ Linh Đàm, hồ Giảng Võ, hồ Thành Công, hồ Bảy Mẫu, hồ Ba Mẫu, hồ Nghĩa Tân… và có tới 13 con sông chảy qua Hà Nội. Tuy nhiên, việc khai thác sử dụng quỹ mặt nước này phục vụ cảnh quan và đời sống đô thị vẫn còn nhiều điều chưa hợp lý.
Lý giải nguyên nhân, ông Chính cho rằng, vài năm trở lại đây, nhiều ao, hồ ở Hà Nội bị lấp, lấn chiếm làm giảm đáng kể diện tích mặt nước, gây ra hiện tượng ngập úng vào mùa mưa. Ở các khu vực mới phát triển như Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm..., tốc độ xây dựng các khu đô thị mới tăng lên nhanh chóng, đã kéo theo nhiều ao, hồ bị san lấp bởi đất cát, rác thải và lấn chiếm để dành đất cho các công trình.
Những tuyến đường “xuống hạng”
Vẫn là câu chuyên không hề mới về quy hoạch của Hà Nội, khi diện tích nội thành được mở rộng hết cỡ nhưng chủ yếu để xây dựng đô thị, nhà cao tầng, các chỉ số về diện tích đất công cộng, cây xanh, đường sá, cầu cống… đều mới ở tầm nhìn ngắn hạn, được quy hoạch theo kiểu "tùy hứng", và chỉ áp dụng trong từng dự án nhỏ lẻ. Hậu quả là ngay cả trong mùa đông Hà Nội cũng nóng bức, ngột ngạt như mùa hè vì không khí ô nhiễm, tắc đường, lụt lội…
Thậm chí ngay giữa trung tâm, nhiều cao ốc được xây dựng dày đặc trên các tuyến đường "đắt nhất hành tinh", dẫn đến hệ quả khiến hạ tầng quá tải, cây xanh bị chặt hạ. Điển hình phải kể đến đường Nguyễn Chí Thanh từng được mệnh danh "kiểu mẫu", đẹp nhất Thủ đô năm nào với chiều dài gần 2km, nhiều cây xanh, mặt nước… Nhưng đến nay khi các tòa nhà văn phòng, cao ốc mọc lên liên tục, dân số tăng, giao thông quá tải, tuyến đường này đang bị "xén" bớt khoảng xanh, nhiều chuyên gia cho rằng đường Nguyễn Chí Thanh thực sự đã "xuống hạng". Câu hỏi đặt ra là "Đường Nguyễn Chí Thanh liệu có còn xứng đáng là con đường đẹp nhất?"
Trao đổi với PV, PGS.TS Phạm Hùng Cường, Trưởng khoa Kiến trúc, Đại học xây dựng Hà Nội cho rằng, công tác quản lý kiến trúc đô thị thực sự đang là một thách thức. Bên cạnh những yếu kém về chuyên môn trong công tác lập đồ án thiết kế đô thị thì còn tồn tại thực trạng không có chiến lược phát triển đô thị, các chính sách quản lý phát triển theo thiết kế đô thị không đầy đủ và không đủ sức mạnh.
PGS.TS Phạm Hùng Cường phân tích: "Việc xây dựng chiến lược phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm thiểu thảm họa… cũng sẽ là một nội dung quan trọng cần được chuyển tải trong tất cả các chính sách quản lý ở các khu vực đô thị. Như thế mới có thể tăng được các mảng xanh. Bên cạnh chỉ số tăng trường xanh đang được nghiên cứu thiết lập sẽ là các chính sách khác để khuyến khích phát triển đô thị như việc sử dụng tiết kiệm năng lượng trong công trình, khuyến khích phát triển công trình xanh, phát triển hạ tầng xanh".