Hà Nam: Thu hồi đầm thuỷ sản không rõ lý do đẩy lão nông vào cảnh khốn khó

Phạm Duy| 01/06/2020 06:22

(TN&MT) - Gần 30 năm găn bó, dồn cả tâm huyết, vốn liếng của gia đình để cải tạo đầm nuôi trồng thuỷ sản, lão nông bất ngờ bị UBND xã Đinh Xá thu hồi “trắng” với những lý do không thoả đáng.

Năm 1992, gia đình ông Ngô Viết Cường (Thôn 2, Trần Đồng) được UBND xã Đinh Xá giao khoán 20 mẫu (khoảng 7,4 ha) đầm Chiềng để nuôi thả cá. Đến năm 2003, theo đường lối – chính sách của Đảng và Nhà nước, UBND tỉnh Hà Nam đã khuyến khích mô hình sản xuất đa canh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng của những vùng đất trũng tại địa phương.

Ngày 05/11/2003, bằng quyết định số 773/QĐ-UB, UBND huyện Bình Lục đã phê duyệt Dự án xây dựng mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng – vật nuôi trên ruộng trũng tại xã Đinh Xá, theo đó gia đình ông Cường được Xã chọn làm điểm để thực hiện mô hình này tại đồng Chiềng (đồng trũng nay đã cải tạo thành đầm).

Năm 2015, khi xã Đinh Xá được sáp nhập về Thành phố Phủ Lý, gia đình ông Cường tiếp tục được UBND Xã ký hợp đồng cho thuê đầm Chiềng để nuôi trồng thuỷ sản với thời hạn 5 năm, tính từ 1/1/2015, đến 31/12/2019 thì hết hạn.

Theo hợp đồng, khi hết hạn, nếu gia đình ông Cường có nhu cầu tiếp tục thuê đầm để canh tác thì sẽ được UBND Xã xem xét, tiếp tục cho thuê. Tuy nhiên tới ngày 16/3/2020, UBND xã Đinh Xá đã ra công văn số 01/CV-UBND, theo đó bác đơn xin tiếp tục thuê đầm của gia đình ông Cường với lý do: “Giao cho cộng đồng dân cư quản lý”.

Ông Ngô Viết Cường Chỉ tay về phía ngôi nhà ông Thảo - Người mới đây đã san lấp, lấn chiếm đầm Chiêng, có ý muốn thuê lại đầm Chiềng

Những lý do thu hồi chưa thấu đáo

Tiếp PV trong gian phòng khách chật hẹp có phần xuống cấp, đôi mắt rưng rưng, uất ức, ông Cường giãi bày: “Cả gia đình tôi đã gắn bó với đầm Chiềng 30 năm nay, mọi vốn liếng của gia đình, tâm huyết của tuổi thanh xuân tôi đã dồn cả vào đây, nay xã thu hồi Đầm đẩy gia đình tôi vào cảnh khốn cùng ”

Để thực hiện Mô hình đa canh (lúa – cá – cây – gia cầm), ông Cường cho biết, gia đình ông đã phải vay mượn để đầu tư cải tạo đầm. Cụ thể, ông đã phải tổ chức nạo vét và san gạt ao từ chỗ cao sang chỗ trũng với khoảng 12 vạn mét khối bùn đất; Đắp một con đường có chiều dài 147m, rộng chân đường 3m, rộng mặt đường 2,5m, chiều cao 2m; Đầu tư xây một trạm bơm gồm 01 máy và 01 bộ cống qua đường dài 5m, 04 máy bơm tát nước, đường điện thắp sáng 150m, … tổng số vốn đã đầu tư ước tính khoảng 3 tỷ đồng.

Trao đổi với PV, ông Lê Đức Tùng – Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Xá (người đã ký công văn bác đơn đề nghị xin gia hạn hợp đồng thuê đầm của ông Cường) cho biết lý do xã thu hồi đầm Chiềng là để tổ chức đấu thầu cho thuê được giá tốt hơn.

Tuy nhiên, trước đó, ông Đinh Văn Quyết – Chủ tịch UBND xã Đinh Xá lại cho rằng, việc thanh lý hợp đồng nói trên là do hợp đồng đã hết hạn, gia đình ông Cường nuôi thả cá gây ô nhiễm môi trường nên UBND xã thu hồi để giao cho cộng đồng dân cư thôn 2 quản lý để bảo vệ môi trường, không làm gì cả, không cho ai đấu thầu tiếp.

Ông Quyết dẫn chứng, năm 2019, khi có Dịch tả lợn Châu Phi, gia đình ông Cường đã tự ý thu gom phân gà trong đó có cả xác lợn chết đổ thải trực tiếp xuống đầm làm thức ăn cho cá gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước…

Như vậy, qua thông tin của hai vị lãnh đạo xã đã sự có mâu thuẫn trong lý do thu hồi đầm Chiềng của hộ ông Cường.

Ông Cường uất ức giãi bày với PV khi bị UBND xã Đinh Xá thu hồi đầm thuỷ sản, đẩy gia đình ông vào cảnh khốn cùng

Hé lộ lợi ích nhóm?

Mục sở thị khu vực đầm Chiềng, PV nhận thấy hồ canh tác của ông Cường hoàn toàn bình thường, nước trong, không có mùi lạ và không có chuyện ô nhiễm.

Về nội dung ô nhiễm môi trường, ông Cường cho rằng, UBND xã Đinh Xá đã cố tình dựng lên chuyện để thu hồi đầm của gia đình ông. Gia đình ông không thả xác lợn chết cho cá ăn vì đầm nuôi cá trôi, cá mè, các loại cá này không ăn thịt.

Nguyên nhân đằng sau việc xã thu hồi đầm của mình, ông Cường cho rằng, từ năm 2017, có hai người trong làng, muốn lấy lại đầm của ông để canh tác và đề nghị bồi thường với số tiền là 150 triệu đồng. Tuy nhiên ông đã không đồng ý với mức đề nghị trên vì quá ít so với số vốn và công sức mà ông đã bỏ ra. Trả giá không được, một người đã tuyên bố: “.. không nhận 150 triệu thì tao cho mất trắng…”. 

Trong suốt thời gian sử dụng đầm canh tác, gia đình ông Cường đã nộp thuế đầy đủ. Thậm chí, với giá thuê 1.300đ/m2/năm theo hợp đồng là mức giá thầu khá cao so với các địa phương khác, cao gấp 2,2 lần so với khung giá do UBND tỉnh Hà Nam ban hành năm 2014. Mỗi năm ông Cường phải đóng tới 70 triệu đồng cho 54.501m2 đầm, số tiền trên đã đóng góp không nhỏ vào nguồn ngân sách của Xã Đinh Xá hàng năm.

Với 28 năm tiếp quản, cải tạo đầm, số vốn và công sức đầu tư của ông Cường vào đầm Chiềng là không nhỏ, những việc làm này đã được bà con tại địa phương ghi nhận. Mặt khác gần như mọi vốn liếng đã đầu tư vào đây, nơi này đang là nguồn thu duy nhất của gia đình ông Cường. Thiết nghĩ nếu UBND xã Đinh Xá không tiếp tục cho gia đình ông Cường thuê mà thu hồi Đầm để giao cho Cộng đồng dân cư quản lý là không thoả đáng, vừa làm thất thu ngân sách của địa phương, vừa dễ bề bị ô nhiễm môi trường (do không có ai quản lý).

Nếu với lý do cho hộ dân khác thuê hoặc UBND xã tổ chức đấu thầu lại một cách công khai, minh bạch thì cần có phương án bồi thường thoả đáng, công bằng cho gia đình ông Cường, tạo niềm tin cho nhân dân vào đường lối chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nam: Thu hồi đầm thuỷ sản không rõ lý do đẩy lão nông vào cảnh khốn khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO