Xã hội

Hà Nam: Tập trung phát triển kinh tế cho người nghèo

Việt Linh 27/03/2024 16:13

Là địa phương thứ tư trên cả nước hoàn thành sớm Chương trình mục tiêu Quốc gia, tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các địa phương không ngừng nỗ lực triển khai nhiều giải pháp quan trọng nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT), nhất là đảm bảo tốt môi trường ở khu vực nông thôn, tiếp tục quan tâm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Xác định tiêu chí thu nhập là tiêu chí giữ vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng nông thôn mới nhằm thúc đẩy việc duy trì, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí còn lại. Vì vậy, để nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua, tỉnh Hà Nam đã tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, trong đó chú trọng xây dựng các mô hình nông nghiệp hiệu quả cao; đồng thời đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, ngành nghề nông thôn.

z5284523743278_b38fb3708226eaf132002053f1a0938f.jpg
Hà Nam tập trung phát triển kinh tế cho người nghèo.

Trên cơ sở đó, địa phương đã xây dựng nhiều mô hình phát triển sản xuất cho hiệu quả cao, như: Mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn vùng chuyển đổi đất lúa giai đoạn 2021-2025; Mô hình cánh đồng mẫu, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; Đề án xây dựng mô hình ứng dụng cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi cá nước ngọt thâm canh cao giai đoạn 2023-2025; Đề án “Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2023-2025…

Hàng năm, chú trọng triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; phát triển mô hình HTX kiểu mới sản xuất ứng dụng công nghệ cao, an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ… từ đó, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân trên toàn tỉnh.

z5284523348028_2e057ad799da712da033d89796d41184.jpg
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hà Nam xác định giảm nghèo là nhiệm vụ xuyên suốt.

Trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương tập trung ruộng đất nông nghiệp; áp dụng cơ giới hóa; xây dựng, phát triển các mô hình, đề án sản xuất ứng dụng công nghệ cao, mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn trên vùng chuyển đổi đất lúa; phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao chất lượng gắn với bảo vệ môi trường; tăng cường công tác phòng chống dịch… Các địa phương trong tỉnh đã triển khai các đề án, mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hà Nam xác định giảm nghèo là nhiệm vụ xuyên suốt. Tỉnh luôn tìm những giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo phát huy nội lực, ý chí vươn lên; lấy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân làm mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân; đặc biệt là ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn thông qua tìm kiếm việc làm và hỗ trợ xây dựng; nhân rộng các mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Bên cạnh đó cũng thường xuyên chăm lo, đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam, trong nhiều năm qua, Hà Nam cùng cả nước thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, Hà Nam đối mặt với những thách thức không nhỏ bởi tác động của đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác… Để tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, ổn định an sinh, giảm nghèo bền vững trong giai đoạn mới cần có sự đổi mới tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh.

z5284522580879_424e14bb398ceabaaf8b95a397a9fdd2.jpg
Để giúp người dân giảm nghèo, Hà Nam tập trung phát triển mô hình HTX kiểu mới sản xuất ứng dụng công nghệ cao, an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ… từ đó, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Cùng với đó, Hà Nam coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả hệ thống chính trị; khai thác, quản lý và sử dụng có hiệu quả, sáng tạo nguồn vốn, nguồn lực để thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo gắn với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM, lấy người dân là chủ thể của phát triển… chính là sự thay đổi tư duy về chuẩn nghèo và giảm nghèo ở nhiều địa phương của Hà Nam những năm qua. Thành quả mang lại không chỉ là con số giảm sâu về tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo mà là thực tế đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân có nhiều thay đổi.

Để tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tới đây, tỉnh tập trung xây dựng các mô hình sinh kế giảm nghèo, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao chất lượng, năng suất cây trồng, vật nuôi. Hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân thông qua các chính sách tín dụng ưu đãi, dạy nghề, khuyến nông, khuyến công; các địa phương trong tỉnh Hà Nam cũng đã có những giải pháp thiết thực, lồng ghép các chương trình, dự án, đề án để hỗ trợ phát triển sản xuất kinh tế hộ, nhân rộng mô hình giảm nghèo, cùng với đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức BVMT, năng lực cho các hộ nghèo, cận nghèo…

Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Nam cho biết, từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho trên 40.000 người; xuất khẩu lao động cho trên 1.500 người; giải quyết việc làm thêm cho gần 41.000 người; tư vấn việc làm cho trên 54.000 người; giới thiệu việc làm cho hơn 27.000 người. Cấp trên 47.900 thẻ BHYT miễn phí cho người nghèo, cận nghèo, trên 90.000 thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi. Chi trả trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng cho hơn 45.000 đối tượng bảo trợ xã hội với tổng số tiền trên 24 tỷ đồng/tháng. Hà Nam đặt mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 0,53%/năm, phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 1,56%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nam: Tập trung phát triển kinh tế cho người nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO