Nhức nhối ô nhiễm
Nhìn lại sau nhiều năm mở cửa, khuyến khích các doanh nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Hà Nam, hàng loạt các doanh nghiệp khai thác, chế biến vật liệu xây dựng hình thành. Hệ lụy sau đó là cả vùng Tây sông Đáy với nhiều điểm bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, cuộc sống của người dân.
Trước thực trạng đó, ngày 4/11/2016, tỉnh Hà Nam ban hành Đề án số 2617/ĐA-UBND về giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực phía Tây sông Đáy. Đề án liên quan đến 2 huyện Thanh Liêm và Kim Bảng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 09 mỏ đá vôi, sét xi măng của 06 doanh nghiệp đang hoạt động đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép và 88 mỏ khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp tỉnh đang hoạt động, chủ yếu ở hai huyện Thanh Liêm và Kim Bảng.
Trong những năm gần đây, ô nhiễm môi trường trong khu vực Tây sông Đáy có nhiều điểm đáng báo động. Theo phản ánh của nhân dân sống tại các xã Thanh Thủy, Thanh Tân, Thanh Nghị và thị trấn Kiện Khê của huyện Thanh Liêm; Xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam, nơi tập trung nhiều nhà máy sản xuất xi-măng và nhà máy khai thác, chế biến đá cho thấy: Tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác, chế biến vật liệu xây dựng, hoạt động sản xuất xi-măng, hoạt động cầu cảng, máng rót trái phép và các xe vận chuyển vật liệu chở quá tải, làm rơi vãi vật liệu ra đường, gây bụi, tiếng ồn… làm bức xúc trong cộng đồng dân cư.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam, nhiều doanh nghiệp ở khu vực phía Tây sông Đáy chưa xây dựng đầy đủ các công trình bảo vệ môi trường đã đi vào hoạt động; chưa đóng góp đầy đủ kinh phí để hỗ trợ các đơn vị dịch vụ môi trường thực hiện các biện pháp giảm ô nhiễm môi trường. Doanh nghiệp khai thác, chế biến đá không thực hiện đúng, đủ các giải pháp xử lý bụi, khí thải, nước thải, chất thải rắn theo cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường đã được phê duyệt và nhiều đơn vị chưa lập báo cáo hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường. Một số doanh nghiệp khai thác đá không đúng thiết kế mỏ, vượt công suất, lập hộ chiếu nổ mìn không đầy đủ… Đáng chú ý, hầu hết các doanh nghiệp cầu cảng không thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình xuất; vẫn còn hoạt động của một số cầu cảng, máng rót tự phát.
Quyết liệt để bảo vệ môi trường sống
Thực hiện Đề án số 2617/ĐA-UBND về giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực phía Tây sông Đáy, hơn 2 năm qua, trên địa bàn các huyện Thanh Liêm và Kim Bảng lượng rác thải tồn đọng tại nhiều khu vực bãi rác cũ được xử lý; nhiều doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản đã thực hiện nghiêm những nội dung đã cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp thực hiện khai thác, chế biến khoáng sản đã đầu tư kinh phí, nhân lực tiến hành phục hồi môi trường theo đúng kế hoạch trong các đề án, phương án cải tạo phục hồi môi trường đã được phê duyệt; hầu hết cơ sở thực hiện đo kiểm soát ô nhiễm môi trường định kỳ gửi cơ quan quản lý nhà nước; các nhà máy xi-măng lắp đặt hệ thống quan trắc tự động hệ thống khí thải. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện việc quét dọn vật liệu rơi vãi, trồng hành lang cây xanh, tưới đường giảm bụi, tích cực hoàn thiện thủ tục, biện pháp khắc phục sau khi thanh tra, nhắc nhở.
Đầu năm 2019, HĐND tỉnh, HĐND hai huyện Thanh Liêm và Kim Bảng đã xây dựng kế hoạch, triển khai khảo sát, để phục vụ công tác giám sát “Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác đá, chế biến vật liệu xây dựng khu vực phía Tây sông Đáy”.
Làm việc với Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, ông Nguyễn Xuân Điệp, Chủ tịch UBND xã cho biết: Ngày 20/7/2017, UBND xã Thanh Sơn đã thành lập Đề án số 01/ĐA-UBND về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn, được UBND huyện phê duyệt. Xã đứng ra thành lập tổ dịch vụ 18 người, có 16 người chuyên quét dọn, thu gom đá rơi, khơi thông cống rãnh, 2 người vận hành lái xe phun nước tưới đường 3 lần/ngày. Việc ô nhiễm môi trường có chuyển biến rõ rệt. Các doanh nghiệp trên địa bàn hầu hết thực hiện tốt việc chung tay cùng bảo vệ môi trường, góp quỹ cho tổ dịch vụ hoạt động. Tuy nhiên qua 17 tháng thực hiện trên địa bàn (từ tháng 10/2017 đến tháng 2/2019) vẫn còn nhiều doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, chưa thực hiện quy định chung về công tác bảo vệ môi trường như: Công ty TNHH SAVINA Hà Nam sản xuất vôi công nghiệp; Công ty Tầm nhìn Quốc tế sản xuất bột đá; Công ty Bình Minh, khai thác đá; Công ty Thiên Sơn, khai thác đá; Công ty TNHH Nam Sơn, khai thác đá.
UBND xã kiểm tra, giám sát phát hiện và báo cáo với các cấp trên và các ngành liên quan việc một số doanh nghiệp sản xuất, chế biến bột đá chưa bảo đảm quy trình, chưa đúng quy định về bảo vệ môi trường. Cụ thể là Công ty TNHH SAVINA sản xuất vôi công nghiệp; Công ty Vận tải Hồng Hà sản xuất bột đá; Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường không khắc phục mặt bằng sau khai thác; Công ty TNHH Thái Sơn không khắc phục mặt bằng sau khai thác…
Vừa qua, khi đoàn khảo sát thực địa đã vào Công ty SAVINA thì thấy Công ty dừng hoạt động sản xuất vôi theo Quyết định số 2586/QĐ-XPVPHC của UBND tỉnh Hà Nam về việc Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bảo vệ môi trường với Công ty SAVINA Hà Nam. Chủ tịch UBND xã cùng tham gia đoàn công tác gồm 6 thành viên. Quan sát thực tế cho thấy nhiều vôi thải Công ty đã đổ tự do ra bãi ngoài trời. Sau khi kiểm tra, UBND xã Thanh Sơn đã có văn bản báo cáo, kiến nghị với HĐND tỉnh về việc chấp hành pháp luật về môi trường, những quy định của tỉnh và địa phương về công tác bảo vệ môi trường.
Trong đợt khảo sát của đoàn công tác HĐND tỉnh Hà Nam đã xuống địa bàn, UBND xã Thanh Sơn đề nghị với HĐND tỉnh và các ngành chức năng hỗ trợ kinh phí để xã tiếp tục làm tốt hơn công tác bảo đảm vệ sinh, môi trường trong khu vực như trồng cây xanh; mua trang thiết bị làm vệ sinh môi trường; hỗ trợ tiền nhân công có những người làm vệ sinh môi trường hằng ngày. UBND xã cũng đề nghị các cấp có thẩm quyền có biện pháp xử lý nghiêm với các doanh nghiệp, đơn vị khai thác đá, sản xuất vật liệu xây dựng không chấp hành làm công tác vệ sinh môi trường. Thực hiện quyết liệt như xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tin chắc công tác bảo vệ môi trường nơi đây sẽ có nhiều chuyển biến tích cực.