Xã hội

Hà Nam: Khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo

Việt Linh 26/08/2024 - 19:29

Nhận thức được vai trò quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, những năm qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ thuộc Chương trình, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân, thúc đẩy phát triển KT-XH bền vững.

Các địa phương cùng vào cuộc

Nằm ở phía Tây Nam của tỉnh, Thanh Liêm là huyện đồng bằng thấp của Hà Nam, cách trung tâm thành phố 12km, có 16 đơn vị hành chính xã, thị trấn.

anh-3.jpg
Huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam luôn chú trọng công tác giảm nghèo.

Những năm qua, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, các kế hoạch của tỉnh về công tác giảm nghèo, huyện Thanh Liêm đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện nghiêm các quy định trong rà soát hộ nghèo, cận nghèo; giao chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm cho từng cơ sở. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cấp xã để triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo, đảm bảo đúng mục đích, đối tượng thụ hưởng.

Theo lãnh đạo UBND huyện, xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, huy động mọi nguồn lực cho công tác giảm nghèo.

20230411145744-57thuy-san.jpg
Mô hình nuôi thủy sản tập trung tại huyện Thanh Liêm.

Gắn kết mục tiêu giảm nghèo và xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Tập trung xây dựng, nhân rộng các mô hình sinh kế cho người nghèo, bảo đảm 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đều tiếp cận được nguồn vốn vay khi có nhu cầu vay vốn sản xuất, phát triển kinh tế gia đình…

Nhờ đó, đến hết năm 2023, toàn huyện còn 565 hộ nghèo, chiếm 1,38%; 885 hộ cận nghèo, chiếm 2,16%. UBND các xã, thị trấn đều đạt và vượt chỉ tiêu phân bổ năm 2023 về mức giảm tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2022. Trong đó, các xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, tỷ lệ hộ nghèo đều dưới 1%.

Cùng với Thanh Liêm, các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Hà Nam cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch hỗ trợ công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Thực hiện công khai, minh bạch chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, từ việc xác định đối tượng hỗ trợ (hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo) đến việc phân bổ vốn và kiểm tra giám sát của các cơ quan trung ương, địa phương, cộng đồng, người dân, đặc biệt là sự giám sát, phản biện của Ủy ban Mặt trận tổ quốc các cấp.

Tập trung nguồn lực để giảm nghèo bền vững

Hà Nam là tỉnh nằm trong khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng, gồm 5 huyện, thị và thành phố Phủ Lý, với 109 xã, phường, thị trấn. Đa số dân số Hà Nam sinh sống tại các khu vực nông thôn, chiếm khoảng 81%.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Nam cho biết: Với quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình giảm nghèo, hàng năm, UBND tỉnh đã rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ban hành một số chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh như: Hỗ trợ người thuộc hộ gia đình cận nghèo 30% mức đóng bảo hiểm y tế; hỗ trợ thành viên trong hộ nghèo 300.000 đồng/nhân khẩu và 500.000 đồng/hộ cùng 10kg gạo mỗi dịp Tết Nguyên đán; hỗ trợ người trong hộ nghèo có thành viên trong hộ là người có công với cách mạng.

Với đồng bộ các nhóm giải pháp đã triển khai, tính bền vững trong công tác giảm nghèo đã được cải thiện đáng kể. Các chính sách, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của đời sống người nghèo, giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2023 trên địa bàn tỉnh giảm còn 2,11%, đạt 290% kế hoạch được giao; dự kiến đết hết năm 2024 giảm còn 1,96%, đạt 81,2% kế hoạch giao giai đoạn 2021-2025.

Song, dù tỷ lệ hộ nghèo còn ít, nhưng để tiếp tục giảm nghèo đang là bài toán không đơn giản với Hà Nam. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023, có tới 4.972 hộ nghèo không có khả năng lao động, chiếm 84% tổng số hộ nghèo. Các hộ này khó có khả năng thoát nghèo nếu không có các biện pháp hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ.

20230220130311-57oi.jpg
Mô hình trồng ổi lê của người dân.

Bên cạnh đó, hộ nghèo chưa được đầu tư bền vững, không có nền tảng nghề nghiệp vững chắc nên dù đã được thụ hưởng các chương trình, chính sách ưu đãi và được tạo điều kiện để vươn lên thoát nghèo thì vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ đã vượt qua chuẩn nghèo, nhưng thu nhập không đảm bảo trang trải cuộc sống dẫn đến dễ tái nghèo.

Để hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,56%, Hà Nam đã xác định rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách, mục tiêu về giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo. Hướng tới làm thay đổi, chuyển biến mạnh mẽ nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo, vận động Nhân dân cùng góp sức thực hiện công tác giảm nghèo.

Thực hiện tốt, có hiệu quả các Dự án trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Xây dựng mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tự quản, hộ gia đình thoát nghèo, sản xuất giỏi, làm kinh tế giỏi tiêu biểu. Xây dựng, nhân rộng các mô hình tốt, sáng kiến hay về giảm nghèo bền vững; hướng dẫn địa phương thực hiện hiệu quả Phong trào thi đua Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau...

Quan tâm triển khai các chính sách đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động thuộc hộ nghèo. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, trưởng các xóm, tổ trưởng tổ dân phố, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, các cộng tác viên giảm nghèo…

Tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn, gắn với việc hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất. Thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nhất là hộ có người khuyết tật, chủ hộ là phụ nữ; tiếp tục nhân rộng các mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nam: Khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO