Hà Nam: Cá chết trắng trên sông Châu, người dân thiệt hại

Việt Linh| 13/09/2020 16:38

(TN&MT) - Từ ngày 9/9 đến nay, trên sông Châu đoạn chảy qua địa phận các xã Đinh Xá (TP. Phủ Lý), xã Tiên Sơn (Thị xã Duy Tiên) xảy ra tình trạng ô nhiễm trầm trọng khiến cá chết nổi trắng sông, người dân nuôi cá thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Đầu tư hàng trăm triệu đồng để vây lưới, mua cá giống và thức ăn nuôi cá trên sông Châu, thế nhưng, những lồng cá chưa đến kỳ thu hoạch đã chết nổi trắng sông vì nước nguồn nước sông bị ô nhiễm nặng nề. Đây không phải là lần đầu tiên những hộ dân tại Hà Nam phải trắng tay vì tình trạng ô nhiễm tại nguồn nước lưu vực sông Nhuệ - Đáy gây ra.

Cá chết trắng trên sông Châu, người dân thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Theo người dân địa phương bắt đầu từ ngày 09/09 trên Sông Châu – đoạn chảy qua địa phận các xã Đinh Xá (T.P Phủ Lý), Tiên Sơn (Thị xã Duy Tiên) đặc biệt là đoạn chảy qua cầu Câu Tử xảy ra tình trạng ô nhiễm trầm trọng, cả dòng sông Châu nước đen kịt bốc mùi hôi thối, cá chết nổi lềnh bềnh trắng khắp mặt sông.

Bà Trần Thị Sáng – một người dân ở xã Tiên Sơn, Thị xã Duy Tiên cho biết: “Nguồn nước ô nhiễm ở trên thượng lưu chảy về khiến các lồng cá nuôi trên sông của người dân chết cả, nhiều hộ mất hết cả vốn liếng. Người dân mong sao nguồn nước sông sớm được cải thiện để làm ăn sinh sống”.

Người dân vớt cá chết trên sông.

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc vừa công bố vào ngày 20/8/2020, lưu vực sông Nhuệ - Đáy (LVS) có chất lượng nước mặt kém nhất các LVS khu vực phía Bắc.

Lưu vực sông Nhuệ - Đáy chạy qua 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hoà Bình, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Đây là LVS có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nhưng hiện nay môi trường nước lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đang trong tình trạng báo động.

Hiện trên LVS này có tới 62% số điểm quan trắc cho kết quả WQI <50 ở mức xấu đến rất xấu, trong đó 31% số điểm quan trắc cho giá trị WQI <25, nước bị ô nhiễm nặng, cần các biện pháp xử lý trong tương lai.

Trên sông Đáy, đoạn chảy qua Hà Nội và Hà Nam, phần lớn các điểm quan trắc ghi nhận môi trường nước sông ở mức kém (WQI: 26-50), nước sông chỉ có thể sử dụng được cho mục đích giao thông thủy và các mục đích tương đương khác.

Trên sông Châu Giang, chất lượng nước bị suy giảm mạnh tại điểm Đầm Tái (WQI: 18), nước sông bị ô nhiễm nặng, cần biện pháp xử lý trong tương lai (tại thời điểm quan trắc ghi nhận đoạn sông xuất hiện hiện tượng cá chết). Giá trị N-NH4+ (13,6 mg/L), cao gấp 15 lần QCVN 08-MT:2015, loại B1. Trên các sông nội thành Hà Nội, nước sông vẫn tục bị ô nhiễm nặng (WQI: 12-28), và không có dấu hiệu được cải thiện so với đợt quan trắc tháng 5/2019.

Quan trắc 185 điểm trên 5 lưu vực sông, có 15 điểm bị ô nhiễm nặng. Trong đó, lưu vực sông Nhuệ - Đáy chiếm tới 13 điểm. Đây là LVS LVS có chất lượng môi trường nước sông kém nhất trong số các LVS khu vực phía Bắc.

Chính vì thế, mỗi năm các dòng sông Nhuệ, sông Đáy, sông Châu của Hà Nam đón nhận khoảng từ 10 đến 12 đợt ô nhiễm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe và gây thiệt hại không nhỏ về sản xuất nông nghiệp.

Cũng theo thông báo về tình hình ô nhiễm nước sông Nhuệ, sông Đáy đợt 10, ngày 04/8/2020 của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường. Lúc 8h, nước thải từ Hà Nội đang đổ về sông Nhuệ, nước tại cống Nhật Tựu, cống Ba Đa –sông Nhuệ có màu đen, mùi hôi. Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường - Sở TN & MT Hà Nam đã lấy và phân tích mẫu nước tại vị trí trên, nồng độ các chất ô nhiễm cụ thể:

Tại Cống Nhật Tựu: Nồng độ Amoni là 11,3 mg/L-N, vượt 37,67 lần; ôxy hoà tan là 1,24 mg/L, nhỏ hơn 4,03 lần giới hạn cho phép theo QCVN 08- MT:2015/BTNMT cột A2 (nước dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng phải áp dụng công nghệ xử lý phù hợp).

Tại Cống Ba Đa: Nồng độ Amoni là 12,2 mg/L-N, vượt 40,67 lần; ôxy hoà tan là 1,20 mg/L, nhỏ hơn 4,17 lần giới hạn cho phép theo QCVN 08- MT:2015/BTNMT cột A2 .
Nước sông đã bị ô nhiễm báo động cấp 2 theo quy định bảo vệ môi trường của UBND tỉnh.

Theo thông báo của Trạm Quản lý công trình Nhật Tựu thì cống Nhật Tựu tiếp tục mở trong thời gian tới. Do đó nước sông Nhuệ tiếp tục bị ô nhiễm và sẽ ảnh hưởng đến sông Đáy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nam: Cá chết trắng trên sông Châu, người dân thiệt hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO