Hà Giang: Phát huy vai trò của rừng kinh tế trong giảm nghèo bền vững
(TN&MT)- Là một tỉnh miền núi phía Bắc có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp là 553.138,3 ha, chiếm gần 70 % diện tích tự nhiên của tỉnh, trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã có nhiều chính sách nhằm phát huy vai trò của phát triển rừng kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, gắn công tác bảo vệ và phát triển rừng với công tác giảm nghèo bền vững.
Phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững
Thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề, Chương trình, Kế hoạch để phát huy lợi thế về lâm nghiệp với quan điểm xuyên suốt: “Lấy quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và sức khỏe của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu. Phát triển lâm nghiệp bền vững đi đôi với trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học và từng bước nâng cao độ che phủ rừng, giá trị dịch vụ môi trường rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.”
Để triển khai hiệu quả các biện pháp bảo vệ diện tích rừng hiện có và phát huy tối đa lợi thế của rừng, tiềm năng lao động địa phương, bảo vệ rừng gắn với phát triển bền vững tài nguyên rừng, góp phần nâng độ che phủ của rừng, cải thiện đời sống người dân miền núi, xây dựng nông thôn mới… Hà Giang đã làm tốt việc giao đất, giao rừng, khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng, qua đó giúp tăng thu nhập cho người dân sống ven rừng.
Tỉnh Hà Giang cũng có biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đặc biệt là chính sách về vay vốn ưu đãi, giao đất, giao rừng cho tổ chức, cá nhân; rà soát, kiên quyết thu hồi những diện tích lâm nghiệp, rừng đã được giao nhưng chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích để giao cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu và năng lực phát triển rừng. Cùng với đó, xây dựng tập đoàn cây giống phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng, miền đảm bảo rừng trồng sinh trưởng, phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao.
Nhằm phát huy lợi thế từ rừng, tỉnh đã có định hướng phát triển kinh tế rừng theo phương châm gắn trồng rừng với phát triển công nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao để trồng rừng thâm canh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, các loại rừng này được trồng bằng những giống có năng suất, hiệu quả kinh tế, trồng tập trung theo từng vùng sinh thái với mức đầu tư thâm canh cao cả về vốn, lao động, khoa học kỹ thuật, đảm bảo đạt năng suất tối thiểu 14m3/ha/năm để trong vòng từ 6 – 8 năm có khả năng cung cấp tối thiểu 50 – 60 vạn mét khối gỗ/năm.
Không những vậy, thực hiện Kế hoạch 85 về đột phá trồng rừng kinh tế theo chính sách của HĐND tỉnh Hà Giang, ngành Lâm nghiệp tỉnh đã có bước phát triển đột phá về thâm canh trồng rừng kinh tế sử dụng cây giống tốt, phát triển kinh tế rừng trồng với tư duy mới, đưa nghề rừng trở thành nghề chính trong khu vực có tiềm năng. Đối với các huyện vùng cao chủ yếu trồng cây Sa mộc, Thông, Tống quá sủ, Lát; đối với huyện vùng thấp tập trung trồng rừng kinh tế với các loại cây như Keo, Quế, Hồi, Xoan, Mỡ, Bồ Đề...
Trên cơ sở này, nhiều dự án được thực hiện, góp phần tạo đột phá trong sản xuất lâm nghiệp như: Trồng rừng kinh tế công nghệ cao và thiết lập mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất lâm nghiệp gắn với bảo vệ môi trường tại huyện Quang Bình và Xín Mần; ươm tạo, trồng cây dược liệu Sâm dây Ngọc Linh dưới tán rừng huyện Vị Xuyên; liên kết trồng, chế biến và tiêu thụ gỗ trên địa bàn huyện Quang Bình...
Song song với công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; ngành công nghiệp chế biến gỗ của Hà Giang từng bước chuyển dịch từ quy mô nhỏ mang tính truyền thống sang hướng sản xuất hàng hóa được định hướng đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước; ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, đầu tư về máy móc hỗ trợ sản xuất nên nhiều sản phẩm chế biến từ gỗ đạt chất lượng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 190 cơ sở chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tập trung nhiều nhất tại huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Các sản phẩm chủ yếu gồm: Ván ép, viên gỗ nén, gỗ bóc, gỗ mộc gia dụng... Giai đoạn 2018 – 2022, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng lâm sản (chủ yếu là ván bóc) đạt hơn 30,4 triệu USD.
Nhờ đẩy mạnh phát triển các loại rừng kinh tế đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân từ các sản phẩm của rừng như các loại gỗ, các loại mặt hàng mây tre đan… Bên cạnh đó, cũng nhờ đẩy mạnh công tác trồng rừng đã góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc; nâng cao độ che phủ của rừng; hạn chế lũ quét, chống xói mòn và rửa trôi đất canh tác… Từ đó, tỉnh Hà Giang đã xác định phát triển công tác trồng rừng là một chiến lược trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội lâu dài, đó cũng chính là cơ sở để phát triển rừng kinh tế một cách hiệu quả và bền vững.
Nâng cao giá trị kinh tế rừng
Với quan điểm: “Lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu”, “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, tỉnh Hà Giang tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện đồng bộ các giải pháp trong phát triển lâm nghiệp bền vững nhằm mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: Nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 60%; nâng tổng diện tích rừng được cấp Chứng chỉ FSC lên 15.600 ha; phấn đấu năng suất rừng trồng bình quân đạt 80 – 120 m3/ha/chu kỳ 7 năm; giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 20% trong cơ cấu giá trị của nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Để đẩy nhanh quá trình phát triển diện tích rừng kinh tế, nâng cao độ che phủ của rừng, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng cần đẩy nhanh quá trình giao rừng và đất rừng cho các tổ chức và hộ gia đình quản lý lâu dài để có điều kiện đầu tư và đẩy nhanh công tác trồng rừng.
Ngoài ra, cần gắn trách nhiệm của cơ quan chức năng trong công tác tư vấn, hỗ trợ các hộ gia đình và các tổ chức trong quá trình lựa chọn các loại cây rừng phù hợp với từng vùng sinh thái. Cần có chính sách phù hợp để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, khai thác, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ rừng kinh tế trên địa bàn của tỉnh.
Bên cạnh đó, trước khi giao rừng và đất rừng cho các tổ chức và cá nhân quản lý cần phải rà soát những chủ hộ và doanh nghiệp phải có đủ các điều kiện để đầu tư, bảo vệ, quản lý và chăm sóc các loại rừng trồng. Đây chính là một trong các yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả của các loại rừng kinh tế trên địa bàn của tỉnh.