Theo thống kê, mỗi năm trung bình thiên tai làm trên 400 người chết, mất tích; thiệt hại vật chất khoảng 1-1,5% GDP; ảnh hưởng nặng nề đến môi trường, điều kiện sống cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội, đồng thời tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Đặc biệt, năm 2020 đã xảy ra 16 loại hình/576 đợt, trận thiên tai, trong đó: 14 cơn bão trên biển Đông; 265 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh/TP; 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6-22/10 tại khu vực Trung Bộ, nhất là tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế; 90 trận động đất; Hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long…
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Tổng cục PCTT |
Thiên tai năm 2020 diễn ra khốc liệt, dị thường trên khắp các vùng miền trong cả nước; đã xảy ra 576 trận thiên tai, trong đó gồm có: 14 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa đá bất thường, trên diện rộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ; 132 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất xảy ra với mức độ nghiêm trọng; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long,… Thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, 912 người bị thương, ước thiệt hại về kinh tế trên 40.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong bối cảnh kinh tế - xã hội đất nước hết sức khó khăn (dịch bệnh và thiên tai khốc liệt), nhưng với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đặc biệt sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động có hiệu quả trong công tác chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở, sự chủ động sáng tạo khắc phục khó khăn của người dân và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên đã giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Tại Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, Ban Bí thư yêu cầu thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đặc biệt là công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Từ năm 2019-2020, thực hiện Nghị quyếtsố 78/2019/QH14 của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2020,Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Chính phủ giao tổ chức xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều số 60/2020/QH14. Đây là dự án Luật được xã hội quan tâm, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình, thống nhất thông qua với tỷ lệ 92,34%.
Thực hiện Quyết định số 1109/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 160/2018/NĐ-CP và Nghị định về thành lập và quản lý Quỹ phòng chống thiên tai.
Đến nay, dự thảo của 2 Nghị định đã được xây dựng và đăng trên Cổng Thông tin Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục PCTT và gửi đến 63 tỉnh, thành trên cả nước và các cơ quan Bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội lấy ý kiến.