Góp ý Dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng

19/05/2017 00:00

(TN&MT) - Ngày 19/5, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức cuộc họp rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng.

Tham dự cuộc họp có các thành viên tổ soạn thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng và đại diện một số cơ quan liên quan như Văn phòng Chính phủ; Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Công thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Tập đoàn điện lực Việt Nam; cùng đại diện các Nhà máy thủy điện: Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Chát, Huội Quảng.

Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy phát biểu tại cuộc họp
Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy cho biết, Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 17/9/2015, trong đó tại Điều 30 đã quy định thời hạn áp dụng quy trình này đến ngày 14/6/2017. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, điều chỉnh các quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng; trên cơ sở thực tế vận hành các hồ chứa theo quy định của Quy trình và căn cứ các kết quả đánh giá và ý kiến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai trong đó có lưu vực sông Hồng,  Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức cuộc họp này của Tổ soạn thảo nhằm lấy ý kiến góp ý về dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng.

Trình bày dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho hay: Dự thảo đã tổng hợp đề xuất sửa đổi, bổ sung 15 nội dung thuộc các Điều, khoản quy định tại Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng ban hành kèm theo Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 17/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Toàn cảnh cuộc họp
Toàn cảnh cuộc họp

Theo đó, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung nội dung “yêu cầu về phòng, chống lũ và yêu cầu về cấp nước cho hạ du trong mùa cạn” vào Điều 6; Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 11 như sau: “3. Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai có thể xem xét, quyết định sử dụng một phần dung tích từ mực nước dâng bình thường đến mực nước lớn nhất thiết kế của các hồ Lai Châu, Bản Chát và Huội Quảng để tham gia chống lũ cho hạ du khi xuất hiện một trong các tình huống sau: a, có thể xảy ra rủi ro thiên tai từ cấp độ 3 trở lên; b, các hồ Sơn La, Hòa Bình đã đạt đến mực nước dâng bình thường; c, các tình huống khác mà có thể đe dọa đến an toàn công trình của hồ Sơn La, Hòa Bình hoặc an toàn đến hạ du.” 

Bên cạnh đó, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung một số nội dung bao gồm: Khoản 1 Điều 9; Điều 13; điểm d khoản 2 Điều 17; điểm c khoản 3 Điểu 17; khoản 2 Điều 19; điểm c khoản 1 Điều 21; điểm b khoản 2 Điều 21; điểm đ khoản 5 Điều 25; điểm e khoản 5 Điều 25; khoản 6 Điều 25; điểm b khoản 1 Điều 29; điểm a,b khoản 2 Điều 29; Điều 30.

Góp ý tại cuộc họp, đại diện Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai  đề nghị Tổ soạn thảo cần xem xét làm rõ các khái niệm “Xác định như thế nào là lũ lớn?”, “thời kỳ lũ lớn?”;… Đại biểu cũng đề nghị làm rõ thế nào là “tình huống bất thường?”, đồng thời, cần xác định các tình huống bất thường có thể xảy ra và phương án, kịch bản để giải quyết các tỉnh huống bất thường trong quá trình thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa. Bên cạnh đó, đại diện Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai cũng đề nghị cần bổ sung một nội dung nhằm quy định về những yêu cầu để đảm bảo vận hành công trình đúng theo thiết kế.

Tại cuộc họp, đại diện các nhà máy máy thủy điện: Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang cũng đã đóng góp các ý kiến trên cơ sở vận hành thực tế tại các hồ sau 02 năm triển khai thực hiện quy trình theo Quyết định số 1622/QĐ-TTg. Đại diện nhà máy thủy điện Sơn La cũng đề nghị Tổ soạn thảo nên tính toán, xem xét sửa đổi khoản 1, Điều 9 về cao trình mực nước cao nhất trước lũ các hồ trong thời kỳ lũ chính vụ đối với hồ thủy điện Sơn La là 197,5m (thay vì 197,3m hay 194m như 2 phương án đề xuất trong dự thảo) nhằm đảm bảo sử dụng tài nguyên nước hiệu quả và hữu ích. Đại diện nhà máy thủy điện Hòa Bình cũng đề xuất Tổ soạn thảo cần xem xét trong trường hợp dự báo lũ kết thúc sớm hơn thì cho phép nhà máy được tích nước sớm hơn do thực tế trong thời gian qua, việc tích nước cuối mùa lũ của nhà máy là rất khó khăn do lưu lượng nước về hồ thấp;…

Tại cuộc họp, một số các ý kiến thắc mắc liên quan cũng đã được Tổ soạn thảo giải trình, tiếp thu và bổ sung trong dự thảo.

Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy đánh giá cao các ý kiến góp ý của các đại điểu tại cuộc họp. “Trên cơ sở các ý kiến góp ý tại cuộc họp, Tổ soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến và hoàn thiện dự thảo, báo cáo Lãnh đạo Bộ và gửi lấy ý kiến các bộ, ngành và các đơn vị liên quan trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành” - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy nói.

Thanh Tâm – Minh Trang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp ý Dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO