Góc nhìn chuyên gia xung quanh chuyện “giá nước sinh hoạt”

Tuyết Chinh| 28/11/2019 13:28

(TN&MT) - Tại  Tọa đàm về giá nước sinh hoạt do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức hôm nay (28/11), tại Hà Nội, các chuyên gia ngành nước đã trao đổi và làm rõ thêm nhiều vấn đề mà dư luận đang quan tâm về phương pháp định giá nước sinh hoạt,  thực trạng giá nước, thẩm quyền lập, thẩm định và phê duyệt giá nước sinh hoạt...

Tọa đàm mang đến cái nhìn rõ hơn, khách quan hơn về các vấn đề liên quan đến giá nước sinh hoạt; các đơn vị sản xuất và cung cấp nước sạch thấu hiểu hơn những lo lắng của người tiêu thụ để tiếp tục phát huy và nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân;

Các đại biểu tham dự Tọa đàm về giá nước sinh hoạt

Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước như: Bộ Xây dựng, Bộ tài chính, Chính quyền địa phương, các Bộ ban ngành có liên quan sẽ quan tâm hơn nữa tới lĩnh vực cấp nước; qua đó thúc đẩy, hỗ trợ tối đa cho sự phát triển của ngành nước tại Việt Nam.

Đã có hành lang pháp lý về giá nước

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam khẳng định, nước sạch và cung cấp nước sạch đảm bảo an toàn đến người dân đang được xã hội quan tâm, trong đó, giá nước sạch được người dân quan tâm đặc biệt.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, hiện nay đã có các văn bản quy định pháp luật liên quan đến giá nước sinh hoạt từ Luật, Nghị định, Thông tư quy định chi tiết, cụ thể về căn cứ, nguyên tắc tính giá và phương pháp tính từng hạng mục, quy trình tính giá...

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam phát biểu khai mạc Tọa đàm

Trong đó, Nghị định 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch quy định, hoạt động cấp nước là hoạt động sản xuất kinh doanh chịu sự kiểm soát của nhà nước. Chương 5 của Nghị định này cũng quy định rõ nguyên tắc cơ bản tính giá nước là “tính đúng, tính đủ” và nằm trong khung được Nhà nước ban hành.

Cùng với đó, Thông tư số 75 năm 2012 liên Bộ Tài Chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn đã hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn.

Vì sao một địa bàn, hai, ba giá nước?

Chia sẻ về việc áp dụng, vận dụng các quy định về giá nước sinh hoạt tại mỗi địa phương hiện nay, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, về mặt pháp lý, quy định pháp luật về định giá bao gồm Nghị định 117 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung ứng nước sạch, Văn bản thông tư liên tịch số 75 năm 2012 liên Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đi kèm có Thông tư 88 của Bộ Tài chính đã quy định rất chi tiết cụ thể về căn cứ cụ thể, phương pháp tính giá, quy trình phân cấp định giá…

Ông Thỏa đánh giá, tính đến nay đánh giá các Thông tư còn khá phù hợp, tuy nhiên trong thời gian tới sẽ phải có những chỉnh sửa để phù hợp với tình hình thực tế.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) chia sẻ tại buổi Tọa đàm

Theo ông Thỏa, trên thực tế, hầu hết địa phương về cơ bản chấp hành nghiêm túc các văn bản hướng dẫn về định giá. Theo Thông tư số 75, quy định giá cụ thể, hàng năm có biến động có hóa đơn chứng từ cụ thể để điều chỉnh giá, tuy nhiên có những địa phương tính toán, định giá nước theo lộ trình, việc này áp dụng nghị định 117 năm 2007.

Về các mức giá, đại đa số tính giá bù đắp được chi phí sản xuất và có lợi nhuận, tối thiểu 5%. Nhưng không phải 100% các địa phương giá nước đều đảm bảo, còn có các địa phương có giá chưa bù đắp được chi phí sản xuất.

Về mặt tồn tại, ông Thỏa cho rằng, quy định của nhà nước rất linh hoạt đảm bảo giá phù hợp với biến động. Mặc dù vậy, việc thẩm định phương án giá trình UBND tỉnh ít nhất là 6 tháng, thời gian duyệt dự án rất lâu, cẩn thận là đúng nhưng không đến mức như vậy, sẽ làm giảm các cơ hội của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hầu như chúng ta chưa có tuyên truyền về các văn bản tính giá, khiến người dân chưa hiểu được cơ sở để tính giá, chi phí để hình thành giá tạo nên tranh cãi trong dư luận.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Lý giải nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc trong một tỉnh lại có giá nước khác nhau, ông Thỏa chỉ rõ, trước hết, đầu vào sản xuất ra nước sạch hiện nay cơ bản có 2 nguồn là nước ngầm và nước mặt. Đầu vào nước ngầm và nước mặt khác nhau kéo theo chi phí xử lý khác nhau.

Trong khi đó, phương án giá nước lại căn cứ vào điều kiện thực tế cụ thể của cơ cấu nguồn vốn. Hơn nữa, quy định về khấu hao tài sản cũng là khoản chi phí hình thành nên giá, tài sản đã hết khấu hao nhưng vẫn dùng được vào sản xuất vẫn sử dụng nhưng không tính vào giá.

Như vậy, ngay ba yếu tố trên đã tạo nên các mức giá khác nhau. Ông Thỏa cho rằng, so sánh về giá phải đồng nhau về các tiêu chí, giá nước bán lẻ không thể so với giá bình quân.

Cần hài hòa lợi ích 3 bên

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Đăng Quý, Chủ tịch Công ty Cổ phần cấp nước Nam Định chia sẻ, hiện nay ngành nước đã cổ phần hóa. Nếu như trước đây trong vai trò là công ty TNHH MTV mục tiêu hoạt động chỉ cần bảo toàn vốn không làm thất thoát vốn của nhà nước, có thể không cần có lợi nhuận; thì hiện nay doanh nghiệp đã cổ phần hóa trở thành công ty tư nhân.

“Lúc này, chúng tôi cần tối đa hóa lợi nhuận, vay vốn đầu tư cần trả lãi ngân hàng, trả cổ tức hàng năm cho các cổ đông”, ông Qúy nói.

Ông Trần Đăng Quý, Chủ tịch Công ty Cổ phần cấp nước Nam Định chia sẻ tại buổi Tọa đàm

Trong bối cảnh mới, doanh nghiệp cấp nước gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn như, hiện doanh nghiệp cấp nước nếu lấy nước sông Đáy hiện ô nhiễm không thể xử lý, cần thay đổi nguồn nước, trong đó chi phí đường ống lớn, “nếu đường ống 40km giá phải 20.000 đồng mới có lãi”.

Trước thực tế này, ông Thỏa cho rằng, cần có cơ chế, chính sách phù hợp hơn để hài hòa lợi ích giữa 3 bên, doanh nghiệp, nhà nước và người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góc nhìn chuyên gia xung quanh chuyện “giá nước sinh hoạt”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO