Tôi có một nỗi sợ hãi vô hình nghe có vẻ mơ hồ và rất buồn cười: Sợ xả nước to, nhiều, sợ những đống rác thải và không biết đổ ở đâu, xử lý như thế nào… Sợ một ngày chúng ta không còn nước sạch để sử dụng, không còn đất để ở, và con cháu lớn lên trong môi trường ô nhiễm…
Khi nhận ra những lo ngại trên, khoảng gần 2 năm nay, tôi đã hạn chế sử dụng túi nilon và thực hiện phân loại rác trong gia đình mình.
Mỗi lần đi chợ, đi mua đồ, tôi mang theo hộp và túi vải để hạn chế sử dụng túi nilon (trừ những khi nào lỡ và rất hiếm khi như thế). Nếu dùng túi nilon thì túi này mang về sẽ được tận dụng lại làm bịch đựng rác. Thực phẩm đựng trong hộp và túi vải cũng cảm giác “lành” hơn so với đựng trong túi nilon. Với việc đi chợ này, rác của gia đình giảm đi rất nhiều, cơ bản chỉ là những loại rác hữu cơ dễ phân hủy (cọng rau, vỏ trái cây).
Ý nghĩ đi chợ không dùng túi nilon xuất phát từ việc tôi nhìn góc bếp của mình có rất nhiều túi nilon thải bỏ. Mỗi hôm đi chợ về có đến 5, 6 chiếc túi nilon và tăng lên mỗi ngày. Tôi đã tìm mua túi vải và hộp đi chợ. Cứ tưởng sẽ hơi khó khăn nhưng với thói quen đi chợ hạn chế túi nilon, việc mua bán với tôi lại vô cùng thoải mái, những người bán hàng cho tôi cũng rất thích thú ủng hộ. Các thành viên trong gia đình thấy thế cũng nhiệt tình hưởng ứng, mang hộp, bát đĩa đi mua đồ ăn sáng, xách theo túi vải đi mua hàng tạp hóa… Hóa ra, hạn chế túi nilon thật đơn giản và không có khó như chúng ta vẫn nghĩ đâu. Không tin mọi người cứ thực hiện thử xem.
Rồi tôi phân loại thật chi tiết các loại rác trong gia đình và tặng cho các bà các cô thu mua đồng nát. Tôi cũng rất ủng hộ các sản phẩm tự nhiên, hữu cơ. Các sản phẩm này chi phí có hơi cao một chút nhưng tôi cảm thấy khi sử dụng giá trị đem lại cũng tương xứng, và cũng rất phù hợp.
Tôi mong mỗi chúng ta cùng nhau xây dựng thói quen tốt để những góc bếp xanh lan rộng ra toàn xã hội.