Ông Nguyễn Tiến Dương, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Sơn La: Đề xuất sớm xây dựng hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu quản lý đất đai
Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Sơn La, chính thức đi vào hoạt động theo mô hình 1 cấp từ ngày 1/5/2016, gồm 3 phòng chuyên môn và 12 Chi nhánh tại 12 huyện, thành phố. Khắc phục những khó khăn của tỉnh miền núi, địa hình hiểm trở, sau 4 năm đi vào hoạt động, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Sơn La đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Ông Nguyễn Tiến Dương |
Việc đưa Văn phòng về hoạt động theo mô hình một cấp đã tạo sự xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành về chuyên môn, nghiệp vụ. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đất đai được cắt giảm tối thiểu 30% so với quy định. Văn phòng đã chủ động tham mưu cho Sở TN&MT trong lĩnh vực đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, chỉnh lý biến động, đăng ký thế chấp, xóa thế chấp, thống kê đất đai… góp phần đưa công tác quản lý đất đai đi vào nề nếp, hạn chế tiêu cực trong quản lý, sử dụng đất.
Ngay trong 6 tháng đầu năm 2020, Văn phòng đã tiếp nhận và giải quyết xong 160 hồ sơ của các tổ chức. Với hồ sơ các hộ gia đình, cá nhân, đã tiếp nhận hơn 4.100 hồ sơ; đã ký cấp GCN cho 2.891 Giấy, trả lại để hoàn thiện bổ sung 855 hồ sơ, đang giải quyết 395 hồ sơ. Triển khai thực hiện Dự án kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 tại 3 huyện Bắc Yên, Quỳnh Nhai, Vân Hồ; tổng hợp kiểm kê đất đai cấp tỉnh; đang triển khai Dự án hoàn thiện hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai (VILG) huyện Phù Yên và Yên Châu.
Khó khăn vướng mắc lớn hiện nay với Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Sơn La là tỉnh chưa có bản đồ địa chính hoàn chỉnh, chưa xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý đất đai toàn tỉnh (hiện mới xây dựng tại huyện Mường La, đang tiếp tục triển khai tại huyện Mai Sơn, thành phố Sơn La và thực hiện hoàn thiện hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai (VILG) huyện Phù Yên và Yên Châu). Tại một số huyện có vị trí xa như Sông Mã, Sốp Cộp, Bắc Yên, Phù Yên, Mộc Châu, Vân Hồ, việc luân chuyển hồ sơ đang thực hiện qua chuyển phát nhanh, gia tăng chi phí và thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
Ông Hồ Huy Thành - Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh: Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,67%
Được thành lập tại Quyết định số 3544/QĐ-UBND, ngày 23/11/2018 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, trên cơ sở Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện. Sau hơn một năm hoạt động kể từ tháng 5/2019, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Tĩnh đã tổ chức kiện toàn, giảm chi nhánh cấp huyện từ 12 xuống còn 7 Chi nhánh.
Đến nay, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Tĩnh đã tiếp nhận và giải quyết 49.165 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ đúng hạn đạt 99,67%. Không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, đơn vị thiết lập hệ thống tiếp nhận thông tin phản ánh về thái độ phục vụ của viên chức, người lao động và những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính tại các địa phương thông qua các kênh thông tin. Nhờ vậy, kết quả phản ánh của tổ chức, công dân đã được giải quyết kịp thời, bước đầu tạo được niền tin mạnh mẽ.
Ông Hồ Huy Thành |
Có thể thấy rõ những hiệu quả của Văn phòng Đăng ký đất đai đối với công tác quản lý đất đai trên địa bàn: Thủ tục hành chính cho người dân được giải quyết kịp thời, kiểm soát chặt chẽ, càng ngày có tính chuyên nghiệp cao; thông qua việc thực hiện thủ tục hành chính đã kiểm soát việc cấp Giấy chứng nhận lần đầu tại các huyện, thành phố, thị xã; gắn việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân với kiểm soát, cập nhật biến động đất đai trên bản đồ và hồ sơ địa chính. Đây là nhiệm vụ từ trước đến nay chưa thực hiện được.
Với sự quan tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp mà trực tiếp là lãnh đạo Sở TN&MT, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, bước đầu Văn phòng Đăng ký đất đai đã đạt được những kết quả nhất định. Bên cạnh được đầu tư kinh phí cải tạo trụ sở, mua sắm trang thiết bị nhằm tạo điều kiện cho đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, có thể thấy rõ thái độ làm việc của viên chức, người lao động trong toàn đơn vị thống nhất, không ngại khó khăn.
Tuy vậy, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Tĩnh cũng đang gặp phải không ít khó khăn, cần sớm được tháo gỡ. Đó là, công tác phối hợp giải quyết tại một số địa phương còn có vướng mắc; còn một bộ phận viên chức, người lao động chưa thay đổi về nhận thức “phục vụ tổ chức, công dân” là trách nhiệm của mình…
Xác định cải cách hành chính là khâu đột phá, trong thời gian tới Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Tĩnh tiếp tục kiện toàn, ổn định tổ chức; tham mưu đề xuất UBND tỉnh cơ chế tài chính để Văn phòng chuyển sang hoạt động tự chủ về tài chính; tập trung chỉ đạo quyết liệt đối với công tác cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thi hành công vụ của cán bộ, đảng viên và người lao động; kiên quyết xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có dấu hiệu vi phạm; tăng cường công tác truyền thông, tập trung hướng tới việc phục vụ tốt nhất cho người dân; công khai quy trình thực hiện và giá dịch vụ cho người dân biết để giám sát.
Văn phòng Đăng ký đất đai tạo bước đột phá trong cải cách hành chính lĩnh vực TN&MT ở Hà Tĩnh |
Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ: Tiếp tục thực hiện tốt các thủ tục hành chính về đất đai
Trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của UBND TP. Cần Thơ, sự nỗ lực của Sở TN&MT, UBND quận, huyện tạo điều kiện thuận lợi cho Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) và các Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả.
Cụ thể, tỷ lệ trả kết quả đúng hẹn cho người dân ngày càng cao, các hồ sơ đo đạc được giải quyết đáp ứng yêu cầu của người dân; công tác kiểm tra định kỳ về tiếp nhận và trả kết quả được thực hiện thường xuyên, kịp thời khắc phục tình trạng hướng dẫn hồ sơ nhiều lần gây khó khăn, tốn kém thời gian của người dân; hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được kiểm tra chặt chẽ về tính pháp lý, quản lý tốt việc biến động đất đai, nhất là việc tách thửa đất, sử dụng đất không đúng mục đích hoặc phân lô nền đất nông nghiệp không đúng quy định.
Ông Nguyễn Chí Kiên |
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Văn phòng ĐKĐĐ và các Chi nhánh cũng gặp những khó khăn như việc tiếp nhận thay cho Phòng TN&MT tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các loại hồ sơ, chuyển mục đích sử dụng đất phải xin phép đăng ký lần đầu, đăng ký biến động tăng giảm diện tích làm cho Văn phòng ĐKĐĐ không kiểm soát được thời gian xử lý cũng như quy trình ISO của Phòng TN&MT, UBND cấp huyện dẫn đến tình trạng hồ sơ trả kết quả không đúng hẹn hoặc hẹn lại nhiều lần.
Cạnh đó, trụ sở làm việc của Văn phòng và các Chi nhánh hiện tại chật hẹp; bản đồ giấy hiện nay đã cũ, rách không còn đáp ứng được công tác cập nhật dữ liệu; việc giải quyết hồ sơ trên phần mềm một cửa điện tử còn gặp nhiều khó khăn do phần mềm mới đưa vào sử dụng nên công tác luân chuyển hồ sơ trên hệ thống còn sai sót và không đúng quy trình thủ tục hành chính.
Thời gian tới, Văn phòng ĐKĐĐ TP. Cần Thơ và các Chi nhánh tiếp tục thực hiện tốt các thủ tục hành chính về đất đai theo các quy định pháp luật; đồng thời, Văn phòng ĐKĐĐ phối hợp giải quyết các loại hồ sơ đăng ký về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đảm bảo thời gian trả kết quả theo quy định; lập phiếu chuyển thông tin địa chính kịp thời cho cơ quan thuế xác định nghĩa vụ tài chính theo quy định; đẩy mạnh tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện cải cách hành chính lĩnh vực đất đai; tập huấn phần mềm một cửa điện tử để tránh bị tắc nghẽn trong luân chuyển hồ sơ đất đai.