Những “nút thắt”
Theo số liệu thống kê, hiện mạng lưới cấp nước đã bảo đảm khả năng đấu nối, cấp nước cho khoảng 2.237.008 người, tương đương 52% số dân nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch. Nước sạch đã làm đổi thay đời sống của nhiều vùng nông thôn Thủ đô, đặc biệt là ở những vùng thường xuyên bị thiếu nước sinh hoạt như các xã: Phùng Xá, Chàng Sơn (huyện Thạch Thất); Ngọc Mỹ (Quốc Oai); Trường Yên (Chương Mỹ)... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vùng nông thôn, người dân chưa được sử dụng nước sạch hoặc đã cấp nước sạch nhưng vì nhiều lý do nên người dân chưa dùng.
Theo Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên nhân khiến người dân nông thôn được sử dụng nước sạch thấp chủ yếu do một số dự án chậm triển khai. Đặc biệt là các dự án đầu tư phát triển nguồn, các dự án phát triển mạng lưới tại những khu vực sử dụng nguồn từ các nhà máy nước tập trung chuẩn bị hoàn thành; một số dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu tư vấn.
Bên cạnh đó, việc đầu tư các tuyến đường theo quy hoạch chưa đồng bộ; tiến độ thực hiện các dự án phát triển mạng lưới cấp nước khi thi công gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, trong di chuyển các công trình ngầm, nổi…
Mặt khác, các nhà đầu tư công trình nước sạch cũng gặp khó khăn riêng. Theo Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Ba Vì Nguyễn Thế Khánh, đầu tư dự án nước sạch nông thôn thu hồi vốn rất chậm do nhu cầu sử dụng của người dân thấp. Trong khi đó, suất đầu tư nước sạch nông thôn lớn hơn nhiều so với thành thị do các hộ dân sống cách xa nhau, đường ống dài...
Ngoài ra, ở một số địa phương, số người dân đăng ký lắp đặt đồng hồ sử dụng nước rất thấp; với hộ đã lắp đặt đồng hồ nhưng lại sử dụng nước rất ít. Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thạch Thất Phí Đình Phùng cho biết, đến nay, 10 xã làng nghề của huyện Thạch Thất bị ô nhiễm nguồn nước đã được đầu tư xây dựng đường ống nước. Tuy nhiên, chỉ một số xã có cụm công nghiệp làng nghề như: Phùng Xá, Bình Phú, Thạch Xá, Chàng Sơn… tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt hơn 90%; còn lại những xã như: Hương Ngải, Cần Kiệm, thị trấn Liên Quan… đời sống người dân còn khó khăn nên rất hạn chế sử dụng nước sạch.
Cùng nỗi băn khoăn, Phó Trưởng Phòng quản lý đô thị huyện Ba Vì Nguyễn Đức Hiếu cũng cho hay, huyện đang phối hợp với các doanh nghiệp nỗ lực đưa nước sạch đến vùng khó khăn. Tuy nhiên, do thu nhập còn thấp nên người dân sử dụng nước sạch rất ít. Đơn cử, xã Phú Đông đã lắp đặt 1.150 đồng hồ, nhưng chỉ khoảng 50% số hộ sử dụng...
Cải thiện điều kiện cấp nước
Theo ông Nguyễn Thế Khánh, với những khó khăn đang hiện hữu trong đầu tư dự án nước sạch nông thôn, các doanh nghiệp mong muốn thành phố có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi. Còn đại diện Công ty TNHH Một thành viên Nước sạch Hà Đông đề nghị các địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về sử dụng nước sạch.
Với các dự án nước sạch Công ty đang được giao, đề nghị UBND thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội chấp thuận thành lập Công ty liên danh giữa Công ty Nước sạch Hà Đông và Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà cho dự án xây dựng mạng lưới cấp nước sạch liên xã: Bình Minh - Thanh Cao (huyện Thanh Oai) và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng trạm cấp nước hồ Quan Sơn (huyện Mỹ Đức), bảo đảm tiến độ cấp nước sạch cho người dân theo chỉ đạo của thành phố.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, đến nay, thành phố đã chấp thuận chủ trương cho 23 nhà đầu tư thực hiện 34 dự án với phạm vi cấp nước cho 267 xã (614.347 hộ, tương ứng 2.483.389 người dân). Dự kiến, khi các dự án hoàn thành, sẽ nâng tỷ lệ cấp nước sạch cho khu vực nông thôn đạt 88%. Ngoài các nguồn nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, một số khu vực nông thôn còn được cung cấp nước sạch từ các trạm cấp nước cục bộ, quy mô nhỏ.
Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, từ tháng 6-2016 đến nay, TP Hà Nội đã tổ chức hơn 20 cuộc họp chỉ đạo về nước sạch và kêu gọi xã hội hóa đầu tư phát triển nguồn, phát triển mạng lưới đường ống cấp nước, phấn đấu 100% khu vực nông thôn được đầu tư hệ thống nước sạch vào năm 2020.
TP Hà Nội chỉ đạo các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy nước, các mạng truyền dẫn kết nối với khu vực nông thôn đã được thành phố giao thực hiện. Đối với khu vực không có nhà đầu tư, chủ trương của thành phố sử dụng công nghệ xử lý nước ngầm theo mô hình cấp nước cục bộ, cấp nước cụm hộ.
Thành phố cũng yêu cầu các công ty cấp nước theo địa bàn được giao quản lý, cần nghiên cứu đầu tư nâng cấp cải tạo mạng lưới, khảo sát, đề xuất giải pháp lắp đặt bổ sung thiết bị, nâng cấp các trạm cấp nước hiện có, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn nước uống...