Giữ vững nền tảng, nâng hiệu quả quản lý về môi trường

Hoàng Ngân. Ảnh: Khương Trung| 30/12/2022 21:53

(TN&MT) - Ngày 30/12, tại trụ sở Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022. Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

small_ttr-nhan-trung-canh.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Lãnh đạo Tổng cục Môi trường chủ trì Hội nghị

Kết nối chặt chẽ 3 đơn vị quản lý môi trường

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân biểu dương những thành quả to lớn của lĩnh vực môi trường thời gian qua và nhấn mạnh, các đơn vị quản lý ngành cần tiếp tục giữ vững nền tảng này và tiếp tục nâng cao chất lượng, tăng cường quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhận định, công tác bảo vệ môi trường đã có những tiến độ rõ rệt thông qua các số liệu ấn tượng. Lĩnh vực môi trường là một trong số ít các lĩnh vực của Bộ có 2 đạo luật quan trọng, nhiều văn bản dưới luật và hàng chục quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ và đồng bộ cho công tác quản lý. Đặc biệt đây là lĩnh vực duy nhất của Bộ có được nguồn chi ngân sách riêng, là nguồn lực tài chính quan trọng góp phần tạo sự chuyển biến rõ rệt cho công tác quản lý Nhà nước về môi trường ở Trung ương và địa phương.

Điều này bắt nguồn từ những thành quả lao động sáng tạo của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Tổng cục Môi trường trong suốt 14 năm hình thành và phát triển – những người đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua các khó khăn, thách thức, hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển ngành tài nguyên và môi trường nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.

small_ttr-vo-tuan-nhan.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội nghị

Thực hiện chức năng nhiệm vụ mới theo Nghị định 68/NĐ-CP, Tổng cục Môi trường đã tinh giản các đầu mối. Từ năm 2023, sẽ có 3 đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về môi trường gồm: Vụ Môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, trong giai đoạn sắp tới, Thứ trưởng đề nghị 3 đơn vị cần phối hợp chặt chẽ, nỗ lực, cố gắng, phát huy các kết quả đạt được trong những năm qua để nối tiếp sự phát triển đó.

Thứ trưởng đề nghị lãnh đạo các đơn vị coi trọng công tác tổ chức cán bộ và đào tạo để xây dựng cho được đội ngũ giỏi về chuyên môn, vững vàng về chính trị, trong sáng về đạo đức, lối sống, tâm huyết với công việc để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp 4.0, kỷ nguyên mà hoạt động hội nhập quốc tế, hợp tác vẫn được coi trọng.

Nhiều chỉ tiêu về môi trường đạt kết quả tích cực

Theo báo cáo tổng kết năm 2022 của Tổng cục Môi trường, năm vừa qua, Tổng cục đã tập trung toàn lực, phát huy sức mạnh tập thể để chủ động ứng phó, giải quyết một cách bài bản, khoa học với tinh thần trách nhiệm cao, tạo sự chuyển biến thực chất trong công tác chỉ đạo, điều hành. Qua đó, nhiều chỉ tiêu, mục tiêu về môi trường trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong Chương trình công tác năm 2022 của Tổng cục đều đạt và vượt mức đã đề ra.

Một số kết quả nổi bật đó là: Hoàn thành, giải quyết khối lượng lớn các văn bản, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ giao. Đã xử lý 39/39 văn bản được giao có thời hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (chiếm tỷ lệ 100%); 35 nhiệm vụ Lãnh đạo Bộ giao có thời hạn, đến nay còn 01 nhiệm vụ đang xử lý (chiếm tỷ lệ 2,8%).

small_tct.jpg
Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài phát biểu tại Hội nghị

Nổi bật nhất trong việc xây dựng văn bản pháp luật là Tổng cục đã trình ban hành Nghị định 08/2022/NĐ-CP và Thông tư 02/2022/TT-BTNMT hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020 và xây dựng nhiều văn bản hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp triển khai Luật Bảo vệ môi trường. Tổng cục còn xây dựng và trình ban hành Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.

So với cùng kỳ năm 2021, năm nay, nhiều chỉ tiêu về môi trường đạt kết quả tích cực như số lượng các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung tăng 1 khu công nghiệp (tăng 0,31%); số lượng cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg hoàn thành xử lý triệt để tăng 20 cơ sở (tăng 4,1%). Các chỉ số về bảo vệ môi trường đã đóng góp quan trọng đưa chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam ở vị trí 51/165 quốc gia và vùng lãnh thổ tăng 37 bậc so với năm 2016 (vị trí 88).

Về công tác quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, thời gian qua, Tổng cục đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý rác thải đã được triển khai, từng bước thực hiện tái chế, tái sử dụng rác thải thay cho chôn lấp, giảm thiểu rác thải nhựa; đồng thời chỉ đạo xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về môi trường của các cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt. Chất thải nguy hại được quản lý tốt hơn thông qua việc kiểm soát chặt chẽ nguồn phát, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý.

small_luu-niem.jpg
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cùng lãnh đạo Tổng cục Môi trường và các đơn vị chụp ảnh kỷ niệm

Về công tác quản lý và cải thiện chất lượng môi trường, Tổng cục đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai các Quy hoạch, đề án về quan trắc môi trường. Đến nay đã có 58/63 địa phương với 1.298 trạm quan trắc tự động đã truyền số liệu về Bộ TN&MT theo quy định. Tổ chức xây dựng các Kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt đối với 3 lưu vực sông Cầu, Nhuệ-Đáy, Đồng Nai theo quy định Luật BVMT 2020. Tập trung phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trên LVS Bắc Hưng Hải triển khai các giải pháp cải tạo, phục hồi hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt.

Các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường được đẩy mạnh, đặc biệt thông qua các phương tiện truyền thông, trang tin điện tử. Thông qua đó nhận thức về trách nhiệm và hành động trong bảo vệ môi trường đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Nhiều hành vi vi phạm có ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và sức khỏe người dân đã được khắc phục và có chiều hướng giảm so với năm trước.

Xây dựng chính sách, kiểm soát chất lượng môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học

Trong năm 2023, ngành môi trường cũng đề ra các định hướng, nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện như: Tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường 2020; hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường hướng tới mục tiêu tiệm cận với các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế. Tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động đánh giá môi trường chiến lược với các chiến lược, quy hoạch, đánh giá tác động đối với các dự án đầu tư phát triển, trọng tâm là triển khai đồng bộ, hiệu quả các chế định mới của Luật.

small_toanh-canh1.jpg
Quang cảnh Hội nghị

Bên cạnh đó, tăng cường giám sát, kiểm soát các nguồn thải từ các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ; tăng cường các biện pháp quản lý, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường (đất, nước, không khí…); tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật về BVMT, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường. Xây dựng nhiệm vụ cơ sở dữ liệu về môi trường đảm bảo đồng bộ thông tin từ trung ương đến địa phương, làm căn cứ để thực hiện công tác quản lý.

Ngoài ra, đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, triển khai tốt các quy định mới của pháp luật về di sản thiên nhiên; xây dựng, thực hiện các hoạt động nhằm triển khai kết quả của Hội nghị COP26 liên quan đến phục hồi thiên nhiên, sử dụng các giải pháp từ thiên nhiên trong ứng phó với biến đổi khí hậu theo phân công của Bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ vững nền tảng, nâng hiệu quả quản lý về môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO