Cũng trong cuộc tọa đàm, các chuyên gia cũng cung cấp thông tin chi tiết về công tác phục hồi, tu sửa bảo vật hoàng cung. Cụ thể là trường hợp phục hồi 4 chiếc mũ đại triều, mũ tế giao của các vị vua triều Nguyễn. Đây được coi là công việc đặc biệt khó khăn, thách thức lớn đối với Bảo tàng bởi khi tiếp nhận các hiện vật này đều đã bị hư hỏng, biến dạng nhiều do bảo quản không đúng cách. Bốn chiếc mũ đã bị gãy vụn, lẫn vào nhau, rất khó phân biệt. Sau thời gian dài tỷ mỷ phân tích, nhận dạng, các chuyên gia của Bảo tàng đã thu được hơn 2.100 chi tiết các loại bằng vàng, đá, sợi... Thời gian phục hồi 4 chiếc mũ là 2 năm, không chỉ có các cán bộ của Bảo tàng Lịch sử quốc gia mà còn có sự tham gia, trợ giúp đắc lực của các nghệ nhân, chuyên gia bảo tàng, chuyên gia nghiên cứu lịch sử. Đến nay, 4 chiếc mũ đã được phục dựng đảm bảo giống với nguyên gốc nhất...
Cho đến nay, các bảo vật hoàng cung triều Nguyễn vẫn luôn là bí ẩn với đa số công chúng, họ đều có mong muốn được chiêm ngưỡng, tìm hiểu các hiện vật quý này, nhất là với những người đam mê lịch sử, văn hóa dân tộc. Do đó, thời gian qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng đã lựa chọn, giới thiệu một phần các bảo vật này đến công chúng trong nước, bạn bè quốc tế nhiều chuyên đề như: "Bảo vật hoàng cung", "Cổ ngọc Việt Nam"; "Rồng trên cổ vật"... Tháng 7/2013 tới đây, Bảo tàng sẽ tiếp tục trưng bày chuyên đề về kim sách của hoàng cung triều Nguyễn. Bên cạnh đó, Bảo tàng cũng tiếp tục hợp tác với bạn bè quốc tế để giới thiệu rộng rãi những bảo vật này đến với đông đảo công chúng quốc tế... Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng đang tiến hành dự án giải mã các văn tự chữ Hán trên các hiện vật thuộc bộ sưu tập bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn...
Thanh Giang