Bất động sản

Giao đất dịch vụ tại nhiều địa phương: Cần cơ chế đặc thù

Thùy Linh 01/08/2023 - 13:09

(TN&MT) - Sau gần 20 năm, huyện Mê Linh là địa phương đầu tiên của Hà Nội được Chính phủ, Bộ TN&MT, TP. Hà Nội đồng thuận tháo gỡ cơ chế giao đất dịch vụ cho người dân theo cơ chế cũ (thời điểm Mê Linh thuộc Vĩnh Phúc).

Thời gian tới, 5.700 hộ dân Mê Linh sẽ được giao đất dịch vụ, chấm dứt tình trạng khiếu kiện về đất đai. Việc này mở ra hi vọng cho các địa phương đang còn vướng mắc về đất dịch vụ.

Nhiều địa phương vẫn đang “nợ” đất dịch vụ

Năm 2023 là mốc 15 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính. Nhiều tỉnh thành như Hà Tây cũ, Vĩnh Phúc sau khi tách một phần địa giới sáp nhập về Hà Nội đã nảy sinh nhiều vướng mắc trong công tác giao đất dịch vụ.

Quận Hà Đông có 15/17 phường thụ hưởng chính sách đất dịch vụ. Để tạo điều kiện giao đất cho người dân, từ năm 2008 - 2018, quận Hà Đông đã xây dựng đề án giao đất dịch vụ riêng và đã giao đất cho 20.000 hộ. Số hộ dân còn lại do không đồng thuận với đề án, đã làm đơn khiếu kiện nên năm 2018 quận Hà Đông phải dừng để chờ các kết luận thanh kiểm tra của Thanh tra Chính phủ và các ban ngành của thành phố.

bds.jpg
Nhiều địa phương đang gặp vướng mắc về hạn mức và đối tượng giao đất dịch vụ

Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT, bà Nguyễn Thị Cõi (P. Kiến Hưng, Q. Hà Đông) cho biết, theo chính sách đất dịch vụ Hà Tây cũ, mỗi hộ mất 650m2 đất nông nghiệp sẽ được hưởng 10% đất dịch vụ. Năm 2009, sau khi sáp nhập, quận Hà Đông đưa ra đề án chỉ giao 7,7% diện tích. Còn 2,3% dành để xây dựng trường học, đường sá. Các hộ đồng thuận đều đã giao hết.

“Chúng tôi đã không được nhận đất dịch vụ để xây nhà, đất nông nghiệp còn lại cũng không thể tiếp tục canh tác. Cả gia đình mất kế sinh nhai nhiều năm nay. Nguyện vọng của chúng tôi là sớm được giao đất tỷ lệ 7% hay bao nhiêu cũng được, chúng tôi không đòi hỏi nữa” - Bà Cõi mong muốn.

Ông Đặng Trần Đức - Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, từ năm 2018, việc chia đất dịch vụ đã phải dừng lại. Nguyên nhân là các đoàn thanh tra kiểm tra về công tác đất dịch vụ cho rằng phương án chia đất dịch vụ của TP. Hà Tây trước đây có những điểm chưa phù hợp với quy định của pháp luật, nên phải dừng và chờ chỉ đạo từ cấp trên.

Đại diện UBND huyện Mê Linh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện Mê Linh tham mưu Huyện ủy ban hành đề án tổng thể để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện về giao đất dịch vụ. UBND huyện xây dựng kế hoạch giao đất dịch vụ cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp theo đúng quy định. Hiện nay, huyện đã bố trí đủ quỹ đất để sẵn sàng giao cho hơn 5.700 hộ gia đình, cá nhân. UBND huyện đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị chức năng rà soát, thực hiện quy trình giao đất dịch vụ, tạo điều kiện cho người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi sớm ổn định cuộc sống.

Tương tự, tại huyện Thanh Oai, gia đình ông Nguyễn Xuân Lợi (thôn Mùi, xã Bích Hòa) cho biết, năm 2006, gia đình ông nhận thông báo bị thu hồi 729m2 đất nông nghiệp để xây dựng Cụm công nghiệp Thanh Oai. Thời điểm đó, xã tuyên truyền rằng, ngoài được chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ hoa màu, người dân sẽ được cấp đất dịch vụ 10% theo quy định. Vậy nhưng đến nay, chưa hộ dân nào được nhận đất dịch vụ.

Theo Trưởng phòng TN&MT huyện Thanh Oai Nguyễn Tiến Ngọc Tú, khi giải phóng mặt bằng dự án Cụm công nghiệp Thanh Oai, UBND tỉnh Hà Tây ban hành Quyết định giao đất có thu tiền sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Do đó, để bảo đảm quyền lợi cho người dân có đất bị thu hồi, năm 2008, UBND huyện Thanh Oai đã có văn bản xin chủ trương thu hồi, giao đất dịch vụ cho các hộ dân xã Bích Hòa được áp dụng theo cơ chế giao đất dịch vụ theo cơ chế cũ. Song chỉ có những hộ thu hồi đất từ 30% trở lên mới được hưởng chính sách giao đất dịch vụ. Các hộ có tỷ lệ thu hồi bằng và dưới 30% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng không được hưởng chính sách này nên tiếp tục có đơn thư.

Chờ đợi cơ chế đặc thù

Hiện nay, tại Hà Nội, có rất nhiều quận, huyện gặp vướng mắc phát sinh trong công tác giao đất dịch vụ. TP. Hà Nội đã có văn bản báo cáo, đề xuất xin ý kiến Chính phủ và các bộ, ngành để tháo gỡ vấn đề này.

Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, từ thực tế trên, huyện đề nghị UBND TP. Hà Nội cho phép huyện giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình bị thu hồi đất thực hiện dự án Cụm công nghiệp Thanh Oai theo Quyết định số 1098/2007/QĐ-UBND (tính theo 10% diện tích thu hồi, không căn cứ tỷ lệ thu hồi phải trên 30% tổng diện tích). Theo đó, UBND TP. Hà Nội cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin cơ chế đặc thù, chấp thuận cho UBND huyện Thanh Oai giao đất dịch vụ cho các hộ dân xã Bích Hòa.

Bà Vũ Thị Ngọc Hiền - Phó Trưởng Phòng TN&MT quận Hà Đông cho biết, thực tiễn công tác quản lý sử dụng đất cho thấy, các trường hợp vướng mắc đất dịch vụ chưa làm công tác cấp giấy chứng nhận, tặng cho, do đó, khi thực hiện thu hồi đất, xuất hiện nhiều gia đình đông nhân khẩu cùng sinh sống nên việc giao 55m/hộ gốc thì không đảm bảo công bằng. Cụ thể, hộ thu hồi 500m2 đất nông nghiệp cũng được hưởng 50m đất dịch vụ, những hộ bị thu hồi 5.000m cũng chỉ được 50m. Như vậy là không công bằng. Quận Hà Đông cũng đã nhiều lần có ý kiến đề xuất với TP. Hà Nội, song việc này vẫn phải chờ Chính phủ quyết định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giao đất dịch vụ tại nhiều địa phương: Cần cơ chế đặc thù
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO