Giãn cách xã hội không để '"ngoài chặt, trong lỏng"

Phương Anh | 24/07/2021 13:09

(TN&MT) - Hà Nội sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai kịp thời, hiệu quả các nội dung của Chỉ thị giãn cách xã hội và xử lý nghiêm các vi phạm, không để xảy ra tình trạng “ngoài chặt, trong lỏng” bởi đây vẫn là hạn chế, nhất là cấp cơ sở. Sáng 24/7, TP. Hà Nội đã tổ chức họp báo thông tin về các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Quang cảnh họp báo

Tiên lượng khả năng dịch tiếp tục lây lan rộng

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết, từ tối qua đến 7h sáng nay, Hà Nội có thêm 9 ca đều là trường hợp F1 nên có thể kiểm soát; Hiện có 379 bệnh nhân đang được điều trị tại 4 bệnh viện, trong đó, có 8 bệnh nhân nặng (có 1 bệnh nhân phải lọc máu).

Đợt dịch thứ 4 này, trung bình 1 ngày, Hà Nội phát hiện thêm 50 - 60 trường hợp, dự kiến vài ngày tới sẽ tăng tiếp vì nhiều trường hợp xét nghiệm phát hiện ngoài cộng đồng. Vì vậy, việc truy vết tiếp theo khá phức tạp. Sở Y tế nêu đợt dịch thứ 4, chủng Delta và Delta plus là chủng lây lan nhanh, chu kỳ chỉ từ 2-3 ngày vì vậy tiên lượng khả năng dịch tiếp tục lây lan rộng.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng

Sở Y tế đang xây dựng phương án, kịch bản chi tiết cho từng giai đoạn. Hiện, Sở đang xây dựng cho kịch bản chi tiết cho từng giai đoạn có 5.000, có 20.000 và 50.000 giường. Để kịch bản đi chi tiết đi vào thực tế, Sở chia 4 tầng điều trị, tầng thứ nhất bao gồm là 80% bệnh nhân không có triệu chứng hoặc biểu hiện nhẹ, các bệnh nhân này sẽ vào bệnh viện dã chiến (trên cơ sở thành lập tại trường Quân sự Thủ đô; Khu nhà ở sinh viên Tứ Hiệp có 3 toàn nhà, mỗi tòa 700 giường bệnh).

Tầng thứ 2 là đối với bệnh nhân có triệu chứng trung bình, có bệnh nền hoặc liên quan đến các bệnh nền khác sẽ kích hoạt bệnh viên đa khoa tuyến quận, huyện. Dự kiến, mỗi bệnh viện đa khoa cấp quận, huyện đáp ứng 200 giường.

Tầng thứ 3, 4 bao gồm bệnh nhân nặng, trong đó có các bệnh nhân rất nặng. Hiện, Sở đang xây dựng Bệnh viện đa khoa Đức Giang thành bệnh viện hồi sức tuyến cuối, đáp ứng cho từ 5.000 - 50.000 bệnh nhân). Với kịch bản như vậy, Sở tin tưởng có thể hoàn toàn đáp ứng từng tình huống cụ thể.

Từ kinh nghiệm từ TP. Hồ Chí Minh cho thấy, việc phân luồng hết sức quan trọng để theo dõi, xử lý. Vì vậy, Sở Y tế Hà Nội xây dựng các tầng điều trị.

Cấp giấy phép mã QR Code trên "luồng xanh"

Thông tin về tình hình tổ chức lại giao thông trên địa bàn thành phố theo Chỉ thị 17 của UBND TP, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vũ Văn Viện cho biết: TP đã xác định 3 đối tượng được ưu tiên đi lại đó là xe tải chở hàng hóa đảm bảo nguồn cung hàng hóa đi qua thành phố trên "luồng xanh" quốc gia; Xe chở hàng hóa thiết yếu phục vụ các đơn vị sản xuất kinh doanh dịch vụ công trình, cơ sở sản xuất của Hà Nội; Xe chở người và phương tiện phục vụ các phục vụ công tác chống dịch… và các phương tiện vận tải hành khách khác được phép của các cơ quan có thẩm quyền.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vũ Văn Viện 

Thành phố cũng thực hiện việc cấp giấy phép mã QR Code trên "luồng xanh" quốc gia và hướng dẫn các phương tiện dán mã trên xe; Với phương tiện có hàng hóa dễ hỏng được cấp thêm mã hàng hóa dễ hỏng. TP sẽ thực hiện thêm các chốt theo Chỉ thị 17 của UBND TP, dự kiến TP sẽ có 30 chốt của Công an TP và các lực lượng liên ngành, 26 chốt trực của quận, huyện. Hiện các chốt ùn tắc giao thông đang được tổ chức lại thành nhiều lớp, tránh ùn tắc, vừa đảm bảo kiểm soát chặt 100% phương tiện ra vào Thủ đô.

Liên quan đến hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng shipper, ông Vũ Văn Viện cho biết, trong Chỉ thị 17 không chỉ rõ nhưng Sở đã đề xuất TP thống nhất cấm lực lượng shipper đảm bảo phòng, chống dịch. Ngay sau cuộc họp này, Sở sẽ có văn bản chính thức gửi tới các đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối, đảm bảo thực hiện theo đúng tinh thần Chỉ thị 17 một cách nghiêm túc.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết, Hà Nội đang triển khai phương án đảm bảo hàng hóa với mức hàng gấp 3 lần so với các tháng bình thường. Bên cạnh đó, triển khai chương trình bình ổn thị trường với lượng hàng hóa khoảng 6 nghìn tỷ.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan

Bà Phương Lan cho biết, những ngày qua lượng hàng hóa được đảm bảo, sức mua bình thường. Ngày hôm qua sức mua có tăng chút, các chợ vẫn hoạt động bình thường và nguồn rau củ quả được đảm bảo, không có hiện tượng gom hàng tăng giá.

Hiện, Sở đang triển khai các phương án giúp doanh nghiệp phục vụ tốt nhất nhu cầu hàng hóa của người dân; phối hợp với các đơn vị liên quan đảm bảo lưu thông hàng hóa tốt nhất.

Sẽ ban hành chính sách riêng hỗ trợ người dân

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, việc UBND TP ban hành Chỉ thị 17 dựa trên căn cứ trên diễn biến tình hình dịch bệnh của TP trong thời gian qua. Tính tới 6h sáng nay, Hà Nội có 675 ca mắc, tới 257 ca trong cộng đồng và rất nhiều ca không có dấu hiệu, nguy cơ lây lan cao nếu không áp dụng biện pháp mạnh hơn.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong

Ngoài ra, với tính chất là Thủ đô, trung tâm chính trị hành chính quốc gia, Hà Nội nếu không phòng, chống dịch tốt sẽ có tác động tới cả nước. Tại cuộc làm việc gần đây, Thủ tướng đã chỉ đạo phải bảo đảm thành trì và thành quả của công cuộc chống dịch. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TP đã nỗ lực rất lớn, việc thực hiện Chỉ thị 15 đã được TP triển khai với nhiều giải pháp quyết liệt.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng đinh, các phương án, kịch bản theo từng cấp độ chống dịch đã được TP chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động thực hiện. Trong đó, ngành Y tế Thủ đô đảm bảo được công tác điều trị, chữa trị trong các tình huống, đảm bảo nhân lực, trang thiết bị, vật tư để chống dịch, cách ly, tiêm chủng.

Với kinh nghiệm chống dịch, Hà Nội rất chủ động chuẩn bị nguồn hàng, tính toán việc lưu thông, phân phối, đảm bảo không om hàng, tăng giá.

Công tác vận tải, phân luồng giao thông đã được TP đã cùng với Bộ Giao thông vận tải thống nhất, thường xuyên có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo lưu thông hàng hóa không chỉ của Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; Quản lý chặt chẽ người ra vào Hà Nội; Đảm bảo hoạt động công vụ được thông suốt…

Thực hiện Chỉ thị 16 ít nhiều tác động tới sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước, nhóm lao động, yếu thế, người khuyết tật, hộ nghèo... Thành phố đã có kế hoạch đảm bảo mọi nhu cầu tối thiểu của người dân. Từng xã, thôn đã có phương án cụ thể, song sẽ tiếp tục rà soát để có chính sách riêng ngoài chính sách của Trung ương quy định, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch.

Hiện tại, năng lực của riêng Y tế Hà Nội có 412 giường hồi sức; 222 bác sĩ có khả năng sử dụng máy thở. Trên 400 điều dưỡng sử dụng được máy thở. Về xét nghiệm hiện TP thực hiện 48 nghìn mẫu/ngày với 2 máy PCR, trong vài ngày tới có thể bổ sung 5 máy. Có 11 xe cứu thương để huy động phân luồng bệnh nhân tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giãn cách xã hội không để '"ngoài chặt, trong lỏng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO