Giám sát quyền lực

08/11/2018 11:41

(TN&MT) - Cho đến bây giờ, người dân khi nhắc tới các vụ việc tiêu cực đều không mấy giật mình. Những vụ án nghìn tỷ liên quan đến các vị trí cao cấp trong bộ máy chính quyền, dường như chưa phải là tất cả cho một bài học đau xót về quản lý cán bộ công chức.

Con đường tiến thân của không ít nhân vật kiểu như Vũ Nhôm hay Trịnh Xuân Thanh là một chuỗi những “nhùng nhằng” trong các quan hệ mà ở đó việc “bôi trơn” sau mỗi lần thăng tiến (không cần đến chuyên môn) được thể hiện khá rõ.

Một câu hỏi đặt ra là, tại sao chúng ta có cả một quy trình hoàn chỉnh, để đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, nhưng tại sao vẫn để lọt những cán bộ yếu năng lực, kém đạo đức vào bộ máy Nhà nước. Cơ chế có thể làm con người hoàn thiện nhưng cũng có thể làm hư hỏng con người. Một cán bộ được đặt đúng vị trí, được giám sát chặt chẽ bởi tổ chức đảng và quần chúng sẽ phải luôn có ý thức rèn luyện, làm tốt công việc được giao. Cán bộ nhân thân tốt nhưng ngồi vào cái ghế không được giám sát, đến lúc nào đó cũng khó tránh được vòng xoáy cám dỗ: lạm quyền, trục lợi, sa đọa...

GIÁM SÁ
Ảnh minh họa

Nhìn lại những vụ án tham nhũng thời gian qua, nếu chúng ta vẽ một sơ đồ đường đi của các phong bì, sẽ thấy không thiếu cấp nào, từ chính quyền cấp phường, xã, quận huyện, tỉnh thành đến cấp Trung ương. Những khoản tiền lót tay ấy cũng lớn dần theo cấp hành chính. Đã có những chiếc phong bì xinh xinh nhưng có giá trị cả ngàn đô la, những chiếc ô tô đắt tiền được cho “mượn” vô thời hạn không thể giải thích minh bạch được sau mỗi vụ việc. Và cả ngàn lời giải thích, biện minh sau đó cũng không thể làm vơi nỗi hoài nghi của dư luận đằng sau những khoản quà tặng “nho nhỏ” ấy.

Vì sao việc dùng tiền để lo lót, để qua cửa các thủ tục hành chính đã trở thành phổ biến và mang tính hệ thống như vậy? Câu trả lời là: Trong cơ chế quản lý kinh tế hiện nay, có quá nhiều cấp chính quyền, nhiều bộ ngành can thiệp bằng nhiều cách vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, của người dân. Và để được việc (ví như để xây một ngôi nhà), hoặc có khi để trục lợi bất chính người ta đã phải dùng đến phong bì như một thứ “xúc tác” để công việc nhanh và hiệu quả. Với một thực trạng như vậy, nhiều doanh nghiệp (cả doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân), đến người dân khi triển khai việc sản xuất kinh doanh, công việc của mình đều phải “chạy”. “Chạy” từ người đóng dấu chạy lên đến người ký quyết định.

Thực ra, ở các trường hợp như: Bùi Tiến Dũng, Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy… không phải chúng ta thiếu cơ chế giám sát mà cái chính là cơ chế giám sát được thực hiện rất hình thức, hời hợt. Khi mà quản lý cán bộ lỏng lẻo, quyền được trao quá lớn cho một vài cá nhân, dân chủ hình thức, sẽ làm tê liệt ý thức đấu tranh, ý thức rèn luyện thường xuyên từ mỗi cá nhân trong tập thể ấy và chắc chắn sẽ còn làm nảy sinh những ung nhọt nhức nhối.

Cũng vậy, trong một hệ thống chính trị không hoàn hảo, còn hiển hiện lòng tham của những nhóm lợi ích, sẽ dẫn đến tình trạng quản lý Nhà nước bị lợi dụng cho mục đích cá nhân mà toàn xã hội sẽ phải trả giá.

Chúng ta đang đặt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước phát triển. Và để đạt được điều này chắc chắn phải đột phá vào kinh tế. Đột phá từ đâu khi mà ngành nào cũng muốn là mũi nhọn, đòi được ưu tiên đầu tư? Doanh nghiệp cần được đối xử bình đẳng, đánh giá từ chính hiệu quả sản xuất kinh doanh chứ không phải ôm vào một mối với quyền lực quá lớn. Các nút cổ chai về thể chế, cơ sở hạ tầng, chi phí dịch vụ… phải được giải toả, thông đường để doanh nghiệp chạy mà khỏi cần “bôi trơn”.

Suốt nhiều năm qua, những điều này đã được nói nhiều, ai cũng biết những điều đó nhưng tại sao chúng ta chưa làm được?

Đã đến lúc chúng ta phải có cơ chế, buộc tổ chức, cá nhân phải bồi thường khi ra quyết định không chính xác, gây tổn thất cho dân, chứ không phải ra quyết định rồi phủi tay. Một sự quyết liệt, nghiêm minh là cần thiết. Người dân và Quốc hội đang trông chờ sẽ có một báo cáo mang tính điều tra để đánh giá được tỷ trọng và chất lượng sự thụ hưởng của nhân dân từ những thành tựu mà Chính phủ báo cáo. Và đó cũng chính là phần báo cáo về chất lượng của một Chính phủ “của dân, do dân, vì dân”.

Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám sát quyền lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO