Giám sát chất lượng môi trường khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm

27/04/2017 00:00

(TN&MT) - Sự tồn tại và phát triển của hệ sinh thái Cù Lao Chàm liên quan rất mật thiết đến môi trường biển. Trước thực trang vùng biển Cù Lao Chàm đang phải...

 
(TN&MT) - Sự tồn tại và phát triển của hệ sinh thái Cù Lao Chàm liên quan rất mật thiết đến môi trường biển. Trước thực trang vùng biển Cù Lao Chàm đang phải đối diện với nhiều tác động xấu từ các hoạt động kinh tế - xã hội, địa phương đang triển khai nhiều giải pháp và hành động cụ thể để bảo vệ môi trường tại đảo.
 
Cảnh báo từ Cù Lao Chàm
 
Được mệnh xanh là “hòn đảo xanh” xứ Quảng, Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP. Hội An, Quảng Nam) có khí hậu quanh năm mát mẻ, cây cối 4 mùa phủ xanh. Với 1.549 héc-ta rừng tự nhiên và 6.716 héc-ta mặt nước, Cù Lao Chàm mang trong mình một sự đa dạng sinh học vô cùng phong phú. Khu bảo tồn Cù Lao Chàm là nơi sinh sống của hàng trăm loài cá, sinh vật nhuyễn thể, các rạn san hô, các thảm rong, cỏ biển và các loài hải sản có giá trị cao. Không chỉ thế, nơi đây còn có nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm. Chính vì sự phong phú, đa dạng sinh học nên hàng năm, Cù Lao Chàm đón khá nhiều khách du lịch đến đây tham quan, lưu trú.
 
 
Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ ngành du lịch dịch vụ tại Cù lao Chàm đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên và xã hội, làm suy giảm nghiêm trọng nguồn tài nguyên sinh quyển địa phương. Một số khu vực trên đảo hiện đang bị ô nhiễm, thậm chí, một số rạn san hô như tại Bãi Bấc đã bị chết và sóng biển đánh lên bờ cát. Theo Ban Quản lý Khu Bảo tồn Biển Cù Lao Chàm, các dấu hiệu về chất lượng nước của vùng cửa sông Thu Bồn – Hội An đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến Cù Lao Chàm, đặc biệt trong mùa mưa, bão. Hiện tượng nước ngọt, phù sa, rác thải đã có ảnh hưởng tăng dần tại các vùng rạn san hô. Nhu cầu hưởng dụng tài nguyên thiên nhiên, tiêu thụ nguồn lợi sinh vật biển, sản phẩm rừng ngày càng gia tăng theo số lượng du khách đến thăm đảo đã tác động trực tiếp đến môi trường sinh thái biển.
 
Việc đầu tư mở đường quanh đảo, xây dựng bờ kè, sửa chữa lại âu thuyền, các công trình hạ tầng và cả nhưng tour du lịch lặn ngắm san hô… cũng đã ảnh hưởng đến cảnh quan của Cù Lao Chàm. Mới đây, dư luận đã bày tỏ lo lắng trước việc Công ty CP Thương mại, du lịch, đầu tư Cù Lao Chàm tái khởi động dự án Khu du lịch sinh thái biển Cù Lao Chàm tại khu vực Bãi Bìm tác động xấu đến môi trường, cảnh quan của đảo . Tuy nhiên, sau khi có ý kiến phản ánh, chủ đầu tư đã tạm dừng thi công để cung cấp thông tin, rà soát thủ tục, đảm bảo đúng hướng tuyến theo quy hoạch được duyệt để các ngành chức năng kiểm tra.
 
Đảm bảo sự phát triển bền vững
 
Trước thực trạng vùng biển Cù Lao Chàm đang phải đối diện với nhiều tác động xấu từ các hoạt động kinh tế - xã hội, vì thế cần phải có các giải pháp và hành động cụ thể để thích ứng. Theo ông Nguyễn Văn Vũ - Trưởng phòng Nghiên cứu & hợp tác quốc tế (Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm), đến thời điểm này, các chỉ tiêu chất lượng nước tại vùng biển Cù Lao Chàm vẫn ở trong ngưỡng thích hợp. Tuy nhiên, việc giám sát nguồn nước vào thời điểm hiện tại không còn được thuận lợi như trước. Cụ thể, chỉ mới đánh giá được yếu tố vật lý của nguồn nước chứ sinh học và hóa học thì còn bỏ trống do đề xuất đã không được TP.Hội An thông qua. “Với sự gia tăng tần suất và phạm vi ảnh hưởng xấu của các tác động từ sông Thu Bồn qua dòng chảy đến vùng biển Cù Lao Chàm, rất cần thiết phải thiết lập các trạm và tiến hành quan trắc chất lượng môi trường nước theo 2 mùa khô và mùa mưa. Chỉ có vậy mới theo dõi diễn biến, đồng thời cảnh bảo các tác động tiềm tàng từ đất liền đối đa dạng sinh học ở đây” - ông Vũ nói.
 
 
TP Hội An vừa thông qua Chương trình Giám sát chất lượng môi trường Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm đã được TP Hội An nhằm bảo vệ môi trường của đảo này. Chương trình này do này Trung tâm Kỹ thuật Môi trường thành phố Đà Nẵng phối hợp với thành phố Hội An thực hiện. Theo đó, cơ quan chức năng thu thập số liệu chất lượng môi trường để xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường hàng năm; theo dõi kịp thời những biến đổi môi trường trên địa bàn làm căn cứ để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch quản lý môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu về chất lượng môi trường và từng bước hoàn thiện mạng lưới các vị trí và thông số quan trắc của thành phố.
 
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, việc đánh giá, giám sát tác động môi trường là một nhiệm vụ quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.  “Trong định hướng xây dựng thành phố sinh thái và trong phát triển kinh tế, đặc biệt là nhiệm vụ quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, đây là một lĩnh vực không thể bỏ qua. Những sự việc xảy ra trong thời gian qua đều nằm trong này hết. Khi đưa ra quyết định không đúng, đặc biệt liên quan đến vấn đề môi trường thì hậu quả để lại kể cả trong thực tại chứ đừng nói chi tới tương lai. Mà sự trả giá của Hội An trong vấn đề này là đã có.” – ông Hùng khẳng định.
 
Vụ việc phát hiện 40 móng biệt thự xây dựng trái phép trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) và những lo lắng nhất định cho việc bảo tồn loài động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam - voọc chà vá chân nâu là bài học nhãn tiền cho Hội An trong việc bảo vệ Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm. Ngay từ bây giờ, Hội An cần có nhiều hành động nhằm ngăn chặn sớm các sự cố rủi ro về môi trường biển để bảo vệ “hòn đảo xanh” xứ Quảng.
 
Bài và ảnh: Lan Anh
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám sát chất lượng môi trường khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO