Biến đổi khí hậu

Giảm phát thải từ chuyển đổi lò hơi công nghiệp

Khánh Ly 09/04/2024 - 10:57

(TN&MT) - Với các lĩnh vực sản xuất công nghiệp sử dụng lò hơi như dệt may hay da giày, việc thay thế dần nhiên liệu đốt từ than đá, dầu mỏ sang năng lượng sinh khối là một trong những giải pháp chuyển đổi năng lượng có tính khả thi cao. Đặc biệt, hoạt động này có thể tạo ra nguồn tín chỉ các-bon nhiều tiềm năng.

Phương án phù hợp cho cơ sở quy mô nhỏ

Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ đã ban hành một số cơ chế, chính sách, trong đó có Nghị định 06/2022/NĐ-CP yêu cầu các cơ sở sản xuất có mức phát thải cao phải giảm phát thải khí nhà kính.

Thực tiễn cho thấy, cơ chế chính sách hiện nay đang nhắm vào các cơ sở có mức phát thải cao, chủ yếu là ngành công nghiệp nặng như năng lượng, sản xuất hóa chất công nghiệp, vận tải. Đối với các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ hơn trong lĩnh vực như dệt, nhuộm, chế biến bia, nước ngọt, hệ thống lò sấy... chưa thuộc đối tượng bắt buộc phải giảm phát thải, nhưng được khuyến khích chuyển đổi công nghệ sản xuất phát thải thấp nhằm phù hợp với lộ trình chung quốc gia và xu hướng phát triển bền vững.

7a.png
Hệ thống lò hơi đốt sinh khối

Theo ông Trần Văn Lượng - Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật nhiệt Việt Nam, dù có quy mô nhỏ nhưng số lượng cơ sở sản xuất trong các lĩnh vực này khá lớn và nhiều cơ sở này sử dụng nguồn than đá để vận hành hệ thống nồi hơi. Trong sản xuất công nghiệp, nồi hơi có vai trò như "trái tim" của nhà máy, dùng đốt cháy nhiên liệu (điện, than, dầu, khí, sinh khối...) đun nước để sinh hơi. Theo thông tin từ nguồn các tổ chức kiểm định nồi hơi hàng năm và đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về lao động, căn cứ vào số lượng doanh nghiệp dệt may (hơn 5.000 doanh nghiệp), ngành giầy da (hơn 2.000 doanh nghiệp) và các ngành khác, có thể ước tính, tại Việt Nam có khoảng 9.000 nồi hơi công nghiệp đang hoạt động, tương ứng là lượng than, dầu đầu vào không nhỏ.

"Hiện nay, có khoảng 30% nồi hơi đốt bằng nhiên liệu sinh khối. Phần lớn nồi hơi đốt than có thể cải tạo sang đốt hoàn toàn sinh khối hoặc đồng đốt với than. Tiềm năng cải tạo và thay mới có thể lên tới hơn 6.000 nồi hơi công nghiệp chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang đốt sinh khối", ông Lượng nhận định.

Theo ông Đào Đình An - đại diện công ty An Bình, các nguồn năng lượng sinh khối phù hợp là vỏ trấu, gỗ băm, dăm gỗ, viên nén gỗ... Về giá thành, giá sinh khối rẻ hơn nhiều so với dầu và không chênh lệch nhiều với than đá, tuy nhiên, lợi ích môi trường lại cao hơn. Nếu chưa có điều kiện thay thế mới hoàn toàn, doanh nghiệp có thể cải tiến các lò hơi cũ đốt than, dầu sang lò hơi sử dụng công nghệ đốt đồng thời nhiều loại nhiên liệu chuyển đổi dần. Để lựa chọn phương án chuyển đổi cụ thể, doanh nghiệp cần khảo sát, đánh giá dựa trên nhu cầu của mình và cân đối chi phí sản xuất.

Việc xây dựng thị trường tín chỉ các-bon trong nước cũng được xem là đòn bẩy cho các doanh nghiệp giảm phát thải khí nhà kính. Ông Tô Xuân Phúc - chuyên gia thuộc Tổ chức Forest Trends cho biết, Điều 19 Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định, các cơ sở phát thải khí nhà kính lớn có thể sử dụng tín chỉ các-bon để bù cho lượng phát thải khí nhà kính vượt quá hạn ngạch phát thải. Tuy nhiên, số lượng tín chỉ không được vượt quá 10% tổng số hạn ngạch được phân bổ. Điều này có nghĩa, các cơ sở khi đầu tư chuyển đổi công nghệ sản xuất giảm phát thải có thể dùng tín chỉ các-bon tạo thành để giao dịch trên thị trường. Điều này tạo động lực để doanh nghiệp chủ động triển khai giảm phát thải dù không có lượng phát thải khí nhà kính lớn.

Tiềm năng chuyển đổi sang viên nén gỗ

Ngành viên nén Việt Nam nói chung và viên nén gỗ nói riêng phát triển rất mạnh trong những năm vừa qua. Các phế phụ phẩm của ngành gỗ như cành củi, ngọn cây, mùn cưa, dăm bào... được đưa vào sản xuất viên nén. Thống kê từ Hiệp hội Viên nén gỗ Việt Nam cho thấy, khoảng 95% lượng viên nén sản xuất tại Việt Nam (tương đương trên 4 triệu tấn) được đưa ra xuất khẩu, chủ yếu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Viên nén xuất khẩu được sử dụng làm nhiên liệu đầu vào, thay thế một phần cho lượng than đá hiện đang được sử dụng để sản xuất điện tại các quốc gia này.

Khoảng 5% tổng lượng cung viên nén hiện đang được sử dụng nội địa, chủ yếu đưa vào hệ thống nồi hơi của các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ như đã đề cập ở trên. Các cơ sở này hầu hết thuộc các tập đoàn đa quốc gia và nằm trong chuỗi cung toàn cầu, ví dụ các nhà cung ứng cho các hãng hàng lớn như Adidas, Nike, Samsung... Một số cơ sở nằm trong các khu công nghiệp nơi có các cam kết về phát thải thấp, chuyển đổi xanh. Theo ông Lượng, với cam kết Net-Zero của Chính phủ, dư địa cho việc sử dụng viên nén tại thị trường nội địa là rất lớn. Tuy nhiên, dư địa này không tự hình thành mà cần có các cơ chế, chính sách và các hành động cụ thể để hình thành cầu thị trường thông qua các cơ chế bắt buộc và/hoặc khuyến khích các cơ sở nội địa chuyển đổi. Bên cạnh đó, cần nắm bắt được các thuận lợi và khó khăn của các cơ sở khi thực hiện chuyển đổi.

Các chuyên gia trong lĩnh vực này nhận định, do sản lượng viên nén còn thấp và thị trường xuất khẩu là chủ yếu, doanh nghiệp lựa chọn giải pháp này cần cân nhắc đến nguồn cung nguyên liệu. Ngoài ra, hiện còn thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chế tạo nồi hơi đốt sinh khối, chi phí đầu tư mới cao và hiệu suất của lò đốt chưa cao.

Về lâu dài, với định hướng chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, viên nén không chỉ sử dụng trong lò hơi công nghiệp mà còn có thể đưa vào sản xuất nhiệt điện. Thị trường viên nén vẫn còn nhiều tiềm năng và Nhà nước cần có quy hoạch vùng nhiên liệu sinh khối, xây dựng cơ chế chính sách phát triển trồng rừng, cây công nghiệp gắn với công nghiệp năng lượng sinh khối, nhằm giảm giá thành loại nhiên liệu này hơn nữa.

Cùng với các cơ chế khuyến khích, những quy định liên quan đến hình thành và giao dịch tín chỉ các-bon, đặc biệt trong ngành lâm nghiệp cần được xây dựng và ban hành sớm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm phát thải từ chuyển đổi lò hơi công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO