Giảm phát thải ngành ô tô hướng đến phát triển bền vững
(TN&MT) - Ngày 29/8, tại Hà Nội, Báo Đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tổ chức Hội thảo “Giảm phát thải ngành ô : Nhiều lối đi, một đích đến”.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, tổ chức, doanh nghiệp, cùng đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước trao đổi, thảo luận các nội dung liên quan đến việc hoạch định chính sách, phân tích thực trạng và những bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, nhằm triển khai những động thái chính sách, thông tin cũng như thực hiện mở rộng cơ hội phát triển cho ô tô “xanh” tại Việt Nam trong thời gian tới.
Khai mạc Hội thảo, ông Lê Trọng Minh – Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho biết, hiện nay, mỗi chiếc xe hơi lưu thông trên đường được ví như một “trạm phát thải di động” và Việt Nam đang có gần 6,5 triệu “trạm phát thải” như vậy. Những chiếc xe hơi này cũng được coi là một phần tác nhân gây nên ô nhiễm không khí, ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Vì vậy, việc chuyển đổi, thay thế những “trạm phát thải” này không chỉ là hành động phù hợp với xu thế chung trên toàn thế giới, mà còn là một nhiệm vụ cấp bách để để Việt Nam đạt được mục tiêu đề ra, trong việc đưa phát thải ròng bằng “0” (Netzero) vào năm 2050 như Chính phủ đã cam kết với cộng đồng quốc tế.
"Việt Nam là một quốc gia có dân số lớn và tiếp tục gia tăng, nền kinh tế tăng trưởng ổn định, vì thế, rất cần những giải pháp kịp thời để “xanh hóa” ngành ô tô, được dự báo còn nhiều cơ hội để tăng trưởng, đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế - xã hội", - Tổng Biên tập Lê Trọng Minh nhấn mạnh.
Nhận thức rõ thực trạng đó, thời gian qua, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều hành động thiết thực để cùng chung tay tạo động lực mới cho ngành ô tô, mở lối cho những chiếc xe “xanh” lăn bánh, tạo nên một không gian giao thông xanh, sạch hơn; với những phương tiện 4 bánh sử dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện môi trường lưu hành trên đường phố, đã góp phần giảm bớt ô nhiễm khói, bụi và tiếng ồn, dần tạo ra một bộ mặt giao thông mới phù hợp với định hướng xanh hóa, hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính (KNK) về “0” vào năm 2050 của ngành giao thông vận tải (GTVT).
Trình bày về Quá trình chuyển đổi ô tô thân thiện môi trường tại Việt Nam, ông Đào Công Quyết – Trưởng tiểu ban truyền thông, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, thị trường ô tô Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai, thông qua doanh số thị trường ô tô từ năm 2015 - 2023 tăng khoảng trên 100.000 xe/ năm, cùng quy mô dân số lớn đứng thứ 3 ASEAN.
Tuy nhiên, điều này không phải là một con số đáng mừng cho môi trường toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, bởi, để sản xuất hay lắp ráp một chiếc xe ô tô hoàn chỉnh sẽ cần khoảng 30.000 sản phẩm linh kiện như kim loại, nhựa, cao su, hoá chất, điện tử,... Việc sản xuất, lắp ráp các linh kiện này đều có tác động đến môi trường. Khi ô tô được đưa vào vận hành, sử dụng sẽ phát thải carbon, gây ô nhiễm không khí, hoặc chi phí sản xuất, xăng dầu phát sinh sẽ tiêu tốn hơn việc tận dụng nhiên liệu tự nhiên hay các linh kiện tái chế,...
Chiến lược Phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035 đã nhấn mạnh: Ngành Công nghiệp ô tô phải đảm bảo hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội, cũng như các yêu cầu về môi trường và xu hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu trong nước và tham gia vào chuỗi sản xuất, chế tạo ô tô thế giới có giá trị xuất khẩu lớn.
Theo đó, để thực hiện Chiến lược và cam kết của Chính phủ thực hiện cam kết tại COP 21 và COP 26, VAMA hướng tới phát triển các nhóm chính sách tác động đến phát triển ngành công nghiệp ô tô, bao gồm: Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô, hạ tầng xe điện và năng lượng xanh; chính sách bảo vệ môi trường gồm tái chế sản phẩm thải bỏ, thuế môi trường đặc biệt từ thời điểm dừng bán xe phát thải CO2; thử nghiệm và chứng nhận xe điện; tiêu chuẩn, quy chuẩn xe điện và trạm sạc,...
Từ đó, VAMA đưa ra các đề xuất chính trong việc chuyển đổi từ xe ô tô sử dụng nhiên liệu sang xe điện, trong đó, việc phát triển xe điện hoá cần có lộ trình triển khai phù hợp với điều kiện tại Việt Nam cho các dòng xe: HEV, PHEV, FCEV; có chính sách ưu đãi cho từng dòng xe điện hoá nhằm hỗ trợ và khuyến khích người tiêu dùng, hướng tới giảm mức phát thải carbon; cũng như đề ra lộ trình và giải pháp, chính sách (thuế phí, ưu đãi, đầu tư) phát triển trạm sạc,...
Điều này sẽ góp phần giảm tổng lượng carbon phát thải (ước tính hơn 2,6 triệu tấn CO2) trong lĩnh vực giao thông theo định hướng của Chính phủ; giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí và giúp bảo vệ môi trường. Cùng với đó, xe điện cũng giúp tiết kiệm chi phí tiêu dùng, tạo ra các cơ hội phát triển xanh cho chuỗi giá trị ngành.
TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Viện trường Viện Tư vấn phát triển tài chính carbon, trình bày tham luận về các công cụ hỗ trợ chiến lược xanh ngành ô tô. Trong đó, ông đề cập đến việc sử dụng nhiên liệu hydrogen được sử dụng rất lớn ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đối với xe điện.
Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của loại năng lượng này là xử lý pin phế liệu có thể gây ô nhiễm môi trường lớn. Để hạn chế điều này, hiện nay nhiều nước đang nghiên cứu công nghệ tạo ra pin xe điện có độ bền rất cao có thể lên tới 20-30 năm. Vì vậy, xe điện cũng là một loại phương tiện giảm phát thải khí nhà kính đầy triển vọng trong những thập kỷ tới.
Việt Nam có một thị trường lớn để có thể phát triển ô tô điện và xe máy điện đồng thời cũng có nguồn tài nguyên đất hiếm để sản xuất pin. Tuy nhiên, cần có chính sách và chiến lược phát triển dài hạn để vừa giảm phát thải khí nhà kính, vừa phát triển ngành công nghiệp cơ khí chế tạo hùng mạnh, ứng dụng được cho cả tiêu dùng vận tải, vận chuyển và quốc phòng.
Ông Đào Công Quyết - Trưởng tiểu Ban Truyền thông, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, VAMA có những ý tưởng về lộ trình như chia làm 3 giai đoạn.
Trong giai đoạn khởi đầu, cần kích cầu trên thị trường với các chính sách ưu đãi hợp lý cho các dòng xe, hỗ trợ quy định tiêu chuẩn phát triển, tiêu chuẩn về hỗ trợ trạm sạc, mạng lưới sạc nhanh hoặc sạc tại nhà, hỗ trợ cho sản xuất, nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Đến giai đoạn 2, tức là giai đoạn tăng trưởng nhanh, giảm bớt hỗ trợ cho dòng xe HEV (xe Hybrid) và PHEV (xe Hybrid sạc ngoài) và vẫn duy trì những hỗ trợ tài chính cho hệ thống sản xuất.
Tại hội thảo, các đại biểu còn thảo luận, trao đổi sôi nổi nhằm đưa ra các phương án tối ưu trong việc giảm phát thải KNK trong lĩnh vực ô tô và bảo vệ môi trường sống xanh.