SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI 2013

Giải quyết thủ tục hành chính về đất đai: Đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm

Trường Giang 27/07/2023 - 08:11

(TN&MT) - Thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã dành 1 chương để quy định về nội dung này nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Theo ông Mai Văn Phấn - Cục trưởng Cục Đăng ký và dữ liệu thông tin đất đai, pháp luật đất đai 2013 đã quy định các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai như giao đất, cho thuê đất; chuyển mục đích sử dụng đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), cung cấp thông tin đất đai... Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai, nhiều thủ tục khác có liên quan được thực hiện trước đó hoặc thực hiện đồng thời như chấp thuận chủ trương đầu tư, chứng nhận đầu tư, xây dựng, nộp nghĩa vụ tài chính... nhưng cơ quan giải quyết thủ tục hành chính về đất đai phải chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả cuối cùng để trả kết quả cho người dân, doanh nghiệp, dẫn đến làm tăng thời gian, không minh bạch trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

Tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII cho rằng “Cải cách hành chính trong quản lý đất đai còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn”, theo đó, cần quy định trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) các thủ tục hành chính về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký đất đai, cấp GCNQSDĐ, cung cấp thông tin đất đai… theo hướng cải cách giảm bớt thủ tục hành chính, giảm thời gian, nguồn nhân lực, thủ tục giấy tờ liên quan, phân rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

1-5-.jpg
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định cụ thể rõ trách nhiệm, rõ việc, rõ thời gian giải quyết, gắn với rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục.

Nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, khắc phục các tồn tại hạn chế và đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai theo định hướng của Nghị quyết số 18-NQ/TW, Bộ TN&MT đã xác định mục tiêu đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, để người dân, doanh nghiệp dễ dàng, thuận tiện tiếp cận đất đai mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, xây dựng nguyên tắc trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai đảm bảo phân rõ người, rõ trách nhiệm, rõ việc, rõ thời gian giải quyết, gắn với rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục. Nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai; đảm bảo công khai, minh bạch; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục khi thực hiện các giao dịch đất đai trên môi trường điện tử; đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện quyền của người sử dụng đất được thuận tiện, nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

Theo đó, để tạo hành lang pháp lý giúp hoàn thành các mục tiêu đề ra về cải cách thủ tục hành chính, Dự thảo Luật đã dành một chương quy định về thủ tục hành chính đất đai (Chương XIV) gồm 7 điều. Ngoài 3 điều đã được quy định trước đây (các thủ tục hành chính về đất đai; công khai thủ tục hành chính về đất đai; thực hiện thủ tục hành chính về đất đai), nội dung chương này đã sửa đổi, bổ sung thêm 4 điều so với Luật Đất đai 2013 gồm: nguyên tắc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai; quy định trình tự, thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; quy định trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất và trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất; quy định trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Theo ông Phấn, việc quy định trong Dự thảo Luật đã làm rõ về hình thức nộp hồ sơ để đảm bảo sự linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế và ứng dụng công nghệ bao gồm hình thức nộp trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc trên môi trường điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đã giao Chính phủ quy định chi tiết về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, theo đó, tại Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai đã quy định rõ thành phần hồ sơ phải nộp và trình tự thủ tục thực hiện đối với từng thủ tục hành chính cụ thể; quy định rõ ràng về quy trình các cơ quan có liên quan xử lý thủ tục; đã quy định về nguyên tắc thực hiện thủ tục, theo đó đã quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính về đất đai quy định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của nội dung kê khai và các giấy tờ trong hồ sơ đã nộp.

Đặc biệt, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính về đất đai chịu trách nhiệm thực hiện đúng thẩm quyền và thời gian theo quy định của pháp luật, không chịu trách nhiệm về những nội dung trong các văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ đã được cơ quan, người có thẩm quyền khác chấp thuận, thẩm định, phê duyệt hoặc giải quyết trước đó; quy định về quản lý, khai thác và kết nối liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai để phục vụ người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai. Xác định rõ việc liên thông, kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu thông tin đất đai với các cơ quan có liên quan như cơ quan thuế, Kho bạc, cơ quan xây dựng và cơ quan Công an (cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư)... Đây là nền tảng cho việc thực hiện dịch vụ công đất đai trực tuyến toàn trình, đảm bảo tính chính xác, đồng nhất thông tin giữa các cơ quan, đơn vị; đảm bảo tính công khai, minh bạch, cắt giảm thời gian khi người dân thực hiện thủ tục hành chính về đất đai.

Cũng theo ông Phấn, Dự thảo Luật cũng đã bổ sung ở chương XII về Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai với các quy định về trách nhiệm, thời gian các bộ, ngành và các địa phương đưa hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai vào vận hành, khai thác; quy định kết nối liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành có liên quan và quy định về dịch vụ công trực tuyến và giao dịch điện tử về đất đai nhằm tạo công cụ để người dân, doanh nghiệp có thể truy xuất, kiểm tra quá trình giải quyết thủ tục hành chính về đất đai của cơ quan giải quyết thủ tục trên môi trường điện tử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết thủ tục hành chính về đất đai: Đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO