Theo đó, ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết hai thông tư 08,09 đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 và căn cứ quy định tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018, Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/ 2018 của Chính phủ.
Sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT và Thông tư số 09/2018/TT-BTNMT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó, quy định phế liệu nhập khẩu là hàng hoá nhóm 2 phải thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng.
Sau khi ban hành hai Thông tư nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản hướng dẫn thực hiện hai Thông tư nêu trên; đồng thời, tổ chức hai hội thảo tập huấn, hướng dẫn triển khai Thông tư.
Tuy nhiên, một số tỉnh, thành phố không cử cán bộ tham dự nên trong quá trình triển khai thực hiện đã có cách hiểu chưa đúng và đầy đủ các quy định, đặc biệt là các quy định liên quan đến kiểm tra nhà nước đối với chất lượng phế liệu nhập khẩu.
“Một số địa phương không tham dự Hội thảo, tập huấn, đang hiểu chưa đúng vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tổ chức, triển khai thực hiện Thông tư, đặc biệt là việc kiểm tra, giám định đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu.” – ông Hoàng Văn Thức nói.
Thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng địa phương
Giải thích rõ về quy định chức năng, trách nhiệm, sự phối hợp giữa các bên liên quan trong hai thông tư 08,09, Ông Hoàng Văn Thức cho biết: việc giám định thực tế các lô hàng phế liệu nhập khẩu, lấy mẫu giám định phế liệu nhập khẩu không phải trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường mà do tổ chức giám định độc lập về chất lượng phế liệu đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định thực hiện (tổ chức giám định độc lập).
Theo quy định việc kiểm tra, giám định lô hàng phế liệu được thực hiện bằng mắt thường hoặc kiểm tra, lấy mẫu phân tích trong trường hợp phương pháp kiểm tra bằng mắt thường không xác định được chất lượng phế liệu nhập khẩu.
Quy trình kiểm tra, giám định chất lượng phế liệu trong đó có hoạt động kiểm tra bằng mắt thường đã được hướng dẫn cụ thể trong các QCVN (Quy chuẩn Việt Nam) về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu và cũng phù hợp với thông lệ của các nước trên thế giới.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện Sở Tài nguyên và Môi trường có quyền kiểm tra đột xuất lô hàng phế liệu nhập khẩu khi phát hiện hoặc có khiếu nại, tố cáo về chất lượng phế liệu nhập khẩu không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường theo quy định của Nghị định số 74/2018/NĐ-CP.
Việc phối hợp công tác giữa cơ quan Hải quan với Sở Tài nguyên và Môi trường ở các địa phương khác đến để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá phế liệu nhập khẩu chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả.
Để trong thời gian tới thúc đẩy quá trình thực hiện thủ tục thông quan nhanh chóng, kịp thời cho các lô hàng phế liệu của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, ông Hoàng Văn Thức cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo Cục Hải quan địa phương tích cực phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trong quá trình kiểm tra nhà nước đối với chất lượng phế liệu nhập khẩu trên địa bàn hoạt động của cơ quan hải quan. Ông Hoàng Văn Thức cho rằng, nếu các bên liên quan cùng phối hợp hành động theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình thì sẽ không còn tình trạng như vừa qua.
Các tổ chức giám định độc lập cần phát huy đúng năng lực, trách nhiệm
Trả lời về các tổ chức giám định độc lập có phụ thuộc vào kết quả kiểm hoá phế liệu nhập khẩu của cơ quan kiểm định hải quan hay không cũng như chức năng hoạt động và trách nhiệm của các tổ chức này, Ông Hoàng Văn Thức cho biết:
Hiện nay một số tổ chức giám định độc lập về chất lượng phế liệu nhập khẩu sau khi có kết quả giám định phải chờ và thống nhất kết quả với Cơ quan kiểm định hàng hoá của Tổng cục Hải quan sau đó các tổ chức này mới gửi chứng thư giám định cho Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện thông báo kết quả kiểm tra nhà nước đối với phế liệu nhập khẩu.
Việc này đã làm chậm trễ quá trình ra thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu của các Sở Tài nguyên và Môi trường.
Theo quy định của pháp luật, hoạt động kiểm tra, giám định chất lượng phế liệu được thực hiện độc lập với hoạt động kiểm hoá hàng hoá của cơ quan kiểm định hải quan.
Kết quả giám định là khách quan, độc lập không phụ thuộc vào kết quả kiểm hoá phế liệu nhập khẩu của cơ quan kiểm định hải quan.
Trong quá trình kiểm tra, giám định chất lượng phế liệu, các tổ chức giám định độc lập phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về kết quả giám định chất lượng lô hàng phế liệu nhập khẩu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các tổ chức giám định độc lập thực hiện nghiêm quy định của pháp luật: ngay sau khi có kết quả giám định về chất lượng lô hàng phế liệu nhập khẩu phải kịp thời ra chứng thư giám định để gửi Sở Tài nguyên và Môi trường làm thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ kịp thời cho các tổ chức, cá nhân trong việc thông quan các lô hàng phế liệu nhập khẩu nhất là trong dịp Tết nguyên đán sắp đến, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Bộ, ngành và địa phương chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường nguồn lực để tiến hành hoạt động kiểm tra nhà nước đối với chất lượng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất theo quy định. Đồng thời áp dụng biện pháp miễn giảm kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất (hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu) để làm thủ tục thông quan cho lô hàng theo quy định tại Khoản 8 Điều 7 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP).