Giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM: Sở TN&MT đề xuất nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ

Nguyễn Quỳnh| 19/07/2022 12:30

(TN&MT) - Để đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, Sở TN&MT TP.HCM đã kiến nghị thành lập Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cấp Thành phố và đề xuất chính sách đặc thù trong giải quyết tái định cư trước khi thu hồi đất cho riêng dự án đặc biệt quan trọng này.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hình thành nên mạng lưới giao thông huyết mạch của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ngày 16/6/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 57 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM.

11-1-(1).jpg

Sơ đồ dự án đường Vành đai 3 TP.HCM

Ngày 5/7/2022, UBND TP.HCM và UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An đã ký ban hành Kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM. Trong đó, các địa phương thống nhất thời gian bắt đầu bàn giao mặt bằng Dự án từ 1/10/2022 đến 30/4/2023 bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng và đến tháng 3/2024 phải bàn giao toàn bộ mặt bằng.

Đề xuất thành lập Ban chỉ đạo cấp thành phố

Dự án Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn TP.HCM có sơ bộ tổng mức đầu tư là 25.610 tỷ đồng, tổng số trường hợp bị ảnh hưởng khoảng 2.377 trường hợp, tổng số trường hợp phải tái định cư khoảng 752 trường hợp.

Theo Sở TN&MT TP.HCM, để hoàn thành được Dự án thì điều kiện tiên quyết và rất quan trọng đó là công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng của Dự án. Nếu nội dung này chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến công tác xây lắp và ảnh hưởng chung đến toàn bộ Dự án.

Ông Võ Trung Trực - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là một công việc khó khăn và vô cùng phức tạp do ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và lợi ích của người có đất bị thu hồi. Để đảm bảo tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao mặt bằng đòi hỏi công tác chuẩn bị phải hết sức kỹ lưỡng, đầy đủ (về nhân sự, pháp lý, kinh phí…); công tác thực hiện, theo dõi giám sát thực hiện phải hết sức chặt chẽ, đòi hỏi sự nỗ lực, phối hợp giữa sở, ngành thành phố và các địa phương, giữa cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện với nhau.

Ngoài ra, theo ông Trực, do tính chất chất công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thường phát sinh những vụ việc vướng mắc mà địa phương không thể giải quyết, cần xin ý kiến hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của Sở TN&MT, Sở Xây dựng và nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Ban Chỉ đạo Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của thành phố để giải quyết ngay. Nếu các địa phương chỉ gửi văn bản đến các sở, ngành có liên quan, UBND Thành phố và chờ hướng dẫn giải quyết như thông thường hiện nay thì sẽ rất chậm, ảnh hưởng tiến độ Dự án. Do đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương và các sở, ngành, thành phố, Kho bạc Thành phố để hoàn thành các nhiệm vụ, đảm bảo tiến độ Dự án.

Vì vậy, Sở TN&MT đề xuất thành lập Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cấp Thành phố cho Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM. Thành phần gồm: Chủ tịch UBND TP.HCM làm Trưởng ban; Phó Giám đốc Sở TN&MT Võ Trung Trực làm Phó Trưởng ban thường trực; thành viên là các sở, ngành có liên quan, Lãnh đạo UBND TP. Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh. Thành phần phải là những người có chuyên môn, có kinh nghiệm, am tường công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cũng như có quyết tâm, quyết đoán…

Đồng thời, Sở TN&MT cũng đề xuất Thanh tra TP.HCM tham gia thành viên Ban chỉ đạo để kịp thời phối hợp các cơ quan giải quyết khiếu nại của người dân liên quan đến Dự án.

Đối với các địa phương, Sở TN&MT đề xuất cần thành lập Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cấp huyện, thành phần gồm đồng chí Bí thư làm Trưởng Ban, lãnh đạo UBND và các đơn vị phòng, ban, lãnh đạo UBND cấp xã là những người có chuyên môn, có kinh nghiệm, am tường công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tham gia. Ngoài ra, cần cơ cấu thêm các Ủy viên Ban Thường vụ tham gia để huy động hệ thống chính trị, các đoàn thể vận động, tuyên truyền người dân hiểu được tầm quan trọng và ủng hộ chủ trương thực hiện Dự án, trên cơ sở đó thuyết phục người dân đồng thuận hỗ trợ cung cấp pháp lý, cho phép kiểm kê, đo vẽ trước khi ban hành thông báo thu hồi đất.

Đề xuất thực hiện cơ chế đặc thù

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, tạo sự đồng thuận của người dân, rút ngắn thời gian thực hiện, đảm bảo bàn giao mặt bằng, Sở TN&MT đề xuất giải pháp thực hiện chủ trương giải quyết tái định cư trước cho hộ dân đủ điều kiện.

11-2-.jpg

TP.HCM sẽ đề xuất cơ chế đặc thù trong giải quyết tái định cư khi giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án đường Vành đai 3

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài tuyến là 76,34km (bao gồm: TP.HCM 47,51km; Đồng Nai 11,26km; Bình Dương 10,76km; Long An 6,81km). Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là 75.378 tỷ đồng.

Để thực hiện Dự án, dự kiến cần thu hồi 642,7ha đất với tổng số 3.863 hộ bị ảnh hưởng (trong đó có 1.476 hộ đủ điều kiện tái định cư).

Dự án sẽ được khởi công xây dựng trong tháng 6/2023, thi công hoàn thành toàn bộ dự án trong tháng 6/2026.

Theo đó, Sở TN&MT kiến nghị UBND Thành phố xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho UBND Thành phố thực hiện thí điểm chính sách tái định cư cho Dự án Vành đai 3 theo Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Cụ thể, đối với các trường hợp qua kiểm tra, rà soát, xác nhận pháp lý nhà đất, UBND TP. Thủ Đức và các huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh xác định đủ điều kiện được bố trí tái định cư thì khẩn trương tiếp xúc, vận động hộ dân nhận nhà, đất tái định cư.

Về giá căn hộ, nền đất bố trí tái định cư: UBND Thành phố sẽ phê duyệt giá tái định cư trước khoảng 6 tháng so với thời điểm phê duyệt giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ.

Đối với các trường hợp nhận tái định cư bằng nền đất, giao Hội đồng Bồi thường của dự án căn cứ vào tiến độ xây dựng nhà của hộ dân để tạm ứng một phần tiền bồi thường, hỗ trợ về công trình, vật kiến trúc hoặc tiền bồi thường, hỗ trợ về đất (nếu có chênh lệch lớn hơn tiền nền đất tái định cư) cho hộ dân để có điều kiện xây dựng nhà mới nhưng thời gian xây dựng không quá 6 tháng. Đồng thời, giám sát tiến độ xây dựng nhà của các hộ dân, đảm bảo số tiền tạm ứng được sử dụng đúng mục đích.

Hộ dân được giải quyết nhận tái định cư trước phải cam kết sử dụng tiền được tạm ứng để xây dựng nhà mới (nếu được tạm ứng), cam kết bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ, kế hoạch của Hội đồng Bồi thường của Dự án.

Theo Sở TN&MT, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án (dự kiến chậm nhất hết tháng 9/2022), UBND TP.HCM triển khai thực hiện cụ thể đến các sở, ngành có liên quan và UBND TP. Thủ Đức, các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh chậm nhất hết ngày 15/10/2022.

Theo đó, UBND TP. Thủ Đức, UBND các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh sẽ thực hiện việc trình duyệt giá nền đất tái định cư chậm nhất hết tháng 10/2022; thực hiện việc phê duyệt giá căn hộ chung cư tái định cư chậm nhất hết tháng 11/2022. UBND Thành phố phê duyệt giá nền đất tái định cư chậm nhất hết tháng 11/2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM: Sở TN&MT đề xuất nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO