Giải đáp về giấy phép môi trường cho doanh nghiệp

Linh Chi| 28/04/2022 12:34

(TN&MT) - Viện Chính sách Kinh tế môi trường vừa tổ chức Hội thảo Nâng cao hiệu quả thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020. Tại đây nhiều ý kiến liên quan đến Giấy phép môi trường và Đăng ký môi trường của nhiều doanh nghiệp đã được các chuyên gia, cơ quan quản lý Nhà nước giải đáp.

Một số quy định về Giấy phép môi trường

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Quang, Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường cho biết: Về giấy phép môi trường, trong Luật Bảo vệ môi trường trước đây có một số thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp, bao gồm: Luật Tài nguyên nước có giấy phép xả nước thải nguồn nước; Luật Thủy lợi có giấy phép xả nước thải ra môi trường thủy lợi, Luật Bảo vệ môi trường có giấy phép xác nhận đổ thải, giấy phép xử lý chất thải nguy hại. Năm 2019, Nghị định 40 của Chính phủ có thêm giấy phép xả chất thải môi trường, song chưa được triển khai.

Tiếp đó, đến Luật Bảo vệ môi trường 2020 theo tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ là đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm bớt các thủ tục theo tiến độ công trình. Theo đó, một số giấy phép môi trường thành phần được lồng ghép trong cùng một loại giấy phép, gọi chung là giấy phép môi trường.

Trong giấy phép môi trường lồng ghép giấy phép xả chất thải nguy hại (gồm xả nguồn tiếp nhận và xả vào công trình, giấy phép xử lý chất thải nguy thải, giấy xác nhận công trình bảo vệ môi trường, sổ đăng ký xả thải chất thải. Giấy phép môi trường có thể cấp cho từng hạng mục, giai đoạn phân kỳ của công trình, có phát sinh chất thải và xả thải ra môi trường. Theo điều 39 của Luật Bảo vệ môi trường quy định các đối tượng phải có giấy phép môi trường bao gồm: Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức;

Dự án đần tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày 01/01/2022 có tiêu chí về môi trường như đối tượng Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý;

Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý thuộc trường hợp dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công được miễn giấy phép môi trường.

51-1650959355-giay-phep-moi-truong-1.jpg

Giấy phép môi trường có thể cấp cho từng hạng mục, giai đoạn phân kỳ của công trình, có phát sinh chất thải và xả thải ra môi trường. Nội dung cấp phép môi trường bao gồm: Nguồn phát sinh nước thải; lưu lượng xả nước thải tối đa; dòng nước thải; các chất ô nhiễm và giá trị giới hạn của các chất ô nhiễm theo dòng nước thải; vị trí, phương thức xả nước thải và nguồn tiếp nhận nước thải;

Nguồn phát sinh khí thải; lưu lượng xả khí thải tối đa; dòng khí thải; các chất ô nhiễm và giá trị giới hạn của các chất ô nhiễm theo dòng khí thải; vị trí, phương thức xả khí thải; Nguồn phát sinh và giá trị giới hạn đối với tiếng ồn, độ rung;

Công trình, hệ thống thiết bị xử lý chất thải nguy hại; mã chất thải nguy hại và khối lượng được phép xử lý, số lượng trạm trung chuyển chất thải nguy hại, địa bàn hoạt động đối với dự án đầu tư, cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại;

Loại, khối lượng phế liệu được phép nhập khẩu đối với dự án đầu tư, cơ sở có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

Giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp

Tại hội thảo, một số doanh nghiệp còn băn khoăn về việc, doanh nghiệp đang thuê lại một dự án để hoạt động sản xuất, trong quá trình sản xuất có phát sinh chất thải. Trong trường hợp cơ sở sản xuất bị xử phạt vì vi phạm liên quan đến môi trường thì chúng tôi có phải chịu trách nhiệm hay không? Ông Nguyễn Xuân Quang, Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường cho rằng, nếu doanh nghiệp thuê lại dự án để hoạt động mà không có dự án mới thì toàn bộ trách nhiệm liên quan đến môi trường sẽ thuộc về cá nhân, tổ chức đứng tên trong hồ sơ môi trường của dự án cũ.

Nếu doanh nghiệp thuê lại dự án mà lập dự án riêng và thực hiện các thủ tục liên quan đến môi trường thì doanh nghiệp thuê lại sẽ phải chịu trách nhiệm nếu phát sinh các vấn đề liên quan đến môi trường.

Về vấn đề doanh nghiệp đã được UBND tỉnh cấp ĐTM, vậy nếu doanh nghiệp muốn xin GPMT thì đơn vị nào sẽ cấp? Quy trình cấp GPMT trong trường hợp này như thế nào? Ông Quang cũng cho biết, theo quy định, UBND tỉnh phê duyệt ĐTM cho doanh nghiệp thì cơ quan này cũng sẽ chịu trách nhiệm cấp GPMT. Trong quá trình xin GPMT thì cơ quan quản lý có trách nhiệm theo dõi quá trình vận hành thí điểm. Nếu trong quá trình vận hành của doanh nghiệp đạt các tiêu chuẩn liên quan đến việc cấp GPMT thì cơ quan quản lý sẽ cấp GPMT theo đúng quy định.

Nếu trong quá trình vận hành thí điểm phát sinh các vấn đề liên quan đến chất thải, thì doanh nghiệp buộc phải tìm hướng xử lý cho phù hợp. Khi mà vấn đề được giải quyết, cơ quan quản lý sẽ tiến hành kiểm tra và xem xét cấp GPMT.

Dự án đầu tư có Giấy phép môi trường thì không phải Đăng ký môi trường; Trường hợp đã có đánh giá tác động môi trường nhưng không thuộc đối tượng cấp giấy phép môi trường nhưng có phát sinh chất thải thì phải có Đăng ký môi trường.

Chính phủ đã quy định danh mục dự án cơ sở miễn đăng ký môi trường. Việc đăng ký môi trường sẽ tiến hành đăng ký tại UBND các xã. Bởi đăng ký môi trường không phải là một thủ tục hành chính, UBND các xã có trách nhiệm tiếp nhận và đưa lên hệ thống quốc gia. Luật quy định lập hội đồng thẩm định, bộ quy định tổ chức thẩm định, xác định rõ quy mô, phạm vi dự án để xác định đối tượng(thuộc nhóm 1,2,3), có xả chất thải ra môi trường tiếp nhận hay không, dự đoán phát sinh chất thải trong quá trình hoạt động…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải đáp về giấy phép môi trường cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO