Giải bài toán thủy điện vừa và nhỏ khu vực miền Trung: Thủy điện có thể kéo dài thời gian lũ

Đà Hải (thực hiện)| 29/03/2022 10:06

(TN&MT) - Để có cái nhìn rõ nét về phát triển thủy điện & hệ lụy từ thủy điện vừa và nhỏ ở khu vực miền Trung, PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với GS, TS. Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam.

PV: Ông nghĩ gì về sự phát triển và quy hoạch các thủy điện vừa và nhỏ ở miền Trung hiện nay?

GS. TS Vũ Trọng Hồng: Trước tiên, chúng ta cần nhìn nhận theo lịch sử phát triển của đất nước. Muốn thoát nghèo nhanh phải đẩy mạnh công nghiệp hóa, trong đó nguồn điện lấy từ năng lượng nước là tương đối rẻ. Thủy điện là một nguồn năng lượng có thể tái tạo được. Một ưu điểm lớn nữa, đó là nguồn năng lượng sạch. Song hậu quả lớn nhất là làm mất đất và hủy hoại môi trường ở nơi xây dựng. Đây là mấu chốt cho quyết định có nên phát triển tràn lan thủy điện trên các sông suối như hiện nay hay không?

Việt Nam là một nước mà lương thực chủ yếu dựa vào canh tác lúa nước nên rừng đầu nguồn có vai trò rất lớn đến việc bảo đảm cân bằng nước dùng. Đặc biệt như vụ Đông - Xuân, diện tích trồng lúa lớn, lại rơi vào mùa khô hạn nên nguồn nước mùa kiệt của các sông suối là sống còn cho nông nghiệp và sinh hoạt của con người. Đặc điểm các sông suối miền Trung vào mùa khô hạn, lượng dòng chảy chỉ nhờ vào lượng nước thấm từ đất ra, phần lớn là từ lượng nước ngầm ở Tây Nguyên cung cấp. Nếu mất rừng ở Tây Nguyên, các hồ chứa ở miền Nam Trung Bộ vào những năm thiếu mưa sẽ bị khô đáy. Như vậy, do việc phát triển quá nhiều thủy điện vừa và nhỏ thời gian qua, lại thiếu sự chuẩn bị đầy đủ quy hoạch và sự chỉ đạo thực hiện thiếu sự quản lý thống nhất của cấp Nhà nước đã phá mất nhiều rừng đầu nguồn, dẫn đến hệ lụy như hiện nay.

anh-1-gs-ts.-vu-trong-hong.jpg
GS. TS Vũ Trọng Hồng

PV: Thủy điện có thể không làm tăng lũ, nhưng thủy điện đã làm rừng mất đi và khiến lũ tàn phá nặng nề hơn, theo ông, cần khắc phục điều này như thế nào?

GS. TS Vũ Trọng Hồng: Trong câu hỏi này cần làm rõ, tại sao rừng mất đi khiến lũ tàn phá nặng nề hơn? Nhớ lại những ngày nằm trong rừng để bảo vệ kho gạo, phục vụ cho chiến trường Điện Biên Phủ, tôi mới hiểu giá trị của thảm thực vật, có tác dụng kéo dài thời gian hình thành lũ và không làm xói mòn đất như thế nào? Việc trước tiên là phải bảo vệ thảm thực vật đó. Những rừng sản xuất, sau khi lấy gỗ, con người thường có thói quen đốt những cành khô và cả lớp thực vật trên mặt đất là không đúng. Bộ TN&MT cần phối hợp với Bộ NN&PTNT có văn bản yêu cầu chính quyền địa phương thực hiện. Có như vậy, việc tái tạo rừng mới có giá trị giảm lũ. Rừng cao su, rừng cây cà phê, rừng cây ăn quả đều không có tác dụng giảm lũ, khi mà mặt đất thường bị bóc sạch.

Việc tái sinh nguồn nước ngầm sau khi rừng được phục hồi là bao nhiêu năm? Khi làm Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, tôi đi kiểm tra rừng ở tỉnh Sơn La, các cụ già địa phương cho biết, sau khi phục hồi rừng phải mất 50 năm sau mới có nước ngầm chảy ra suối. Việc này các bộ chức năng cần có đề tài nghiên cứu cho từng khu vực có rừng.

Trở lại ý ban đầu, thủy điện có thể không làm tăng lũ, nhưng kéo dài thời gian lũ, khiến đất bị bở rời, gây sạt lở nghiêm trọng. Đó là hiện tượng mà người dân miền Trung gọi là “lũ chồng lũ” như vụ sạt lở đất ở Thủy điện Rào Trăng 3, Thừa Thiên - Huế. Nguyên nhân là trên một dòng sông, một con suối, có nhiều nhà máy thủy điện được xây dựng theo kiểu bậc thang, và khi lũ đến đều liên tiếp mở cửa tràn để không bị vỡ đập. Hậu quả lũ lớn và kéo dài. Bộ Công Thương cần sớm xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia công trình thủy điện để quy định chỗ nào mới cho phép xây dựng thủy điện bậc thang, như các nước phát triển thủy điện từng làm.

PV: Ông nghĩ gì về những giải pháp “mạnh tay” để hạn chế tác động xấu của thủy điện đối với các dòng sông ở miền Trung hiện nay?

GS. TS Vũ Trọng Hồng: Ở miền Trung, Quảng Nam là một trong những tỉnh xây dựng nhiều thủy điện nhất, số lượng tính tới vài trăm thủy điện nhỏ, số ít là thủy điện vừa. Chúng ta cần có báo cáo tổng kết thực tế do Bộ Công Thương kết hợp với tỉnh Quảng Nam để phân loại những tác động xấu do thủy điện gây ra, và từ đó có giải pháp thích hợp. Theo tôi, trước hết nên áp dụng cách làm của tỉnh Quảng Nam là dừng cấp phép cho thủy điện nhỏ mới lập dự án đầu tư. Tiếp theo, các nhà máy thủy điện, đặc biệt các thủy điện trên cùng bậc thang phải liên kết thông tin liên lạc để kịp thời xả lũ, không để “lũ chồng lũ” gây thiệt hại cho người dân.

PV: Theo ông, công tác quản lý của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cùng chủ đầu tư phải có sự “chuyển động” như thế nào để giảm thiểu những hậu họa xảy ra từ thủy điện?

GS. TS Vũ Trọng Hồng: Về cơ quan chức năng, tôi rất đồng tình với cách tiếp thu những ý kiến của Bộ trưởng Bộ TN&MT trong buổi giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngay sau cuộc họp, Bộ trưởng đã cho kiểm tra hơn 100 điều trong các văn bản chồng chéo về Luật Đất đai để kịp thời tháo gỡ. Tôi nghĩ, Bộ NN&PTNT với tư cách là thường trực Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai, Bộ Công Thương với tư cách quản lý Nhà nước các nhà máy thủy điện, cũng nên tích cực lắng nghe, xem xét và có giải pháp mạnh tay hơn để giảm thiểu hậu quả của thủy điện vừa và nhỏ đang hoạt động.

Đối với chính quyền địa phương, công tác giám sát hoạt động của nhà máy cần được làm định kỳ, ít nhất là trước mùa mưa bão và sau mùa mưa bão. Đối với các khu dân cư, đặc biệt những khu định cư mới, cần được đo đạc, theo dõi, đánh giá để dự báo hiện tượng sạt lở trước và dự kiến biện pháp ứng cứu. Riêng với chủ đầu tư, phải cam kết thực hiện đúng như bản Đánh giá tác động Môi trường (ĐTM) đã được Bộ TN&MT phê duyệt và được Sở TN&MT địa phương chấp nhận.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải bài toán thủy điện vừa và nhỏ khu vực miền Trung: Thủy điện có thể kéo dài thời gian lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO