Biến đổi khí hậu

Giải bài toán ngập úng trước mắt và lâu dài

Lan Anh 23/05/2024 09:22

(TN&MT) - Từ những bài học của các đợt ngập lụt đô thị liên tiếp trong các năm 2022 và 2023, nhiều địa phương ở Đà Nẵng đã tập trung phân tích nguyên nhân để có những giải pháp ứng phó trước mắt và lâu dài nhằm góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Chủ động ứng phó

Ông Nguyễn Đăng Huy - Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu nhìn nhận, quận có nhiều khu dân cư đang chỉnh trang, giải tỏa chậm, chưa giải tỏa và nhiều khu vực chưa được đầu tư công trình thoát nước. Thời gian qua, việc nạo vét, khơi thông thoát nước được tập trung đã phát huy hiệu quả giảm ngập úng trong mùa mưa lũ năm 2023. Về lâu dài, để ứng phó với ngập úng, quận Liên Chiểu phối hợp các sở, ban, ngành khảo sát, đánh giá lại hệ thống thoát nước trên địa bàn quận và có hướng quy hoạch hợp lý hệ thống thoát nước.

8e(2).jpg

Các khu vực cũ, khu vực cải tạo cần đề xuất giải pháp xử lý, không nhất thiết phải bảo đảm (đắp thêm) để có cao độ nền tương ứng với tần suất thiết kế 1%. Vì thế, trong đồ án cần làm rõ các khu vực được giữ nguyên cao độ nền, khu vực có sự thay đổi. Đối với khu vực không đáp ứng được tần suất tính toán 1% thì cần bổ sung giải pháp "sống chung" với ngập nước khi mưa quá lớn. Những khu vực bố trí công viên, vườn hoa, mảng cây xanh, mặt nước... cần được tận dụng làm nơi chứa nước mưa tạm thời, làm giảm ngập úng, thoát nước bền vững cho đô thị.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến

Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng)

Cụ thể, quận sẽ đầu tư nạo vét hồ Phước Lý để điều tiết lưu lượng thoát nước và cần đầu tư mở rộng cống thoát nước từ Hồ Phước Lý ra kênh Hòa Mỹ và dọc tuyến kênh Hòa Minh. Đề xuất đầu tư tuyến cống đi dọc đường Hoàng Văn Thái để giảm tải lưu lượng đổ về tuyến kênh hiện trạng cũng như giảm thiểu khả năng ngập úng khu vực phía Tây Nam quận Liên Chiểu và đảm bảo thuận lợi thoát nước về kênh Hòa Mỹ. Đầu tư mới tuyến kênh hở thu gom lượng nước từ khu vực núi Hòa Sơn dẫn dòng về kênh thoát nước dọc đường số 4 Khu công nghiệp Hòa Khánh và bố trí khu vực lắng sơ bộ. Đồng thời nghiên cứu xây dựng 2 hồ điều tiết với tổng diện tích hơn 10,6 ha để tăng khả năng chứa nước.

Tại quận Cẩm Lệ, ông Nguyễn Quang Vinh - Chủ tịch UBND quận cho biết, để ứng phó với tình trạng ngập lụt đô thị, trước mỗi mùa mưa lũ, địa phương sớm ban hành kế hoạch triển khai đảm bảo an toàn đối với công tác nạo vét thoát nước, phòng chống ngập úng trên địa bàn quận nhằm khắc phục tình trạng người dân chặn cửa thu, thông tắc do bồi lấp bùn đất tại cửa thu để phát huy hết khả năng thoát nước của cửa thu. Triển khai đấu thầu và thi công các gói thầu nạo vét hệ thống thoát nước trên địa bàn quận, yêu cầu bàn giao đúng tiến độ. Bố trí kinh phí nạo vét các hồ điều tiết trên địa bàn quận để tăng khả năng điều tiết nước.

Địa phương cũng kiến nghị thành phố ưu tiên triển khai các dự án mang tính động lực để giải quyết cơ bản ngập úng khu vực phía Tây đường Trường Chinh (Nam CK55, Nam Lê Trọng Tấn); Cải tạo cầu qua đường Nguyễn Nhàn; cải tạo Cống Lò Vôi (đường Cách Mạng Tháng Tám); cải tạo Kênh Phong Bắc, Cống Quỳnh... để tăng khả năng thoát nước giảm ngập úng cho khu vực phía Tây đường Trường Chinh và phía Nam Sân bay. Đồng thời kiến nghị thành phố xem xét đầu tư thêm tuyến cống thoát nước từ Nam Sân bay ra Sông Cẩm Lệ để giảm tải thoát nước cho Kênh Phong Bắc (Cống đi dọc đường Nguyễn Hữu Thọ ra sông Cẩm Lệ

Quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị

Hiện nay TP. Đà Nẵng đang lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đối với nội dung dự thảo quy hoạch cao độ nền, thoát nước nước mặt đô thị thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là một trong những giải pháp trọng tâm, then chốt mang tính ổn định lâu dài để giải bài toán ngập lụt đô thị của Đà Nẵng.

aaa.jpg
Cần quy hoạch căn cơ, bền vững, khắc phục bất cập từ quá trình đô thị hóa khiến thay đổi lưu vực các sông

Đồ án quy hoạch được điều chỉnh sẽ xác định các giải pháp quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt hợp lý và xác định cao trình xây dựng khống chế của từng khu vực xây dựng cụ thể, các đường phố chính cấp đô thị có xét đến tác động biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng theo quy hoạch chung được duyệt.

Đồ án cũng đã đưa ra những đề xuất cần ưu tiên các dự án, giải pháp nâng cao năng lực thoát nước cho một số khu vực như đường Mẹ Suốt, cầu Đa Cô, sông Phú Lộc, sân bay và khu vực lân cận, trục trung tâm từ 2 hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung, cửa xả Ông Ích Khiêm, mở rộng cống ra khu vực trạm bơm Thuận Phước... Đây là những khu vực ngập sâu trong 2 năm qua khi Đà Nẵng có mưa lớn, cần ưu tiên giải quyết.

Đề cập đến vấn đề thoát nước, theo GS.TS. Trần Viết Ổn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi, Đà Nẵng là thành phố sát biển nên sẽ có ưu thế gần như tuyệt đối trong vấn đề thoát nước. Do vậy, Đà Nẵng nên thoát nước ưu tiên ở biển và thoát phân tán. Dự thảo đồ án đã phân ra thành từng tiểu khu để tiêu thoát, chứ không tập trung ở một chỗ. Về quy hoạch cao độ nền, phần lớn các khu vực hiện trạng của TP. Đà Nẵng chỉ có khả năng chịu được tần suất ngập là 5% (mưa lũ cực đoan 20 năm xuất hiện 1 lần), từ số xác định cao độ nền của quy hoạch tương lai, ông cho là hợp lý. Bởi, hiện khu vực nền Đà Nẵng hầu như có dân cư sinh sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải bài toán ngập úng trước mắt và lâu dài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO